Thứ năm 02/05/2024 11:48

Mức sinh cao đang tăng trở lại ở nhiều địa phương

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Việt Nam đã đạt mức sinh thế vào năm 2006 và duy trì sức sinh thay thế trong 15 năm qua. Tuy nhiên, ở một số địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, chưa phát triển thì mức sinh ở mức cao, thậm chí rất cao. Xu hướng này vẫn đang có sự gia tăng trở lại.
Mức sinh cao đang tăng trở lại ở nhiều địa phương
Tỉ lệ mức sinh cao, rất cao tập trung ở các vùng nông thôn, kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn (ảnh TL)

Mức sinh cao tập trung ở vùng khó khăn

Theo Tổng Cục Dân số-Kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ)-Bộ Y tế, Việt Nam có tổng tỷ suất sinh (TFR)=2,09 con/phụ nữ và duy trì mức sinh thay thế trong 15 năm qua. Tuy nhiên, mức sinh không đồng đều giữa các vùng, miền và các tỉnh, thành phố, đặc biệt tại một số nơi điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, chưa phát triển, mức sinh vẫn cao, thậm chí rất cao trên 2,5 con.

Trong 6 vùng kinh tế-xã hội, có 4/6 vùng có mức sinh cao trên mức sinh thay thế gồm: Trung du miền núi phía Bắc (2,41 con); Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (2,31 con); Tây nguyên (2,41 con); Đồng bằng sông Hồng (2,34 con).

Có sự khác biệt mức sinh rõ rệt giữa khu vực nông thôn-thành thị. Trong khi mức sinh tại khu vực thành thị đã đạt và ở dưới mức sinh thay thế trong nhiều năm qua thì mức sinh tại khu vực nông thôn hiện vẫn còn cao (TFR=2,29 con). Chênh lệch mức sinh giữa khu vực nông thôn-thành thị ở mức 0,41 con.

Có tới 33/63 tỉnh/TP, phần lớn là những địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội còn rất khó khăn, có mức sinh trên 2,2 con, thậm chí nhiều tỉnh/TP mức sinh còn rất cao trên 2,5 con. Các địa phương có mức sinh cao theo Quyết định 588/QĐ-TTg gồm: Hà Tĩnh, Lai Châu, Quảng Trị, Yên Bái, Điện Biên, Nghệ An, Tuyên Quang, Ninh Bình, Sơn La, Bắc Ninh, Nam Định, Hà Giang, Bắc Giang, Thanh Hóa, Phú Thọ, Kon Tum, Hòa Bình, Đăk Nông, Cao Bằng, Quảng Bình, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Gia Lai, Thái Nguyên, Hưng Yên, Đăk Lăk, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Hà Nam và Hải Dương.

Ngược lại, 2/6 vùng có mức sinh dưới mức sinh thay thế là Đồng bằng Sông Cửu Long (1,82 con), Đông Nam Bộ (1,62 con). Chênh lệch giữa mức sinh vùng cao nhất (Trung du miền núi phía Bắc- Tây Nguyên) và vùng thấp nhất (Đông Nam bộ) là 0,79 con.

Bên cạnh đó, Tổng cục DS-KHHGĐ cũng chỉ ra thực tế tại một số nơi trước đây đã đạt mức sinh thay thế, nay tăng rất cao trở lại như: Khu vực nông thôn từ 2,11 con (năm 2010) nay tăng lên 2,29 con (năm 2020); Đồng bằng sông Hồng từ 2,04 con (2010) lên 2,34 con (2020)...

Mức sinh cao đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, giáo dục,… làm tăng khoảng cách phát triển và chất lượng cuộc sống của Nhân dân của các địa phương này so với các khu vực khác. Việt Nam có hơn một nửa số tỉnh có mức sinh cao với quy mô dân số chiếm khoảng 40% dân số cả nước, không nên để mức sinh quá cao trong bối cảnh kinh tế - xã hội ở những tỉnh này còn nhiều khó khăn.

Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại giảm

Chỉ ra một trong những nguyên nhân dẫn đến gia tăng trở lại mức sinh ở một số địa phương, Tổng cục DS-KHHGĐ cho rằng: Kinh nghiệm 60 năm thực hiện chương trình DS-KHHGĐ ở Việt Nam cũng như kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy mối quan hệ nguyên nhân và kết quả giữa tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai và mức sinh.

Một số nước sau thời kỳ đẩy mạnh thực hiện Chương trình kế hoạch hóa gia đình, đạt được mức sinh thay thế đã buông lỏng quản lý đã làm cho mức sinh tăng cao trở lại, vượt mức sinh thay thế như Indonesia. Việt Nam có một nửa số tỉnh có mức sinh cao, không nên để mức sinh quá cao trong bối cảnh kinh tế-xã hội ở những tỉnh này còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Kết quả điều tra về DS-KHHGĐ ngày 1/4 hàng năm cho thấy, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại giảm từ 68,8% vào năm 2008 xuống còn 67,5% vào năm 2010 và 67% vào năm 2020 liên tiếp không đạt mục tiêu của Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2010 và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2020 (mục tiêu là 70,1%).Trong khi số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vẫn duy trì ở mức cao, nhu cầu KHHGĐ của người dân Việt Nam ngày càng cao, thì tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai giảm.

Vì vậy, để đạt được các mục tiêu về mức sinh cho dù là giảm sinh hay duy trì mức sinh thì trước hết phải thực hiện được các mục tiêu về tỷ lệ sử dụng tránh thai, đẩy mạnh cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ nhằm tăng tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai.

Đồng thời, thực hiện Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 28/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030, bên cạnh các giải pháp, nhiệm vụ nhằm khuyến khích sinh đủ 2 con tại vùng mức sinh thấp và thay thế, tại vùng mức sinh cao cần tiếp tục quan tâm tuyên truyền về lợi ích của việc sinh ít con đối với phát triển kinh tế-xã hội và nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc;

Tập trung vận động không kết hôn và sinh con quá sớm, không sinh quá dày và không sinh nhiều con. Đối tượng tuyên truyền, vận động chủ yếu là các cặp vợ chồng đã sinh hai con và có ý định sinh thêm con. Khẩu hiệu vận động là “Dừng ở hai con để nuôi, dạy cho tốt”;

Tiếp tục áp dụng và nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích hiện hành như khuyến khích các cặp vợ chồng, gia đình, tập thể, cộng đồng không có người sinh con thứ ba trở lên; hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, bao gồm phương tiện tránh thai; bồi dưỡng, hỗ trợ người thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ, người vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình,…

Đảm bảo cung cấp miễn phí cho mọi người dân có nhu cầu sử dụng biện pháp tránh thai đang cư trú trên địa bàn tỉnh, tại cả khu vực thành thị và nông thôn; bao gồm cả các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, người đơn thân, vị thành niên, thanh niên, người tạm trú là cán bộ, công nhân, người lao động thuộc các cơ quan, xí nghiệp đóng trên địa bàn.

Đẩy mạnh tổ chức các loại hình cung cấp dịch vụ KHHGĐ phù hợp, có hiệu quả; mở rộng các đợt Chiến dịch truyền thông lồng ghépcung cấp dịch vụ KHHGĐ.

Mức sinh cao đang tăng trở lại ở nhiều địa phương
Mít-tinh hưởng ứng Ngày Dân số thế giới tại Hà Nội (ảnh V.H)

Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động truyền thông nhân ngày Dân số thế giới 11/7

Hướng ứng Ngày Dân số thế giới 11/7, ngành dân số Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động mít-tinh, cổ động, diễu hành nhằm nâng cao nhận thức của người dân về nâng cao chất lượng dân số.

Sáng 9/7, tại quận Hoàn Kiếm, Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ quận đã tổ chức Lễ phát động chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chất lượng cao về dân số" trên địa bàn. Ngaysau lễ phát động, các bác sỹ BV K, BV Phụ sản Trung ương, Trung tâm nam học-BV Việt Đức... đã phối hợp với Trung tâm y tế quận triển khai khám sức khoẻ cho phụ nữ và nam giới trong độ tuổi từ 19-60 tuổi trên địa bàn.

Trước đó, ngày 7/7, huyện Thạch Thất đã tổ chức truyền thông lưu động kỷ niệm ngày Dân số Thế giới 11/7 với thông điệp: “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội”; “Tăng cường chăm sócsức khỏe sinh sản vì chất lượng cuộc sống và hạnh phúc gia đình”; “Tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân vì tương lại hạnh phúc của mỗi gia đình”.

Đội xe truyền thông lưu động của huyện Thạch Thất đã diễu hành trên trục đường chính của huyện nhằm truyền thông đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về DS-KHHGĐ. Tuyên truyền, giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển góp phần đạt các chỉ tiêu kế hoạch của TP giao năm 2022.

Cũng trong ngày 7/7, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với UBND quận Ba Đình tổ chức mít-tinh kỷ niệm Ngày Dân số thế giới (11/7) với chủ đề: “Thế giới 8 tỷ người: Để hướng tới một tương lai bền vững cho tất cả mọi người, cần khai thác cơ hội và đảm bảo quyền lựa chọn cho tất cả mọi người”.

Theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội-Phó trưởng Ban chỉ đạo công tác dân số TP, hiện nay, Hà Nội duy trì và nhân rộng nhiều mô hình như: Mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng; Mô hình can thiệp truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ tới vùng dân cư đặc thù; Mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; Mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên…

Tại Hà Nội, năm 2021, công tác dân số của TP đã đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tỷ suất sinh toàn TP năm 2021 giảm 0,92‰ giảm 0,25‰ so với năm 2020 (vượt chỉ tiêu giao), tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên đạt chỉ tiêu giao giảm 0,1% so với năm 2020. Tỷ số giới tính khi sinh là 112,5 trẻ trai/100 trẻ gái. Tỷ lệ sàng lọc trước sinh năm 2021 đạt 85,07% (vượt chỉ tiêu được giao).

Mặc dù vậy, công tác dân số ở Thủ đô vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức: Tốc độ gia tăng dân số cơ học hàng năm ở mức cao, góp phần làm tăng quy mô dân số. Quy mô dân số lớn, địa bàn dân cư rộng, dân trí không đồng đều, nhận thức và tâm lý muốn có nhiều con và thích có con trai vẫn là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao.

Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các đề án, kế hoạch của TP về công tác dân số theo tinh thần Nghị quyết Trung ương số 21-NQ/TW; Đẩy mạnh các hoạt động can thiệp mô hình nâng cao chất lượng dân số Thủ đô trong tình hình mới; Từng bước nâng cao chất lượng dân số; đưa tỷ số giới tính khi sinh dần về mức cân bằng tự nhiên...

Hà Nội triển khai 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm về công tác dân số
Dân số gia tăng trong đợt giãn cách phòng dịch, lãnh đạo Chi cục dân số Hà Nội nói gì?
Nhiều hoạt động biểu dương người cao tuổi vận động con cháu thực hiện tốt chính sách dân số
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Hà Nội dần được kiểm soát
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Hà Nội giảm
Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động