Thứ ba 26/11/2024 06:03

Thông tin Tiếp bài: "Hãy trả lại "tên" cho một làng chài"

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Sau khi được Nhà nước xét duyệt, cấp đất cho lên bờ sinh sống. Đó như một câu chuyện cổ tích có thật của người dân làng chài Phù Vân là một sự đổi đời trong lòng mỗi dân chài.

Nhưng đâu đó, câu chuyện về “làng bán máu” đã trôi qua hàng chục năm nay vẫn còn đọng lại khiến cuộc sống người dân làng chài gặp nhiều khó khăn.


Hình ảnh làng chài Phù Vân đã được đổi mới.


Đất và nhà đã đến với dân làng chài

Chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Tiến, SN 1972, là tổ trưởng của xóm Mới, làng chài Phù Vân. Ngôi nhà của gia đình anh Tiến nằm trong dãy nhà của 73 hộ dân làng chài được Nhà nước cấp ở khu đất dãn dân. Mặc dù ngôi nhà chưa được hoàn thiện nhưng tiện nghi bên trong khá đầy đủ. Anh Tiến với nụ cười hài lòng cho biết: “Trước đây khi còn sống trên sông, cuộc sống của dân chài chúng tôi khổ, phải nói là khổ chưa từng thấy. Gia đình tôi sống ở làng chài từ thời các cụ, đến bố tôi từ những năm 1948 và cứ sống như thế đến đời chúng tôi bắt đầu mới có được đất lên bờ. Bố mẹ tôi sinh được 7 người con, cùng sống trên 1 chiếc thuyền nan nhỏ.

Những chiếc thuyền nan là căn nhà duy nhất không chỉ riêng gia đình tôi mà của tất cả người dân làng chài Phù vân. Trẻ con 10 đứa thì chỉ có khoảng 2 đứa được đi học, tôi cũng là 1 trong 2 trẻ may mắn đó. Nhưng mình sống trên sông nay đây mai đó nên hôm nay còn ở đây thì đi học được nhưng mai phải đi chỗ khác thì không được đi học nữa. 9,10 tuổi đã phải đi làm như người lớn rồi nên học đến lớp 4 tôi phải nghỉ học để theo bố mẹ đi đánh cá. Bây giờ được lên bờ cuộc sống đỡ vất vả hơn rất nhiều, con cái được đến trường học tập cùng bạn bè trang lứa”.

“Lúc còn sống trên sông, làng chài Phù Vân thuộc quyền quản lý của phường Minh Khai, thị xã Phủ Lý. Đến trước năm 1998, Nhà nước cấp đất cho các hộ dân làng chài về khu dãn dân thuộc xã Phù Vân, TP Phủ Lý nên thuộc quyền quản lý của xã Phù Vân và dân làng chài bắt đầu làm được nhà để ở, hiện khu dãn dân xóm Mới chúng tôi có 73 hộ dân. Cuộc sống của bà con vẫn còn gặp nhiều khó khăn vì trước đây 100% dân chài đều sống bằng nghề sông nước, đánh bắt cá, con em không được học hành.

Nên khi lên bờ, không có trình độ, không thể đi xin việc làm, muốn kinh doanh cũng không có đồng vốn. Nhà nước chỉ cấp cho đất làm nhà chứ chưa có đất ruộng, nên phải tự kiếm sống. Hiện tại 1/3 số hộ vẫn phải làm nghề sông nước, đánh bắt cá, họ đa số là những người lớn tuổi không biết làm nghề gì khác. Còn lại những người trẻ, sức dài vai rộng thì đi làm thuê làm mướn kiếm sống. Làng chài chúng tôi xưa nay không ai đi bán máu”, anh Tiến cho biết thêm.

Cuộc sống của người dân làng chài Phù Vân nay đã được đổi mới, họ có cơm ăn áo mặc, có nhà để ở, trẻ em được học hành và người dân đang thoát dần cảnh nghèo.


Một số hộ gia đình vẫn còn lênh đênh trên sông.


Phẫn nộ cái tên “làng bán máu”.

Trở về câu chuyện “làng bán máu” anh Tiến tiếp tục kể: “Ngày xưa đúng thật là có những người thường xuyên bán máu nhưng đó là dân “xóm bụi”. Những người này từ các tỉnh lân cận đến cũng làm thuyền, làm bè sống trên khúc sông cách làng chài chúng tôi chừng vài trăm mét. Nhưng họ sống rất phức tạp nên dân làng chài Phù Vân sống cách xa dân “xóm bụi”. Mà cái chuyện bán máu của họ cũng đã từ rất lâu, mấy chục năm nay rồi. Tôi không hiểu tại sao báo chí lại đăng tin làng chài Phù Vân chúng tôi là “làng bán máu”.

Vào khoảng tháng 4 - 2011, tôi đi làm về thấy mọi người trong xóm nói là có tờ báo viết về dân làng chài Phù Vân bán máu, tôi cầm đọc và quan sát thì biết đấy không phải là một tờ báo chính thức mà dạng kiểu như tờ rơi. To bằng tờ giấy A4 được photo ra nhiều bản rồi đem đến xóm tôi để cho dân xem. Tôi thấy rất buồn vì những gì xảy ra, sau đó tôi có dò tìm trên mạng và đọc được một số báo có viết bài giống như tờ giấy mà tôi nhận được. Dân chúng tôi phẫn nộ về chuyện báo chí viết bài về “làng bán máu” như thế. Làng chúng tôi từ thời các cụ đến giờ không có ai bán máu, tôi khẳng định như vậy”.

“Bài báo đó ảnh hưởng rất lớn đến dân cư làng chài Phù Vân, trước đây nhiều nhà hảo tâm đến tận nơi quan tâm, giúp đỡ, nhưng từ khi có bài báo đó không còn ai hỗ trợ dân chài nữa. Điều đau lòng hơn khi giờ dân chúng tôi đi đến đâu người ta cũng mỉa mai là “dân bán máu đã được lên bờ”. Con em đi xin việc làm ở các Cty may, hay một số nơi khác, người ta đều không nhận, chỉ vì “dân bán máu”. Chúng tôi tủi hổ lắm, dân làng chài chúng tôi từ xưa đến nay cho dù có nghèo khổ đến mấy thì vẫn lạc quan, bà con làng xóm sống rất tình cảm với nhau. Nhưng bài báo viết sai sự thật khiến hình ảnh những con người sông nước ở làng chài Phù Vân bị mất đi, để lại nhiều hậu quả xấu”, anh Tiến bức xúc.

Nguyện vọng nhỏ của người dân chài

Được biết, trước năm 1998, Nhà nước cấp đất cho 100% hộ dân ở làng chài Phù Vân lên khu dãn dân sinh sống. Nhưng hiện tại vẫn còn hơn chục hộ phải sống lênh đênh trên những chiếc thuyền nhỏ, những hộ dân này là thế hệ sau năm 1998, cũng vì khó khăn nên họ phải bám sông kiếm sống qua ngày. Hoàn cảnh đáng thương nhất là gia đình ông Lương, bà Ví. Sinh được 7 người con, 5 con trai, 2 con gái, cuộc sống nghèo khổ khiến họ phải bám vào thuyền nan, mái chèo. Vào một trận bão năm 2011, ông Lương vì sợ con thuyền nhỏ bị bão tàn phá nên đã ra sông kéo đò vào không may bị rơi xuống sống chết. Và để lại bà Ví tuổi đã cao sống trên con thuyền nhỏ cùng 2 cậu con trai út. Những hộ dân còn lại cũng có hoàn cảnh rất khó khăn. Còn 73 hộ được cấp đất lên bờ thì hiện có khoảng 10% hộ dân nằm trong diện nghèo, đông con đi học.

Vì thế khi nói đến nguyện vọng của người dân làng chài Phù Vân thì không chỉ anh Tiến mà tất cả những người dân ở làng chài đều mong muốn Nhà nước quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ những hộ dân đang phải sống trên thuyền, có được mảnh đất nhỏ lên bờ sinh sống. Mong Sở Điện lực bán với giá ưu đãi hơn, bởi giá bán điện hiện nay cao quá so với mức thu nhập của dân chài. Sở Giáo dục đào tạo miễn giảm bớt tiền học phí để con em được tiếp tục đi tìm con chữ. Và nguyện vọng cuối cùng là mong muốn hình ảnh làng chài Phù Vân là những con người chất phát, hiền lành “đói nhưng không rách”, chứ không phải là “làng bán máu”.

Rời làng chài, những ngôi nhà nhỏ khuất dần ..., tôi thầm mong những con người hiền hòa nơi đây luôn có một cuộc sống ấm no và mơ ước của họ sẽ trở thành hiện thực!.


Bài và ảnh: Lê Mận

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động