Tiêu tiền chuyển nhầm vào tài khoản có thể bị phạt tù đến 5 năm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐối tượng Phạm Khắc Dũng bị khởi tố, bắt giam vì tội “Chiếm giữ trái phép tài sản”. Ảnh: CACC |
Hồn nhiên tiêu tiền… chuyển nhầm
Ngày 20/5, CA huyện Thanh Trì, Hà Nội đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Khắc Dũng (SN 1984, trú tại huyện Gia Lâm, Hà Nội) về hành vi “Chiếm giữ trái phép tài sản”. Theo tài liệu điều tra, ngày 20/12/2022, chị N.T.H (SN 1986), trú tại huyện Thanh Trì trình báo về việc bị chuyển nhầm số tiền lớn cho số tài khoản khác. Cụ thể, ngày 2/12/2022, chị H đã thực hiện giao dịch chuyển tiền qua Internet Banking để thanh toán cho đối tác số tiền 170.700.000đ. Tuy nhiên khi thao tác, chị H đã chuyển nhầm đến số tài khoản 021012185xxxx mang tên Pham Khac Dung thuộc ngân hàng M.
Khi phát hiện việc nhầm lẫn này, chị H đã trình báo CA huyện Thanh Trì để được hỗ trợ. Bằng biện pháp nghiệp vụ, CQCA đã phối hợp với ngân hàng M xác thực chủ tài khoản trên là của Phạm Khắc Dũng. Ngay sau đó, CA huyện Thanh Trì đã phối hợp với CA Thị trấn Yên Viên đến nơi cư trú của Dũng để làm việc, tuy nhiên Phạm Khắc Dũng đã bán nhà chuyển đi từ năm 2019, không xác định được chỗ ở. Căn cứ quy định, ngày 20/2/2023, CA huyện Thanh Trì ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tin báo.
Tuy nhiên, ngày 24/2/2023, CA huyện Thanh Trì nắm thông tin địa bàn, xác định nơi ở của Dũng, đồng thời mời chị H và Phạm Khắc Dũng lên để giải quyết theo quy định. Tại đây, Dũng thừa nhận, ngày 7/12/2022, qua kiểm tra tài khoản 021012185xxxx thuộc ngân hàng M của mình thì phát hiện có số tiền 170.700.000đ trong tài khoản, nhưng không biết của ai nên đã rút ra chi tiêu cá nhân hết. Khi biết đó là tiền chị H, Dũng hứa chi trả dần, mỗi tháng trả chị H 5.000.000 đồng.
Tuy nhiên, trong thời gian hơn 1 năm qua, Dũng đã không thực hiện chi trả chị H như cam kết. Do đó, chị H đã tiếp tục yêu cầu cơ quan CSĐT xử lý theo quy định của pháp luật. Căn cứ tài liệu, chứng cứ trên, CA huyện Thanh Trì đã quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Khắc Dũng về hành vi “Chiếm giữ trái phép tài sản”.
Chế tài xử phạt thế nào?
Về hành vi này, theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, khi một người nhận được tiền do người khác chuyển nhầm vào tài khoản của mình thì người đó phải có nghĩa vụ hoàn trả lại toàn bộ số tiền đó theo quy định tại Điều 579, 580 Bộ luật Dân sự 2015. Trường hợp không biết thông tin người chuyển nhầm tiền thì phải giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Việc không trả lại số tiền chuyển nhầm, rút tiền để sử dụng bị coi là chiếm giữ tài sản của người khác và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, theo điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nếu có hành vi sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác sẽ bị xử phạt hành chính từ 3-5 triệu đồng. Điểm b khoản 4 Điều này cũng quy định người chiếm giữ buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi này.
Còn theo quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” nếu số tiền bị chiếm giữ trái phép từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Nếu chiếm giữ tài sản từ 200.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, nếu người nào sử dụng số tiền do người khác chuyển nhầm dưới 10 triệu đồng thì có thể bị xử phạt hành chính từ 3-5 triệu đồng; nếu sử dụng số tiền từ 10-200 triệu đồng do người khác chuyển nhầm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm; nếu sử dụng số tiền từ 200 triệu đồng trở lên thì có thể bị phạt tù từ 1-5 năm. “Lòng tham của con người không có giới hạn, nhưng pháp luật có những quy định của nó để con người tham chiếu và để căn hành vi cho mình. Tiền không phải của mình, nhất định không được “đút túi”” - luật sư Nguyễn Tiến Hùng nói.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại