Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh còn diễn biến phức tạp
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCó 5/6 vùng kinh tế - xã hội ở Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh (ảnh minh hoạ) |
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ở Việt Nam vẫn còn diễn biến phức tạp, tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) có xu hướng lan rộng: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2018, TSGTKS là 114,8 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống, năm 2019 giảm còn 111,5; đến năm 2020 tăng lên mức 112,1.
Năm 2020, có 5/6 vùng kinh tế - xã hội ở Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề MCBGTKS, chỉ có Tây Nguyên ở mức cân bằng với TSGTKS là 106, còn vùng đồng bằng sông Hồng vẫn là khu vực xảy ra tình trạng MCBGTKS ở mức cao nhất (113,6).
MCBGTKS xảy ra ở cả thành thị và nông thôn (năm 2019, TSGTKS ở khu vực thành thị là 110,8 và ở khu vực nông thôn là 111,8). Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố năm 2020, có 21/63 tỉnh có TSGTKS từ 112 trở lên; 18/63 tỉnh có TSGTKS từ 109-112 và 24/63 tỉnh có TSGTKS dưới 109.
MCBGTKS sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng như tình trạng dư thừa số lượng nam giới so với nữ giới ở độ tuổi trưởng thành việc tìm kiếm bạn đời; việc gia tăng TSGTKS dẫn đến nguy cơ tăng thêm sự bất bình đẳng giới, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, tình trạng bạo hành, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ tăng lên.
Một trong những khó khăn, bất cập khi kiểm soát TSGTKS của Việt Nam là vẫn tồn tại tư tưởng trọng nam hơn nữ, mô hình gia đình truyền thống trong đó coi trọng việc con trai để nối dõi tông đường, thờ phụng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ là giá trị nền tảng. Việc lạm dụng tiến bộ khoa học công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi vẫn còn xảy ra trong khi việc thực thi các chế tài xử lý vi phạm còn chưa hiệu quả.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, nhiều địa phương chưa thể triển khai toàn diện và đầy đủ các nhiệm vụ của Đề án, một số nhóm hoạt động trọng điểm được đưa vào triển khai thí điểm nhưng sau đó không có đủ tiềm lực để chú trọng duy trì và phát triển trong những năm tiếp theo. Công tác điều hành, chỉ đạo từ tỉnh đến huyện, xã và sự phối hợp giữa các ban, ngành có liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện còn hạn chế do bất cập trong nguồn nhân lực và kinh phí phân bổ hàng năm.
Tổng cục DS-KHHGĐ cho rằng, nhiệm vụ triển khai công tác kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu từng bước đưa TSGTKS về mức cân bằng tự nhiên, tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức dưới 109 trẻ trai/100 trẻ gái vào năm 2030 theo mục tiêu được xác định tại Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.
Trong đó, Đề án tiếp tục triển khai mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ các nhóm nhiệm vụ và giải pháp gồm truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát MCBGTKS; Xây dựng, thử nghiệm và thực hiện các chính sách khuyến khích hỗ trợ; Nâng cao hiệu lực thực thi những quy định của pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại