Thứ sáu 08/11/2024 12:34

Quốc hội cho phép Đà Nẵng thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chiều 19-6, với 445/451 đại biểu tán thành, Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 -1 - 2021. Theo đó, quy định chính quyền địa phương ở thành phố Đà Nẵng là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND TP và UBND TP. Chính quyền địa phương ở các quận thuộc thành phố Đà Nẵng là UBND quận. UBND quận là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

Chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận tại TP Đà Nẵng là UBND phường. UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, UBND quận; Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của TP Đà Nẵng được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng được thực hiện từ ngày 1-7-2021cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, một số nội dung trong dự thảo Nghị quyết trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, có ý kiến đề nghị đổi tên của UBND quận, UBND phường nơi thực hiện thí điểm là Ủy ban hành chính.

quoc hoi cho phep da nang thi diem to chuc mo hinh chinh quyen do thi
Toàn cảnh phiên biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng. Ảnh: Quochoi.vn

UBTVQH cho rằng, tuy UBND quận, UBND phường nơi thực hiện thí điểm có sự khác biệt cơ bản về địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức và chế độ làm việc. Tuy nhiên, việc đổi tên thành Ủy ban hành chính ngay trong giai đoạn này sẽ dẫn đến những thay đổi chưa thực sự cần thiết trong việc cấp, đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức ở địa phương. Đồng thời hải sửa đổi, điều chỉnh các thông tin có liên quan trong hệ thống dữ liệu chung của quốc gia, gây tốn kém, khó khăn cho người dân và công tác quản lý nhà nước. Hơn nữa, tại kỳ họp thứ 8, khi thông qua Nghị quyết số 97/2019/QH14 thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, Quốc hội cũng đã nhất trí giữ tên gọi là UBND phường tại nơi thực hiện thí điểm. Do đó, xin phép Quốc hội cho giữ tên gọi là UBND như dự thảo Nghị quyết.

Về ý kiến đề nghị rà soát nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở nơi thực hiện thí điểm để có sự điều chỉnh cho phù hợp; UBTVQH đã cho rà soát, chỉnh lý và bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND các cấp ở TP Đà Nẵng cho phù hợp với mô hình thí điểm.

Đối với UBND quận và UBND phường, dự thảo Nghị quyết quy định nhiệm vụ, quyền hạn ngay trong Nghị quyết của Quốc hội; bổ sung thẩm quyền của Chủ tịch UBND quận, Chủ tịch UBND phường trong công tác nhân sự như đã thể hiện tại các điều 3, 4, 5, 6 và 7 của dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua.

Một số ý kiến đề nghị thực hiện thí điểm người dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND để bảo đảm quyền của người dân trong việc lựa chọn người đứng đầu chính quyền địa phương, đồng thời có cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực đối với Chủ tịch UBND.

UBTVQH cho rằng, việc tổ chức để người dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND là hình thức dân chủ trực tiếp, qua đó Nhân dân giám sát và kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu chính quyền địa phương. Để có thể áp dụng được cơ chế này, cần phải có sự nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng. Do đó, UBTVQH đề xuất Quốc hội chưa quy định nội dung này trong dự thảo Nghị quyết.

Tuy nhiên, để thực hiện giám sát, kiểm soát quyền lực đối với Chủ tịch UBND quận, phường, dự thảo Nghị quyết đã quy định cơ chế chịu trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận, phường; bổ sung thẩm quyền của HĐND TP trong việc lấy phiếu tín nhiệm và xem xét việc trả lời chất vấn đối với Chủ tịch UBND quận; đồng thời tiếp tục duy trì cơ chế kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội như hiện nay.

Thanh Hải
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động