Thứ bảy 04/05/2024 01:21

Thừa phát lại Hà Nội hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người dân

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Với 8 văn phòng, 75 Thừa phát lại, thời gian qua Thừa phát lại Hà Nội đã hoạt động hiệu quả trên nhiều lĩnh vực: Lập vi bằng, tống đạt văn bản, giấy tờ, tổ chức thi hành án dân sự.
Văn phòng TPL quận Nam Từ Liêm có đội ngũ các chuyên gia pháp lý giỏi chuyên môn, đáp ứng nhu cầu tư vấn pháp lý cho người dân.
Văn phòng TPL quận Nam Từ Liêm có đội ngũ các chuyên gia pháp lý giỏi chuyên môn, đáp ứng nhu cầu tư vấn pháp lý cho người dân.

Những kết quả đạt được

Theo Nghị định số 08/2020/NĐ/CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, công việc Thừa phát lại được làm: Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định; Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan; Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định và pháp luật có liên quan; Tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự.

Nghị định cũng quy định những việc Thừa phát lại không được làm bao gồm: Tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của mình, trừ trường hợp pháp luật quy định khác; Sử dụng thông tin về hoạt động của Thừa phát lại để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; Đòi hỏi thêm bất kỳ khoản lợi ích vật chất nào khác ngoài chi phí đã được ghi nhận trong hợp đồng; Kiêm nhiệm hành nghề công chứng, luật sư, thẩm định giá, đấu giá tài sản, quản lý, thanh lý tài sản.

Khi thực hiện nhiệm vụ, Thừa phát lại không được nhận làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người thân thích của mình.

Tại Hà Nội, có 8 văn phòng, với 75 Thừa phát lại đang hoạt động trên địa bàn TP (trong số hơn 150 người đã được bổ nhiệm). Số liệu của UBND TP Hà Nội cho thấy, trong 3 năm từ 2018-2020, các Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn Hà Nội đã lập gần 36 ngàn vi bằng. Đây là con số đã được đăng ký tại Sở Tư pháp. Cũng trong thời gian này, 8 văn phòng đã tống đạt 225.614 ngàn văn bản của Tòa án; 3418 văn bản của cơ quan Thi hành án. Doanh thu trực tiếp tổ chức thi hành án là 393.746.000 đồng…

Hoạt động của Thừa phát lại góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ dân sự, trong quan hệ với cơ quan, tổ chức Nhà nước và trong hoạt động tố tụng. Góp phần tạo dựng môi trường pháp lý lành mạnh, an toàn cho các giao dịch dân sự, kinh tế, giảm tải công việc của Tòa án, Viện kiểm sát và cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn TP theo quy định của pháp luật.

Người dân sử dụng dịch vụ Thừa phát lại nhiều hơn

Là một trong những Văn phòng Thừa phát lại tiên phong, Văn phòng Thừa phát lại quận Nam Từ Liêm chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10-2014. Cán bộ, nhân viên của văn phòng là tập hợp đội ngũ các chuyên gia pháp lý giỏi chuyên môn và giàu kinh nghiệm trong nghề. Là địa chỉ tư vấn, hỗ trợ các vẫn đề pháp lý tin cậy cho người dân.

Chị Đặng Thị Minh Hạnh – Trưởng văn phòng Thừa phát lại quận Nam Từ Liêm cho biết, những Thừa phát lại hiện đang công tác trong Văn phòng là những Thừa phát lại từng công tác tại các Văn phòng Thừa phát lại ra đời sớm hơn hoặc nguyên là những chấp hành viên thi hành án, thẩm phán tòa án ở TP Hà Nội, công chứng viên. Đội ngũ thư ký nghiệp vụ của Văn phòng đều được đào tạo Luật bài bản từ các môi trường nổi tiếng như ĐH Luật Hà Nội, ĐH Kinh tế -Luật…

Trong 10 tháng đầu năm 2021, tuy dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng số lượng vi bằng bình quân của Văn phòng so với năm trước không giảm đáng kể. Riêng trong tháng 8 và tháng 9 thời điểm căng thẳng của dịch bệnh, TP thực hiện giãn cách nên số lượng vi bằng giảm tương đối nhiều so với các tháng trước.

Theo chị Hạnh, hiện nay người dân có nhu cầu sử dụng dịch vụ Thừa phát lại nhiều hơn, các dịch vụ lập vi bằng đa dạng như: Giao nhận tiền, đặt cọc để thực hiện việc các giao dịch mua bán tài sản trong tương lai, thỏa thuận về tài sản vợ chồng khi ly hôn, ghi nhận hiện trạng nhà đang trong quá trình xây dựng…

Thời gian tới, UBND TP Hà Nội yêu cầu việc phát triển các Văn phòng Thừa phát lại phải bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan đến hoạt động của Thừa phát lại trên địa bàn TP. Đồng thời bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng dịch vụ do Thừa phát lại cung cấp của tổ chức cá nhân, cũng như bảo đảm các điều kiện cần thiết để Văn phòng Thừa phát lại phát triển ổn định và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

Thực hiện Nghị định số 08/2020/NĐ/CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, ngày 14-7-2021, UBND TP đã phê duyệt Đề án phát triển Văn phòng thừa phát lại trên địa bàn TP Hà Nội.

Căn cứ vào nội dung văn bản số 3946/UBND-NC ngày 21-10-2021 của UBND TP giao Sở Tư pháp ban hành thông báo về việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn TP. Theo đó, cho phép thành lập 35 Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn các quận, huyện, thị xã; mỗi địa bàn quận, thị xã có 2 Văn phòng Thừa phát lại, địa bàn huyện có 1 Văn phòng Thừa phát lại.
Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động