Thống nhất quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp theo mô hình 1 cấp?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCông chức tư pháp hỗ trợ người dân trong việc khai cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến |
Đặc biệt ngày 9-3-2015, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BTP về việc tăng cường xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu LLTP, nhằm bảo đảm giải quyết tình trạng thông tin LLTP còn tồn đọng, chấm dứt tình trạng chậm thời hạn cấp Phiếu LLTP, tăng cường xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu LLTP tại Sở Tư pháp và Bộ Tư pháp.
Đến nay 63 Sở Tư pháp toàn quốc đều sử dụng, xử lý, cập nhật thông tin trên cơ sở phần mềm quản lý LLTP dùng chung cho các Sở Tư pháp do Bộ Tư pháp xây dựng, đồng thời dữ liệu điện tử do các Sở Tư pháp tạo lập tại các phần mềm riêng cũng đã được Bộ Tư pháp nhập vào phần mềm quản lý LLTP dùng chung. Qua đó, từng bước tạo lập, xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP điện tử thống nhất trong toàn quốc.
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng tồn đọng thông tin LLTP chưa được cập nhật ở một số địa phương. Nhiều trường hợp, kết quả xác minh của CQCA về việc người đó bị bắt, điều tra, truy tố, khởi tố, xét xử nhưng không có thông tin về bản án hoặc không rõ tình trạng thi hành án.
Trung tâm LLTP quốc gia, Sở Tư pháp thực hiện tra cứu, xác minh thông tin tại các cơ quan khác có liên quan như Tòa án, Viện kiểm sát, Thi hành án dân sự, UBND cấp xã song đều không cung cấp được thông tin về án tích của người đó vì nhiều lý do như chuyển trụ sở, bản án được xét xử quá lâu… Thực tế ấy gây khó khăn trong việc kết luận về tình trạng án tích của người yêu cầu cấp Phiếu LLTP, chậm trễ trả lời yêu cầu cấp phiếu của người dân, gây bức xúc kéo dài.
Tồn tại việc chất lượng thông tin được cập nhật, xử lý để tích hợp, lưu trữ tại cơ sở dữ liệu LLTP vẫn chưa đảm bảo chính xác, chưa đồng bộ, vẫn có sự sai lệch, không thống nhất, đặc biệt là sự sai lệch thông tin giữa cơ sở dữ liệu LLTP tại Bộ Tư pháp với 63 Sở Tư pháp.
Nhiều ý kiến cho rằng, mô hình cơ sở dữ liệu LLTP hai cấp tại Trung tâm LLTP quốc gia và tại các Sở Tư pháp là khả thi trong giai đoạn đầu thực hiện Luật Lý lịch tư pháp, nhưng hiện nay đang bộc lộ nhiều vướng mắc. Cơ sở dữ liệu LLTP đang được xây dựng và quản lý tại 64 đầu mối bao gồm 1 cơ sở dữ liệu tập trung tại Trung tâm LLTP quốc gia và 63 cơ sở dữ liệu tại Sở Tư pháp khiến dữ liệu bị phân tán, không đồng bộ (mô hình 2 cấp), ảnh hưởng không nhỏ đến số lượng, chất lượng của cơ sở dữ liệu LLTP trên phạm vi toàn quốc cần xây dựng mô hình quản lý cơ sở dữ liệu LLTP một cấp và đây là mô hình phù hợp với chủ trương của Chính phủ. Có thể xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Lý lịch tư pháp nên thu gọn đầu mối cung cấp về thông tin án tích.
Bộ Tư pháp cho biết hiện nay bộ đã triển khai việc trao đổi, cung cấp thông tin LLTP điện tử toàn diện giữa Trung tâm LLTP quốc gia và các Sở Tư pháp. Tuy nhiên, do điều kiện về hạ tầng, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nên Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan chưa thực hiện việc trao đổi, cung cấp thông tin LLTP điện tử liên ngành trên phạm vi toàn quốc.
Để kịp thời tiếp nhận, xử lý thông tin LLTP, bước đầu nhiệm vụ là củng cố cơ sở dữ liệu LLTP bằng hệ thống phần mềm giải pháp tự động hóa công tác xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu tại Trung tâm LLTP quốc gia và các Sở Tư pháp.
Sau khi cơ sở dữ liệu LLTP tại trung tâm và Sở Tư pháp hoàn thiện, sẽ thực hiện việc trao đổi, kết nối, cung cấp thông tin LLTP điện tử giữa Trung tâm LLTP quốc gia, Sở Tư pháp và các cơ quan có liên quan. Mục đích là tiến tới bỏ hẳn việc cung cấp thông tin bằng văn bản giấy như hiện nay. Để đạt được mục tiêu này, việc gấp rút hoàn thành cơ sở dữ liệu LLTP điện tử tại các Sở tư pháp cần được quan tâm, chỉ đạo sát sao và có lộ trình kế hoạch cụ thể.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại