Thứ sáu 03/05/2024 17:27

Trách nhiệm đào tạo nghề cho người lao động trước khi chuyển người lao động sang làm nghề, công việc khác

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hỏi: Tôi được tuyển dụng vào vị trí đóng gói sản phẩm tại công ty may mặc. Do chuyển đổi công nghệ, việc đóng gói được vận hành tự động nên giảm số lượng lao động. Công ty muốn điều chuyển tôi cùng 5 người khác của bộ phận đóng gói lên bộ phận máy sản phẩm và yêu cầu chúng tôi phải đi học nghề may trước khi chuyển đổi. Xin hỏi yêu cầu người lao động tự đào tạo nghề của công ty tôi trong trường hợp này có vi phạm quy định pháp luật không? Nếu có thì sẽ bị xử lý vi phạm như thế nào?

(Lương Minh Hạnh, trú tại Gia Lâm, Hà Nội)

trach nhiem dao tao nghe cho nguoi lao dong truoc khi chuyen nguoi lao dong sang lam nghe cong viec khac
Ảnh minh họa

Trả lời:

Tại Điều 60 Bộ luật lao động quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề như sau:

“1. Người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch hằng năm và dành kinh phí cho việc đào tạo và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động đang làm việc cho mình; đào tạo cho người lao động trước khi chuyển làm nghề khác cho mình.

2. Người sử dụng lao động phải báo cáo kết quả đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh trong báo cáo hằng năm về lao động.”

Theo quy định trên, người sử dụng lao động có trách nhiệm đào tạo cho người lao động trước khi chuyển làm nghề khác cho mình. Công ty bạn chuyển người lao động làm nghề khác nhưng lại yêu cầu người lao động tự đi học nghề trước khi chuyển đổi như vậy là vi phạm quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề được quy định tại khoản 1 Điều 60 Bộ luật lao động. Hành vi vi phạm này sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cụ thể:

“Điều 13. Vi phạm quy định về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề

1. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Không đào tạo nghề cho người lao động trước khi chuyển người lao động sang làm nghề, công việc khác; không ký kết hợp đồng đào tạo nghề đối với người học nghề, tập nghề; không trả lương cho người học nghề trong thời gian họ học nghề, tập nghề mà trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách; không ký kết hợp đồng lao động đối với người học nghề, người tập nghề khi hết thời hạn học nghề, tập nghề, theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật;

b) Tuyển người dưới 14 tuổi vào học nghề, tập nghề, trừ những nghề, công việc được pháp luật cho phép.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả

a) Buộc trả lương cho người học nghề, người tập nghề khi có hành vi không trả lương cho người học nghề trong thời gian học nghề, tập nghề mà trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ việc thực hiện hành vi lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.”

Công ty bạn có hành vi không đào tạo nghề cho 6 người lao động trước khi chuyển người lao động sang làm nghề, công việc khác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị định 28/2020/NĐ-CP.

Áp dụng khoản 1 Điều 5 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định mức tiền phạt quy định tại Điều 13 Nghị định 28/2020/NĐ-CP là mức phạt đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân; và áp dụng Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt”, xác định mức tiền phạt áp dụng với công ty có hành vi không đào tạo nghề cho 6 người lao động trước khi chuyển người lao động sang làm nghề, công việc khác là 2.500.000 đồng (mức trung bình khung tiền phạt).

Đỗ Hưng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động