Tổng kiểm tra toàn quốc về an toàn phòng cháy, chữa cháy
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTổng kiểm tra toàn quốc về an toàn phòng cháy, chữa cháy |
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả của các cấp ủy, chính quyền, các lực lượng chức năng, lực lượng nòng cốt trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu hộ cứu nạn (CNCH); Đề cao ý thức của người dân trong công tác PCCC và CNCH là hết sức quan trọng.
Người dân là trung tâm, là chủ thể chính trong phòng chống cháy, nổ và CNCH; sự an toàn, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết. An toàn cháy, nổ góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế-xã hội. Phòng ngừa cháy, nổ là cơ bản, chiến lược, quyết định; khi xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn thì chữa cháy, CNCH kịp thời, hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt hậu quả chết người và hậu quả nghiêm trọng do yếu tố chủ quan; Nâng cao hơn nữa ý thức, kỹ năng của người dân trong phòng, chống cháy, nổ và CNCH.
Nội dung Thông báo cũng nêu rõ, bên cạnh việc cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về PCCC và CNCH, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tổng kiểm tra, rà soát trên toàn quốc về an toàn PCCC và CNCH. Theo đó, trước mắt, Bộ Công an phối hợp với các cơ quan, đơn vị địa phương tổng kiểm tra, rà soát trên toàn quốc về an toàn PCCC và CNCH, tập trung vào các cơ sở đông người, khu vực nguy cơ cao về cháy, nổ như: Chung cư, nhà cao tầng, khu công nghiệp, chợ, nhà kho, quán karaoke, vũ trường, quán bar…
Đặc biệt, phải xử phạt nghiêm minh và bắt buộc khắc phục đối với các cơ sở đưa vào sử dụng, hoạt động không đảm bảo điều kiện an toàn PCCC và CNCH. Việc kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn các cơ sở trong diện quản lý phải thực hiện một cách chặt chẽ, nghiêm minh, không để lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, chống tiêu cực, chống tham nhũng trong giám sát, kiểm tra.
Bộ Công an phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất bổ sung công việc về CNCH vào danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; điều chỉnh công việc chữa cháy vào danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và quy định chế độ, chính sách đặc thù cho lực lượng chữa cháy và CNCH phù hợp với tính chất công việc, điều kiện của đất nước và cân đối với lực lượng khác (hoàn thành trong quý I/2023).
Cùng đó, cần nghiên cứu, đề xuất quy định chặt chẽ hơn việc cấp phép kinh doanh dịch vụ karaoke. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, rà soát công tác cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh, tăng cường hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra đối với dịch vụ karaoke, vũ trường theo quy định tại Nghị định số 54/2019/NĐ-CP của Chính phủ; nghiên cứu, đề xuất quy định chặt chẽ hơn việc cấp phép kinh doanh dịch vụ karaoke (hoàn thành trong quý IV/2022).
Đối với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu: Tăng cường thanh tra, kiểm tra, siết chặt quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH; xử lý nghiêm, kiên quyết thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động của các cơ sở không đủ điều kiện. Cần xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa bảo đảm các điều kiện an toàn PCCC và khi xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện…
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại