Thứ sáu 08/11/2024 12:33

Thêm kênh xử lý các trường hợp giám định chưa thống nhất

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tại phiên thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã có báo cáo bổ sung với Quốc hội về 3 nội dung nhận được nhiều góp ý của đại biểu.

Theo đó, đối với bổ sung quy định thành lập Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết: Nội dung này được Chính phủ thiết kế trong Dự án Luật theo đề xuất của VKSDN tối cao.

Sau khi Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, VKSND tối cao đã có báo cáo đánh giá tác động bổ sung và cơ quan chủ trì soạn thảo gửi kèm theo hồ sơ trình Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, quy định này là cần thiết để đẩy nhanh quá trình giám định và để làm cho quá trình tố tụng đúng tiến độ, các số liệu cụ thể thì Viện kiểm sát đã nêu. Đây cũng thêm một kênh để xử lý các trường hợp mà các tổ chức tiến hành giám định chưa thống nhất với nhau và chỉ thành lập tại VKSND tối cao. Đồng thời cũng chỉ gom phạm vi là thực hiện giám định âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử.

“Thông tin của Viện kiểm sát thì không phình bộ máy hoặc có nhỉnh lên thì chỉ một chút, tức là chỉ là một phòng ở tại Viện kiểm sát. Đồng thời chi phí mua thiết bị theo Viện kiểm sát là chỉ mất 9 tỷ 480 triệu và khả năng không phải chi tiền của nhà nước đã có một dự án có thể cấp cho trang thiết bị này”, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết.

them kenh xu ly cac truong hop giam dinh chua thong nhat
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: Quochoi.vn

Liên quan đến hồ sơ đề nghị bộ nhiệm giám định viên tư pháp, Bộ trưởng Bộ tư pháp cho biết, Dự án Luật sửa đổi Khoản 3, Điều 8 quy định rằng đối với trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp đang là công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng thì không cần có Phiếu lý lịch tư pháp".

Theo Bộ trưởng, lý lịch gốc của cán bộ, cơ quan quản lý là các cơ quan nhà nước đã nắm rồi. Tất cả các biến đổi về mặt lý lịch, trong đó có cả hành chính và tư pháp thì các cơ quan đã nắm được. Đây là kênh bảo đảm tương đối yên tâm. Do đó, để giảm bớt thủ tục và thời gian thì bỏ quy định về phiếu lý lịch tư pháp trong thành phần hồ sơ để bổ nhiệm.

Về việc chuyển chi phí, lệ phí sang phí, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, trong quá trình soạn thảo vấn đề này đã đặt ra và thảo luận tương đối kỹ. Ban soạn thảo nhận thấy nếu sửa chuyển hệ thống này rất tốt, có những lý do khá thuyết phục.

Tuy nhiên, nếu chúng ta sửa vấn đề này thì phải sửa khá nhiều các quy định của pháp luật có liên quan hiện đã được quy định trong pháp luật về tố tụng hình sự, pháp luật tố tụng dân sự, pháp luật tố tụng hành chính, các quy định của Bộ Tài chính liên quan đến phí và lệ phí, đặc biệt là Pháp lệnh về chi phí giám định tư pháp.

Nếu chuyển ngay sang bây giờ, trong khi lần sửa đổi, bổ sung này lại chỉ có một số điều tập trung vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư nên chưa đặt ra vấn đề lớn như vậy.

Ngoài ra, việc chuyển sang phí thì chỉ phù hợp với các tổ chức giám định tư pháp công lập. Nhưng hiện còn hệ thống ngoài công lập. Vì thế dự thảo hiện hành về cơ bản giữ nguyên các quy định liên quan đến chi phí. Chỉ quy định rõ một điểm là kinh phí này thành một nguồn riêng, cấp cho các cơ quan tiến hành tố tụng để khắc phục vướng mắc trong việc thanh toán các chi phí rất chậm.

Thanh Hải
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động