Chủ nhật 24/11/2024 20:38

Tranh luận sôi nổi về việc bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Viện Kiểm sát

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chiều 21-5, thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, việc bổ sung chức năng giám định tư pháp (GĐTP) cho “Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao” đã nhận được nhiều ý kiến tranh luận từ các đại biểu.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho rằng, không nên bổ sung quy định nêu trên trong Dự thảo Luật. Bởi lẽ đây là lĩnh vực kỹ thuật chuyên biệt, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao về kinh nghiệm, đặc biệt quá trình đào tạo một giám định viên kỹ thuật hình sự công lập đòi hỏi chuyên sâu.

Đại biểu phân tích, theo Luật GĐTP hiện hành, tổ chức GĐTP công lập về kỹ thuật hình sự bao gồm: Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an); Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an các tỉnh; Phòng Kỹ thuật hình sự (Bộ Quốc phòng). Từ khi Luật GĐTP 2012 có hiệu lực đến nay, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đã tiếp nhận 42 vụ trưng cầu giám định âm thanh, 18 vụ trưng cầu giám định kỹ thuật số điện tử, đáp ứng được yêu cầu về giám định và đặc biệt là sự kịp thời, nhanh chóng trong giám định.

Đại biểu cho biết, tại Báo cáo tổng kết thi hành Luật GĐTP năm 2012, không thấy nêu về những khó khăn, vướng mắc của Viện Kiểm sát trong việc trưng cầu chuyên ngành giám định về âm thanh. Trong quá trình soạn thảo, thảo luận cho ý kiến Dự thảo Luật trong Chính phủ không có trình bày nội dung, đề xuất thành lập Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao. Sau này mới có báo cáo bổ sung trước Quốc hội đề xuất thành lập phòng giám định này. “Tôi hiểu rằng, việc bổ sung này có nghĩa là yêu cầu thực tế chưa bức thiết”, đại biểu nói.

Đại biểu đặt vấn đề, theo quy định của Luật Tổ chức VKSND thì VKSND tối cao là cơ quan chức năng thực hành quyền công tố, kiểm soát hoạt động tư pháp của Việt Nam, không thấy quy định chức năng nhiệm vụ về GĐTP. Do đó, nếu quy định chức năng, nhiệm vụ của phòng GĐTP công lập thuộc Viện KSND tối cao có xung đột với Luật Tổ chức VKSND hay không? VKSND thực hiện quyền công tố, kiểm soát hoạt động tư pháp lại vừa trực tiếp thực hiện giám định thì liệu có đảm bảo sự khách quan, công minh trong vấn đề này hay không?

Tranh luận với quan điểm nêu trên, Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) cho rằng, câu chuyện ở đây không phải là quá tải mà chưa bao giờ yêu cầu phải tránh oan sai trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử đòi hỏi cao như hiện nay. Theo đại biểu, việc thiết kế cơ quan giám định, thẩm định thuộc Viện KSND tối cao xuất phát từ yêu cầu này và được quy định từ khoản 7 Điều 165 Bộ Luật Tố tụng hình sự khi nói về mối quan hệ giữa viện kiểm sát với cơ quan điều tra.

Theo đó quy định, viện kiểm sát trong quá trình kiểm sát hoạt động điều tra thì có quyền trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra trong trường hợp để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi xét phê chuẩn lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Hoặc trường hợp phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục hoặc trường hợp để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi quyết định việc truy tố.

tranh luan soi noi ve viec bo sung chuc nang giam dinh tu phap cho vien kiem sat
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho rằng việc bổ sung phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSND tối cao là cần thiết để tránh oan, sai. Ảnh: Quochhoi.vn

“Tôi đặt giả thiết trong trường hợp giám định âm thanh, hình ảnh của Bộ Công an có vấn đề, nếu tiếp tục giao lại Bộ Công an giám định thì sẽ kết luận thế nào?”, đại biểu Nguyễn Mai Bộ nói. Đồng thời dẫn chứng vụ án "Tùng Dương ở cầu Chương Dương", nhiều lần giám định kết luận của giám định công an không ra được, đến khi giao cho giám định bên quân đội mới ra được vụ án. “Do đó, theo đại biểu, việc bổ sung quy định nêu trên là để thực hiện yêu cầu cao nhất của tố tụng và có căn cứ.

Tranh luận về nội dung này, Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho biết, không đồng tình với quan điểm cho rằng để chống oan sai thành lập một phòng giám định của VKSND tối cao.

“Nếu để chống oan, sai thì phải thành lập một cơ quan giám định thuộc TAND Tối cao. Vì Tòa án mới là trung tâm của nền tư pháp. Phán quyết của tòa mới quyết định một người có tội hay không có tội”.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cũng đặt vấn đề, từ trước đến nay VKS đã có bao nhiêu yêu cầu việc giám định mà các cơ quan giám định không làm đúng theo yêu cầu giám định của VKS? Mặt khác, theo báo cáo của Viện khoa học hình sự Bộ Công an, trong 8 năm, từ năm 2012-nay chỉ có 60 vụ việc giám định về âm thanh, tiếng nói. Trung bình mỗi năm chỉ có 8 vụ thôi. Do đó thực hiện nghiêm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết 39, Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy tổ chức, không thành lập cơ quan mới nếu không thực sự xuất phát từ yêu cầu cấp bách của thực tiễn.

Tranh luận với ý kiến đại biểu Nguyễn Mai Bộ rằng, hiện nay việc ghi âm ghi hình nhiều. VKSND Tối cao phải liên tục giám định, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng: “Điều này không có cơ sở thực tiễn. Bởi lẽ, nền tư pháp càng phát triển thì oan sai càng giảm chứ không phải cứ file ghi âm ghi hình là phát hiện ra nhiều oan, sai”. Do đó đại biểu đề nghị Quốc hội nên xem xét, cân nhắc kỹ về nội dung này.

tranh luan soi noi ve viec bo sung chuc nang giam dinh tu phap cho vien kiem sat
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật. Ảnh: Quochoi.vn

Trước đó, báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, đại biểu Quốc hội có hai loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất bày tỏ sự tán thành quy định của Dự thảo Luật. Bởi lẽ, từ ngày 1-1-2020, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên toàn quốc, nên yêu cầu giám định loại việc trên ngày càng tăng. Từ trước tới nay mới chỉ có một số đơn vị giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Công an đảm nhiệm việc giám định loại việc nói trên, dẫn đến quá tải.

Trung bình thời gian mỗi vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử từ 2 - 3 tháng, có vụ 05 tháng mới có kết luận, trong khi thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, điều tra vụ án và tạm giam được quy định ngắn và chặt chẽ, nên đã ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các vụ án. Theo đó, việc bổ sung quy định này sẽ góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh thu thập trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Đồng thời cũng phù hợp với cơ cấu tổ chức hệ thống các cơ quan điều tra hiện nay (thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng) đều có tổ chức GĐTP kỹ thuật hình sự hỗ trợ.

Trong khi đó, loại ý kiến thứ hai đề nghị không bổ sung quy định này, vì Viện kiểm sát vừa thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, vừa trực tiếp thực hiện giám định khó đảm bảo tính khách quan, làm phát sinh thêm biên chế, kinh phí đầu tư trang thiết bị, đào tạo bồi dưỡng và chưa phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Do đó, để giải quyết khó khăn hiện nay, cần tập trung đầu tư về nhân lực, trang - thiết bị kỹ thuật cho các tổ chức giám định kỹ thuật hình sự hiện có của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, không nên thành lập mới tổ chức GĐTP công lập về kỹ thuật hình sự tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

UBTVQH nhận thấy, việc bổ sung “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao” là tổ chức GĐTP công lập về kỹ thuật hình sự đã được Chính phủ cân nhắc kỹ trên cơ sở thực tiễn hoạt động tố tụng, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong công tác điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp hiện nay.

Chính phủ đã có báo cáo bổ sung trình Quốc hội khẳng định về sự cần thiết của vấn đề này. Đồng thời, theo báo cáo đánh giá tác động của cơ quan chủ trì soạn thảo, quy định trên không làm tăng biên chế chung của ngành Kiểm sát nhân dân; yêu cầu về đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo không lớn; không có tác động tiêu cực đối với cá nhân, tổ chức trong xã hội; không gây tác động tiêu cực về giới; không làm phát sinh thủ tục hành chính và không xung đột với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành.

Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho tiếp thu theo loại ý kiến thứ nhất. Theo đó, bổ sung “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao” là một trong các tổ chức GĐTP công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể tại khoản 4, khoản 5 Điều 12 Dự thảo Luật.

Thanh Hải
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động