Thượng úy công an bị tố đánh người dân: Hành động đáng lên án
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThượng uý công an bị tố đánh người dân đã bị đình chỉ công tác |
CA tỉnh Hưng Yên vừa phát đi thông tin chính thức về việc xác minh, xử lý người liên quan sau khi có tố cáo của công dân.
Cụ thể, ngày 3/7, anh N.T.H., SN 1985, ở xã Hòa Phong, thị xã Mỹ Hào đến CA thị xã Mỹ Hào trình báo nội dung: Khoảng 13h ngày 3/7, khi lên làm việc với CA xã Hòa Phong đã bị cán bộ công an xã Hòa Phong là Thượng úy Tống Hồng Núi có hành vi đánh gây thương tích.
Sau khi tiếp nhận đơn tố cáo của công dân, CA thị xã Mỹ Hào đã tiến hành các bước điều tra, xác minh theo quy định. CA Thị xã Mỹ Hào cũng báo cáo sự việc lên cấp trên và được Ciám đốc CA tỉnh Hưng Yên chỉ đạo nhanh chóng tổ chức xác minh, làm rõ và có hình thức xử lý nghiêm đối với Thượng úy Tống Hồng Núi nếu có hành vi vi phạm.
Ngày 4/7, Trưởng CA thị xã Mỹ Hào đã ra quyết định đình chỉ công tác trong thời gian ba tháng đối với Thượng úy Tống Hồng Núi để phục vụ công tác xác minh, điều tra theo quy định.
Nhiều người đặt câu hỏi, việc cán bộ công an xã không giữ được bình tĩnh, có biểu hiện "lạm quyền" như trên sẽ bị xử lý như thế nào? Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo Điều 44, Luật Công an nhân dân năm 2018, chiến sĩ Công an nhân dân, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp chiến sĩ Công an nhân dân gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của người khác thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.
“Vụ việc cán bộ CA xã Hòa Phong có hành vi đánh người gây thương tích là vi phạm pháp luật và tùy theo tính chất, mức độ của hành vi, người cán bộ này có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Thái đánh giá.
Luật sư Thái cũng cho biết, việc công an gây thương tích trong khi đang thi hành công vụ và sử dụng vũ lực nằm ngoài trường hợp pháp luật cho phép, đồng thời có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, Thượng úy công an thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 137, BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Hình phạt tù cao nhất lên đến 7 năm và có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì Thượng úy công an đó vẫn bị xử phạt vi phạm hành chính. Mức xử phạt cho hành vi này là từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng. Đồng thời, căn cứ theo điểm đ Khoản 14 Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì thượng úy công an có hành vi gây thương tích phải chịu trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh người bị đánh.
Nếu xác định hành vi đánh người của cán bộ công an không xảy ra trong khi thi hành công vụ và đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người này có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 134, BLHS hiện hành. Theo đó, căn cứ vào tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân mà người phạm tội có thể phải đối diện với mức hình phạt thấp nhất là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; mức hình phạt cao nhất là phạt tù đến 14 năm.
Thêm vào đó, cán bộ này cũng sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định tại khoản 1 Điều 7, Nghị định 112/2020/NĐ-CP. Theo đó, người này có thể bị áp dụng một trong 4 hình thức xử lý kỷ luật sau: khiển trách; cảnh cáo; cách chức; bãi nhiệm.
“Hành động công an đánh người dân là rất phản cảm, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, tác phong của người chiến sĩ công an nhân dân. Dù bất cứ lý do gì thì hành vi của Thượng ủy công an đánh dân cũng là đáng lên án. Nếu xảy ra sai phạm cần phải xử lý nghiêm minh, tránh để xảy ra tình trạng "một con sâu làm rầu nồi canh", ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của cán bộ công an nhân dân”, luật sư Thái cho biết.
Đình chỉ công tác cán bộ công an để xác minh hành vi đánh người |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại