Chủ nhật 24/11/2024 11:06

Thị trường gọi xe công nghệ: "Cuộc chơi" mới chỉ bắt đầu

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong khi Bộ GTVT vẫn còn đang loay hoay sửa đổi dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh vận tải để quản lý xe công nghệ, thì ngày 1-7 vừa qua, Tổng Công ty bưu chính viễn thông Viettel (Viettel Post) đã chính thức cho ra mắt ứng dụng gọi xe MyGo. Và "cuộc chơi" của các "đại gia" mới chỉ bắt đầu...  

Theo Viettel Post, “tân binh” MyGo là nền tảng công nghệ cung cấp dịch vụ kết nối giữa khách hàng và nhà cung cấp dịch vụ di chuyển – giao hàng trên phạm vi toàn quốc. Ngay sau khi ra mắt, MyGo sẽ được triển khai đồng loạt tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Cũng ngay trong ngày ra mắt, nhiều thuê bao đang sử dụng mạng Viettel đã tự động nhận được tin nhắn rác từ VTPost với nội dung “tuyển dụng đối tác xe máy MyGo”. Theo tin nhắn này, sẽ tặng nay 1 triệu đồng, nhận 95% thu nhập mỗi cuốc xe khi đăng ký trở thành tài xế xe máy MyGo.

Thậm chí, tại tin nhắn rác tự động gửi đến các thuê bao Viettel này thì Viettel Post còn đưa ra lời mời chào khá hấp dẫn, đó là cơ hội trở thành nhân viên chính thức của Viettel Post. Thêm một ưu đãi nữa là các MyGo driver sẽ được miễn phí data 3G/4G khi sử dụng ứng dụng này.

Như vậy, MyGo đã chính thức có mặt trên thị trường ứng dụng gọi xe công nghệ ở Việt Nam sau Grab, FastGo, “Be”…

Sẽ không có gì đáng nói, nếu như không phải hiện nay, khi mà các nhà quản lý đang loay hoay sửa đổi dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh vận tải để quản lý xe công nghệ thì các loại hình kinh doanh xe công nghệ lại nở rộ như nấm sau mưa.

Nhìn lại thị trường xe công nghệ, ngay sau khi Uber rời khỏi Việt Nam cuối tháng 3-2018, thị trường khi đó chỉ còn lại Grab thống lĩnh. Nhưng chưa đẩy một năm, một loạt các ứng dụng gọi xe công nghệ ồ ạt xuất hiện.

Tháng 5-2018, Công ty cổ phần xe khách Phương Trang tuyên bố rót 100 triệu USD (khoảng 2.200 tỉ đồng) vào ứng dụng VATO với tham vọng chiếm khoảng trống do Uber để lại.

Cùng với đó, hàng loạt ứng dụng gọi xe Mai Linh Bike, T.Net, 123Xe, Xelo... cũng được công bố đầu tư lớn.

Ứng dụng gọi xe FastGo chính thức ra mắt thị trường tháng 6-2018, không lâu sau thời điểm Uber rút khỏi Việt Nam. FastGo không giấu tham vọng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam và có thể đối đầu với Grab.

Sinh sau đẻ muộn, “Be” là tân binh mới nhất có trên thị trường ứng dụng gọi xe tại Việt Nam. “Be” tuyên bố đi một con đường khác ngay từ khi ra mắt, định vị mình là một công ty kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, đồng thời thu chiết khấu tới 25%, ngang với chiết khấu của Grab.

Như vậy đến nay, thị trường ứng dụng gọi xe công nghệ Việt đang “sở hữu” cả chục ứng dụng gọi xe tham gia kết nối xe công nghệ như Grab, FastGo, Go-Viet, Be, Mailinh, Aber, MyGo… Và theo nhận định của Nikkei, tờ báo chuyên trong các lĩnh vực về tài chính, kinh doanh và công nghiệp của Nhật Bản, Việt Nam được đánh giá là thị trường gọi xe tăng trưởng nhanh nhất tại Đông Nam Á.

thi truong mau mo hay do quan ly long leo
Thị trường Việt đang là mảnh đất màu mỡ với mảng ứng dụng gọi xe công nghệ. (Ảnh minh họa)

Phải chăng, thị trường Việt đang là mảnh đất màu mỡ với mảng ứng dụng gọi xe công nghệ, hay cũng bởi sự quản lý còn lỏng lẻo, dễ dãi từ cơ quan chức năng?!

Có chăng vì thế mà ngay khi vừa ra mắt thì Bộ GTVT đã có văn bản gửi Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel liên quan đến việc triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực vận tải và dịch vụ MyGo của đơn vị này.

Theo văn bản này, Bộ GTVT cho biết đã nhận được đề án ứng dụng MyGo và luôn ủng hộ việc ứng dụng khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh vận tải (hàng hóa, hành khách). Trong đó, khuyến khích các đơn vị cung cấp phần mềm, doanh nghiệp vận tải chủ động ứng dụng để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và tạo sự thuận lợi cho người dân.

Tuy nhiên, Bộ GTVT khẳng định việc này phải đáp ứng đúng quy định của pháp luật về giao thông đường bộ và pháp luật về thương mại điện tử.

Do đó, Bộ GTVT yêu cầu Viettel Post chủ động phối hợp các đơn vị vận tải hành khách, vận tải hàng hóa triển khai ứng dụng phần mềm MyGo để điều hành hoạt động vận tải nhằm tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, thuận tiện cho hành khách.

Đặc biệt, đối với việc kết nối xe hợp đồng dưới 9 chỗ (sử dụng hợp đồng điện tử thay cho hợp đồng bằng văn bản), đây là nội dung thuộc chương trình thí điểm theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 kèm theo Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.

Bởi vậy, Bộ GTVT đề nghị Viettel Post gửi Đề án nêu trên đến địa phương mà Công ty xin được thí điểm (Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM Minh đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm), trên cơ sở ý kiến của các địa phương liên quan Bộ GTVT sẽ xem xét, quyết định.

Đối với việc đăng ký hoạt động thương mại điện tử, Bộ GTVT đề nghị Viettel Post gửi đề nghị đến Bộ Công Thương để được hướng dẫn; các quy định về chính sách thuế và hoạt động của doanh nghiệp đề nghị thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động