Thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành. Ảnh: L.A |
Định hướng phát triển
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công thương), Lào Cai được xem là điểm trung chuyển giao thương trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc)-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, kết nối Việt Nam và các nước ASEAN với thị trường tây nam rộng lớn của Trung Quốc. Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai kể từ khi thành lập đến nay hoạt động ngày càng hiệu quả, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại giữa Việt Nam với vùng tây nam Trung Quốc.
Năm tới, Lào Cai sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển khu kinh tế cửa khẩu theo hướng tạo dựng cơ sở hạ tầng và logistics, đồng thời đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp, khu vui chơi, giải trí, các khu chức năng khác nhằm hình thành khu hợp tác kinh tế qua biên giới giữa tỉnh Lào Cai với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Bên cạnh những lợi thế, việc xuất khẩu hàng hóa sang khu vực này cũng đang chịu thách thức cạnh tranh quyết liệt từ các quốc gia khác, nhất là Thái Lan. Đáng chú ý, sau khi tuyến đường sắt kết nối Thủ đô Viêng Chăn của Lào với cửa khẩu Mohan của Trung Quốc được hình thành đã thu hút lượng lớn hàng hóa và thậm chí có cả từ các tỉnh Tây Nam Bộ của Việt Nam.
Trong khi đó, chi phí logistics qua các cửa khẩu của Lào Cai vẫn “neo” ở mức cao, làm giảm sức hút đối với hoạt động giao thương.
Bí thư thứ nhất Thương vụ Việt Nam tại Lào Hồ Đức Dũng thông tin: Sau hai năm tuyến đường sắt cao tốc nối Trung Quốc và Lào đi vào hoạt động, Trung Quốc từ vị trí đối tác thương mại thứ 3 tại Lào đã vươn lên vị trí thứ nhất. Trong khi đó, Lào có chung đường biên giới đất liền dài 2.337 km với Việt Nam, nhưng thương mại biên giới giữa hai nước lại khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 10% giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của Lào và 0,2% của Việt Nam với thế giới.
Nguyên nhân chính của thực trạng này là do vẫn chưa xử lý được khó khăn cốt lõi là cơ sở hạ tầng logistics, khiến chi phí vận tải hàng hóa giữa Việt Nam với Lào cao hơn so những đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Thái Lan và Trung Quốc, giảm tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Bên cạnh đó, qua theo dõi của Thương vụ, DN Việt Nam cũng chưa thật sự quan tâm xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa tại Lào, trong khi các DN Thái Lan, Trung Quốc đều có chiến lược đầu tư bài bản, dài hạn, vì vậy hàng hóa của các nước này có sức cạnh tranh tốt hơn.
Nhận định rõ trở ngại, để khắc phục
Trưởng phòng Thuận lợi hóa thương mại, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Nguyễn Thị Mai Linh nhận định: Thời gian tới, thương mại biên giới của Việt Nam sẽ có nhiều điều kiện để phát triển. Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam và các nước có chung đường biên giới đều chú trọng, quan tâm phát triển thương mại biên giới; hệ thống chính sách về thương mại biên giới giữa các nước đã và đang từng bước được xây dựng, hoàn thiện.
Thứ hai, hoạt động thông thương qua các cửa khẩu biên giới đất liền đang có quy mô ngày một hiện đại và từng bước đi vào quy chuẩn; hàng hóa trao đổi qua biên giới cũng phong phú, đa dạng hơn. Dù hạ tầng ở khu vực biên giới đã được quan tâm đầu tư, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông vận tải và dịch vụ logistics, nhưng vẫn còn rất nhiều hạn chế gây cản trở hoạt động thông thương.
Ở các khu vực này chưa có trung tâm logistics với đầy đủ chức năng cơ bản, dẫn đến chi phí dịch vụ logistics còn cao, tính liên kết giữa các vùng, giữa các DN với nhau gặp nhiều hạn chế. Mặt khác, hàng xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu là nông sản, trái cây với số lượng, chủng loại chưa tương xứng với tiềm năng sản xuất, chế biến của Việt Nam; nhiều mặt hàng nông sản ta có thế mạnh chưa được ký Nghị định thư về kiểm dịch với phía Trung Quốc, ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu.
Đối với tuyến biên giới giáp Lào, hàng hóa sản xuất có quy mô nhỏ, phần lớn là nguyên liệu thô chưa qua chế biến, mang tính thời vụ, không ổn định, số lượng mặt hàng ít, giá trị thấp, chưa hình thành vùng nguyên liệu sản xuất tập trung.
Còn với tuyến biên giới giáp Campuchia, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này có cơ cấu tương đồng với hàng hóa của Thái Lan, Trung Quốc cho nên phải chịu sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng, mẫu mã và giá cả. Để thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới trên toàn tuyến, bà Mai Linh cho rằng cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi mang tính đột phá nhằm kêu gọi các nhà đầu tư vào cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistics hiện đại có đủ các khâu trong chuỗi như lưu trữ, kiểm hóa hàng hóa, đại lý hải quan hay tổ chức xuất khẩu ở các khu vực biên giới đất liền...
Các chương trình xúc tiến thương mại của Hà Nội góp phần hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường Một số chương trình xúc tiến thương mại của Hà Nội đã tạo được thương hiệu, có sự lan tỏa, kết nối các địa phương, ... |
Cơ hội để hàng Việt vươn xa trên thị trường toàn cầu Nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn cho doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thích ứng với ... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại