Thứ hai 25/11/2024 04:06

Tránh lạm dụng việc cách ly rộng rãi không cần thiết, gây hoang mang cho người dân

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo đánh giá của TS Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, tình hình bệnh bạch hầu tại Việt Nam trong năm 2024 đến nay vẫn đang được kiểm soát tốt. Số ca mắc thấp và các ổ dịch nhỏ vẫn nằm trong tầm kiểm soát, với nguy cơ lây lan thành dịch lớn diện rộng được đánh giá là thấp.
Tránh lạm dụng việc cách ly rộng rãi không cần thiết, gây hoang mang cho người dân
TS Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng. Ảnh: Bộ Y tế

Theo TS Đức, từ đầu năm đến ngày 18/7/2024, cả nước ghi nhận 6 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó có 1 ca tử vong. Các ca bệnh được phát hiện tại các tỉnh Hà Giang, Nghệ An và Bắc Giang. Trong khi đó, năm 2023 có 57 ca mắc và 7 ca tử vong. Gần đây, mặc dù có thông tin về trường hợp nghi mắc bạch hầu tại tỉnh Lào Cai, nhưng kết quả xét nghiệm từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã cho kết quả âm tính.

Tại Việt Nam, vaccine bạch hầu đã được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1985. Điều này đã giúp tạo miễn dịch cộng đồng và giảm đáng kể số ca mắc so với thời điểm năm 1983, khi có khoảng 3.500 ca mắc. Tuy nhiên, vẫn còn một tỷ lệ nhỏ đối tượng chưa được tiêm chủng tại cộng đồng, đặc biệt là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện cung cấp vaccine còn khó khăn.

Ngày 13/7/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 68/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bạch hầu. Theo đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch.

Đối với các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân đã được chẩn đoán xác định, Bộ Y tế khuyến nghị cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày, đồng thời liên hệ với cán bộ y tế để được hướng dẫn phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh và uống thuốc kháng sinh dự phòng. Tuy nhiên, việc cách ly tại nhà chỉ áp dụng đối với các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân đã được chẩn đoán xác định và không mở rộng đối với các trường hợp tiếp xúc khác như đã từng thực hiện đối với bệnh COVID-19 trong thời gian đang có dịch.

Vì vậy, TS Hoàng Minh Đức đề nghị các địa phương cần tránh lạm dụng việc cách ly rộng rãi một cách không cần thiết, không đúng đối tượng để không gây hoang mang và xáo trộn cuộc sống của người dân.

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp quan trọng. Trước hết, đưa trẻ từ 2 tháng đến 7 tuổi đi tiêm chủng các vaccine có chứa thành phần bạch hầu đầy đủ và đúng lịch.

Bên cạnh đó, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Người dân cũng cần đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, người bệnh phải được đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Đặc biệt, người dân tại nơi có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc điều trị dự phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và khuyến cáo của cơ quan y tế.

Cứu sống thợ xây dựng đột ngột ngừng tim do đột biến gene
Người phụ nữ hiến một phần cơ thể để cứu anh trai chồng mắc ung thư
Minh Nhật
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động