Thứ năm 27/03/2025 06:56
Luật Thủ đô 2024

Thực hiện công khai hóa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
TS. Nguyễn Thị Thúy, Phó Trưởng khoa Kinh tế chính trị, Học viện Chính trị Công an Nhân dân cho biết, minh bạch, công khai hóa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để phát huy tiềm năng, lợi thế đặc thù của Thủ đô, lấy kinh tế, phát triển không gian đô thị là động lực chủ yếu, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Khu vực hồ Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Khu vực hồ Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Hải Linh

Là một nguyên tắc cơ bản trong quá trình quản lý đất đai

Chia sẻ về vấn đề minh bạch và công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong Luật Thủ đô 2024, TS. Nguyễn Thị Thúy cho biết, minh bạch và công khai hóa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất luôn là vấn đề được Nhà nước chú trọng nhằm quản lý hiệu quả và bảo đảm cho quyền của các chủ thể đối với đất đai, bảo đảm định hướng phát triển không gian và hạ tầng các đô thị.

Thực hiện công khai hóa các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả với các cơ chế, chính sách ưu tiên, vượt trội nhằm phát triển Thủ đô, gắn với Luật Thủ đô (số 39/2024/QH15) và theo kết luận của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

TS. Nguyễn Thị Thúy cho biết thêm, việc minh bạch, công khai hóa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một nguyên tắc cơ bản trong quá trình quản lý đất đai của Nhà nước. Đối với Hà Nội có mục đích và ý nghĩa vô cùng quan trọng, theo Điều 44 Luật Thủ đô 2024 “TP Hà Nội và các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thuộc vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng động lực phía Bắc có trách nhiệm liên kết, phát triển theo các chương trình, dự án phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hệ thống quy hoạch Quốc gia".

Thủ đô Hà Nội với vị trí, vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước, nên việc thực hiện Quy hoạch chung Thủ đô là phù hợp với điều kiện xây dựng, phát triển Thủ đô là cực tăng trưởng của vùng động lực phía Bắc, trở thành TP kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Phát huy tiềm năng, lợi thế đặc thù của Thủ đô

Theo TS. Nguyễn Thị Thúy, Điều 29 Luật Thủ đô 2024 quy định: “nhiệm vụ quy hoạch chi tiết được lập đồng thời với việc lập đồ án quy hoạch chi tiết và tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư có liên quan cùng một thời điểm; việc thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết phải được thực hiện trước, làm cơ sở thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết".

Như vậy, khi phạm vi và mức độ công khai càng rộng rãi và rõ ràng thì quyền và lợi ích của người sử dụng đất càng được bảo đảm, đúng với chủ trương và chính sách đã đề ra. Bởi khi được tiếp cận với thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, người sử dụng đất được chủ động hơn trong các giao dịch dân sự, phù hợp với mong muốn của mình.

Giảm khả năng bị thiệt hại bởi các trường hợp đất nằm trong quy hoạch bị thu hồi mà Nhân dân không nắm bắt được. Người dân có thể theo dõi, giám sát quá trình từ lập dự thảo đến triển khai trên thực tế và những vấn đề tranh chấp phát sinh sau đó. Ngoài ra, việc quy định rõ ràng và cụ thể sẽ khiến tỷ lệ tranh chấp về đất đai giảm đi đáng kể.

Cùng với đó, việc minh bạch, công khai kế hoạch sử dụng đất còn tránh được sự tùy tiện trong việc tiến hành các hình thức giao đất của cơ quan có thẩm quyền trên thực tế. Từ đó, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân. Hơn nữa, Luật Đất đai năm 2024 cũng tăng cường công khai, minh bạch, sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng đất thông qua việc tổ chức lấy ý kiến; bổ sung, hoàn thiện các quy định về việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất trong các khu vực quy hoạch

Minh bạch, công khai hóa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để phát huy tiềm năng, lợi thế đặc thù của Thủ đô, lấy kinh tế, phát triển không gian đô thị là động lực chủ yếu, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Theo đó, thúc đẩy nền kinh tế phát triển qua những giao dịch bất động sản, hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư và ổn định giá trị thị trường.

Việc công khai, minh bạch hóa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ mở rộng quyền lợi và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng vốn đầu tư nước ngoài là giá trị sử dụng đất. Từ đó, thiết lập sự bình đẳng trong việc tiếp cận đất đai, thực hiện quyền và nghĩa vụ sử dụng đất giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Nếu có kế hoạch chi tiết cũng như quy hoạch đất phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng Thủ đô, sẽ thu hút nhiều hơn nữa sự đầu tư từ các DN trong và ngoài nước, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền kinh tế thủ đô.

Ngoài ra cần tập trung xây dựng kế hoạch và chương trình phát triển đô thị theo mô thức đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh, vùng đô thị... để triển khai thực hiện hai quy hoạch của Thủ đô có hiệu quả, trong đó thể hiện rõ các nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án lớn cần ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với phân kỳ thời gian, nguồn lực thực hiện, đồng thời khẳng định vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương.

Để cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hằng năm làm căn cứ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, lập dự án đầu tư, quản lý xây dựng theo quy hoạch, Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội giao Sở Quy hoạch Kiến trúc và ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã (đối với các đơn vị đủ điều kiện) tiếp tục thực hiện chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc để tạo điều kiện hồ sơ dự án không bị gián đoạn, thúc đẩy các dự án trên địa bàn Hà Nội.

Hằng năm, Ủy ban Nhân dân TP đều ban hành kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn thu cho đầu tư phát triển, tăng nguồn thu cho ngân sách thành phố; đồng thời, công tác đấu giá quyền sử dụng đất cũng góp phần tăng nguồn thu hằng năm cho ngân sách cấp huyện để đầu tư xây dựng và phát triển nông thôn mới.

Giai đoạn 2016 - 2020, thành phố thu hồi đất và giải phóng mặt bằng được 2.873 dự án, với diện tích 16.106ha (trong đó, 388 dự án đã hoàn thành, đang tiếp tục thực hiện đối với 2.485 dự án); số phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc diện thu hồi đất và giải phóng mặt bằng là 121.106 phương án, bố trí tái định cư cho 6.887 hộ.

Công tác quản lý tài chính về đất đai ngày càng hoàn thiện, nhất là quản lý về thuế chuyển quyền sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất, việc chuyển từ giao đất có thu tiền sử dụng đất sang cho thuê đất, góp phần tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách của địa phương.

Thành phố Hà Nội đã tổ chức xây dựng, ban hành bảng giá đất, xác định giá đất cụ thể để áp dụng, phù hợp với khung giá đất của Chính phủ quy định; việc xác định giá đất cụ thể về cơ bản đã được thực hiện theo quy trình chặt chẽ (điều tra, khảo sát xác định giá đất, thông qua hội đồng thẩm định giá đất, quyết định giá đất), kết quả xác định giá đất phù hợp với thực tiễn, góp phần bảo đảm quyền lợi của người có đất bị thu hồi, tăng thu cho ngân sách.

Trần Bình
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động