Tình huống pháp lý vụ cháu bé 8 tháng tuổi tử vong bất thường tại cơ sở trông giữ trẻ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNgôi nhà nơi xảy ra việc cháu bé 8 tháng tuổi bị đánh tử vong tại cơ sở trông giữ trẻ không phép. Ảnh: AT |
Cháu bé 8 tháng tuổi tử vong nghi bị đánh
Ngày 2/4, Công an thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương thông tin về kết quả xác minh nguyên nhân bé trai 8 tháng tuổi tử vong tại một điểm giữ trẻ trên địa bàn phường Thới Hoà, thị xã Bến Cát. Trước đó, vào khoảng 17h ngày 30/3, bà T.T.T.H, SN 1989, trú tại tỉnh Kiên Giang đã đến Công an phường Thới Hòa trình báo cháu N.H.T, SN 2023, tử vong tại nhà thuê của bà này trên đường DJ4 (khu phố 3B, phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát), chưa rõ nguyên nhân.
Theo cơ quan Công an, bà T.T.T.H sinh sống cùng chồng và con ruột tên L.T.T.V, SN 2008, làm nghề giữ trẻ thuê từ khoảng giữa năm 2023 đến nay. Từ ngày 23/3, bà H có thỏa thuận với vợ chồng chị N.H.K.N, SN 2003, trú tại tỉnh Hậu Giang về việc giữ thuê 2 cháu N.H.T và N.H.N, SN 2020, là 2 con của vợ chồng chị N. Thời gian giữ cả ngày lẫn đêm tại nhà thuê của bà H, với giá tiền giữ thuê là 4,5 triệu đồng/tháng.
Khoảng 14h ngày 30/3, do bận việc, bà H ẵm bé T lên phòng giao cho con gái là L.T.T.V giữ hộ. Đến khoảng 16h, bé T thức dậy và khóc nên V bực tức dùng chân, tay và cây gỗ đánh, đá vào vùng bụng, hông, lưng của bé T. Sau đó, V thấy bé T nằm im không cử động nên đã bồng bé T báo cho bà H biết. Sau đó bà H đưa bé T đi cấp cứu tại Trung tâm y tế thị xã Bến Cát. Tuy nhiên, bé T đã tử vong trước khi nhập viện.
Ngày 31/3, V đến Công an thị xã Bến Cát đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi của mình. Vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Căn cứ để xác định tội danh?
Qua theo dõi vụ việc trên, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trẻ em là những đối tượng được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khoẻ, được chăm sóc, nuôi dưỡng và phát triển lành mạnh cả về thể chất và tinh thần. Vì vậy, mọi hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của trẻ em là trái pháp luật và phải chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật. Trường hợp này, kết luận giám định nguyên nhân tử vong sẽ là căn cứ quan trọng giúp xác định tội danh đối với đối tượng trên.
Luật sư Đinh Thị Nguyên cho biết thêm, trường hợp có căn cứ xác định bé bị hành hung dẫn tới tử vong, cơ quan chức năng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đối tượng L.T. T.V về tội “Giết người” quy định tại Điều 123, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015.
Tuy nhiên, đối tượng L.T. T.V mới chỉ 16 tuổi. Căn cứ quy định tại Điều 101, BLHS năm 2015, mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định như sau: “Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định. “Như vậy trường hợp, đối tượng bị xử lý hình sự về tội “Giết người” sẽ có thể phải đối mặt với khung hình phạt từ 5 năm đến 11 năm tù, cao nhất chỉ 18 năm tù” - luật sư Đinh Thị Nguyên phân tích.
Tuy nhiên luật sư Nguyên cho biết, không phải bất cứ trường hợp nào có hậu quả chết người, đối tượng vi phạm cũng phải chịu tội “Giết người”. Dưới góc độ pháp lý, khi chưa chứng minh được đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, thì chưa thể kết luận là tội phạm gì.
Từ những thông tin được cung cấp có thể đặt ra giả thuyết trong trường hợp V không có ý chí nhằm tước đoạt mạng sống nạn nhân. V là trẻ thành niên, không kiểm soát tốt hành vi của mình, đã thực hiện gây thương tích với nạn nhân để nạn nhân không khóc nữa, tránh làm ảnh hưởng đến những đứa trẻ khác.
Khi thấy nạn nhân không khóc, không dậy nữa, V đã hoảng loạn và ngay lập tức cùng gia đình đưa nạn nhân đi tới viện. Nếu là cố ý giết người thì tội phạm sẽ bỏ mặc hậu quả vì mục đích của tội “Giết người” là nhằm tước đoạt mạng sống của người khác. Thế nhưng ở đây V không bỏ mặc mà ngay lập tức đưa nạn nhân tới viện.
"Tuy nhiên đây là giả thuyết được đặt ra, việc kết luận về hành vi, áp dụng khung hình phạt đối với V còn phụ thuộc vào kết quả điều tra, xét xử của của cơ quan có thẩm quyền. Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng trường hợp của V là có dấu hiệu của tội “Cố ý gây thương tích” dẫn đến hậu quả chết người theo quy định tại khoản 4, Điều 134, BLHS năm 2015 với khung hình phạt điều luật này quy định từ 7 năm đến 14 năm tù giam (cho người từ 18 tuổi trở lên) chứ không phải tội “Giết người”"- luật sư Nguyên cho biết.
Luật sư cho biết thêm, đối với bố mẹ của V là bà T.T.H và chồng cùng làm nghề giữ trẻ thuê từ khoảng giữa năm 2023 đến nay, trách nhiệm hình sự thuộc về V và theo luật quy định người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
Luật sư Đinh Thị Nguyên cho rằng, cần làm rõ về cơ sở trông giữ trẻ có phải tự phát hay không. Trong trường hợp nếu cơ sở giữ trẻ không có giấy phép nhưng vẫn hoạt động và thu phí. Đây là hành vi vi phạm, cá nhân tổ chức điểm trông giữ trẻ tự phát vi phạm có thể bị xử lý theo quy định pháp luật tuỳ vào tính chất mức độ hành vi vi phạm.
Cụ thể, theo quy định tại điểm a khoản 3 và khoản 5 Điều 5, Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Việc tự ý mở nhóm trẻ để nhận giữ trẻ khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép có thể bị phạt tiền từ 7 đến 10 triệu đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác đủ điều kiện được phép hoạt động giáo dục hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học.
Bác sĩ thông tin việc cháu bé 8 tháng tuổi nguy kịch vì được “thầy lang” chữa bỏng bằng lông thú | |
Bé trai tử vong bất thường ở cơ sở trông giữ trẻ tư nhân | |
Cơ sở trông giữ trẻ hoạt động không phép |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại