Quỹ bình ổn giá xăng dầu không phải là một biện pháp để bình ổn giá
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐại biểu Vũ Tuấn Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ tham gia góp ý vào Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) |
Cần công khai minh bạch việc sử dụng Quỹ bình ổn giá
Đóng góp ý kiến vào Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Vũ Tuấn Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho rằng, Quỹ bình ổn giá đã giúp cho giá cả hàng hóa vận hành theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá trong thời gian qua cho thấy việc vận hành còn có những hạn chế.
Theo đó, chỉ sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng dầu, không lập Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng khác. Ngoài ra, cần công khai minh bạch việc sử dụng Quỹ bình ổn giá, kèm theo đó là kiểm soát nguồn cung cầu.
Trong thực tiễn thời gian qua, chúng ta đã hình thành Quỹ bình ổn giá xăng dầu và cho thấy, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã góp phần làm giảm sốc về giá khi giá xăng dầu thế giới tăng cao hoặc là giảm quá mạnh. Việc sử dụng Quỹ bình ổn giá đã hạn chế tác động xấu đến nền kinh tế và đời sống của Nhân dân.
Xét về bản chất, giá cả hàng hóa, dịch vụ thực hiện trích Quỹ bình ổn giá vẫn vận hành theo cơ chế thị trường, tăng hay giảm vẫn phụ thuộc vào thị trường. Tuy nhiên, khi sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá sẽ tác động làm giá cả tăng chậm hơn hoặc giảm chậm hơn. Do đó, nếu sử dụng được biện pháp bình ổn giá khác như thông qua điều hòa, kiểm soát cung cầu quy định tại Khoản 3, Điều 20 của dự thảo luật thì không cần thiết phải sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá.
Trong điều kiện hiện nay thì việc bình ổn giá xăng dầu thông qua điều hòa, kiểm soát cung cầu còn khó khăn. Vì vậy, trước mắt, cần quy định rõ là chỉ lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu, còn không lập Quỹ bình ổn giá đối với các hàng hóa, dịch vụ khác. Đồng thời cần có quy định cụ thể về việc công khai, minh bạch việc trích và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để đảm bảo được thực thi.
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh cho biết, thực tế, khi giá xăng dầu tăng lên thì nhiều mặt hàng khác tăng theo, tăng rất nhanh và có khi tăng thiếu căn cứ nhưng không có công cụ để kiểm tra. Khi giá xăng dầu giảm, các mặt hàng đó không hạ giá và không có điều kiện để kiểm tra. Từ đó tạo ra mặt bằng giá mới, gây khó khăn cho người dân, người tiêu dùng, người có thu nhập thấp.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh |
Đối với nội dung về bình ổn giá, đặc biệt là bình ổn giá xăng dầu, đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng chỉ nên can thiệp vào thị trường ở một vài thời điểm nhất định, cần có sự điều chỉnh phù hợp để đảm bảo ổn định thị trường, đồng thời cũng hài hòa lợi ích của các doanh nghiệp. Không đồng tình với việc tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đại biểu cho rằng Quỹ bình ổn giá xăng dầu không phải là một biện pháp để bình ổn giá, dự thảo Luật cần rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng.
Cần làm rõ nội dung Quỹ bình ổn giá xăng dầu là “bước đệm” để bình ổn giá xăng dầu, đồng thời đề nghị sử dụng linh hoạt nhiều công cụ khác trong bình ổn giá. Về vấn đề niêm yết giá, Dự thảo Luật còn quy định chung chung, chưa rõ ràng, cụ thể, không xác định rõ được trách nhiệm, nghĩa vụ thuế, chưa thể hiện rõ phương pháp quản lý phù hợp.
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm đến quy định về hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Cần quy định chi tiết một số nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện được bình ổn giá. Đặc biệt là đối với mặt hàng xăng dầu thành phẩm, thuốc bảo vệ thực vật nhằm tránh can thiệp quá sâu vào thị trường; đảm bảo định hướng phát triển kinh tế xanh và bền vững. Đồng thời, tiếp tục rà soát các nội dung liên quan đến bình ổn giá để không làm hoặc giảm thiểu ảnh hưởng đến việc đầu tư nâng chất lượng trang thiết bị, vật tư y tế cho khám chữa bệnh.
Cần tiếp tục quy định rõ hơn các tiêu chí để xác định khi nào giá tăng quá cao hoặc quá thấp gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh mặt bằng giá thị trường. Về Quỹ bình ổn giá, đề nghị cần tiếp tục đánh giá sự phù hợp của Quỹ nhằm tránh lạm dụng hoặc giảm thiểu tác động không mong muốn khi thực hiện bình ổn giá.
Bổ sung mức giá trần đối với các mặt hàng thiết yếu
Đóng góp ý kiến vào Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội nêu quan điểm, trong dự án Luật cần bổ sung việc đưa mức giá trần đối với các mặt hàng thiết yếu trong những trường hợp thiên tai, dịch bệnh. Đối với giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu cho rằng cần có sự thẩm định sao cho phù hợp với thực tiễn.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội phát biểu tại phiên thảo luận |
Tại Điều 7 dự thảo Luật quy định nghiêm cấm lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, chính sách của Nhà nước và điều kiện bất thường khác để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý, không phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá so với trước khi điều chỉnh giá.
Trên thực tiễn, trong giai đoạn bùng phát dịch bệnh Covid-19, có những thời điểm giá một số loại trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, test kit, xét nghiệm khẩu trang tăng rất nhanh. Vì vậy, trong nội dung điều khoản cần làm rõ khái niệm không phù hợp, bởi thực tế một số đoàn kiểm tra, thanh tra đã cảnh báo dấu hiệu vi phạm khi giá bán hàng hóa cao gấp giá nhập khẩu vài chục phần trăm. Chính vì vậy, tạo ra tâm lý lo lắng cho các cơ sở y tế công lập khi phải mua trang thiết bị, sinh phẩm, vật tư tiêu hao phòng, chống dịch, thậm chí có những bên bán cũng không muốn tham gia vào giao dịch với các cơ sở y tế Nhà nước vào thời điểm dịch bệnh bùng phát.
Trước thực tế trên, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề xuất Ban soạn thảo dự án Luật cân nhắc quy định cụ thể mức trần lợi nhuận trên giá vốn hoặc trên giá thành toàn bộ đối với các mặt hàng thiết yếu trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, thiên tai, dịch bệnh và có thể xem đây như một biện pháp bình ổn giá có thời hạn để bổ sung vào Dự thảo Luật.
Cùng chung quan điểm đối với đại biểu Trần Thích Nhị Hà, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề nghị áp dụng cách tính đặc thù đối với lĩnh vực y tế, không thể áp dụng cách tính như giá thông thường. Bởi dịch vụ y tế không lợi nhuận và không thể điều hòa, kiểm soát cung cầu hàng hóa thông thường và không thể kiểm soát được theo hàng hóa thông thường.
Đại biểu cho rằng đối với dịch vụ y tế, không thể từ chối bán hàng trong mọi trường hợp. Hơn nữa, dịch vụ y tế rất khó xác định giá trị của thương hiệu, vì các yếu tố hình thành giá có thể bệnh viện hạng 3 có thương hiệu hơn bệnh viện hạng 1 và thương hiệu của bác sỹ hơn của Tiến sỹ, nếu xét về mặt chuyên môn.
Vì vậy, cần quy định rõ ràng cách tính giữa dịch vụ y tế công và dịch vụ y tế tư nhân, trong đó Bộ Y tế sẽ tính các gói dịch vụ y tế cơ bản và gói dịch vụ y tế nâng cao.
Đối với dịch vụ y tế cơ bản, Nhà nước đặt hàng, còn các dịch vụ y tế nâng cao tính giá trị ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, tính giá trị thương hiệu vô hình, khi đó người dân có thể chọn dịch vụ này. Từ những phân tích ở trên, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu chính sách áp dụng cách tính đặc thù trong lĩnh vực y tế.
Phải “lấp khoảng trống” về các căn cứ pháp luật để làm cơ sở cho việc xác định giá
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho biết thực tế nhiều những vụ án tham nhũng, tiêu cực bị phát hiện thì đều liên quan đến việc là xác định giá không đúng với giá hàng hóa khi mua hoặc là khi bán tài sản công. Hiện nay, các tổ chức tư vấn định giá rất ngại, thậm chí là không dám nhận nhiệm vụ định giá các tài sản cho khu vực công chỉ mua hoặc khi bán.
Mặt khác, nhiều cơ quan, nhiều đơn vị công hiện không mua sắm được các tài sản, vật tư hàng hóa. Điển hình như là bệnh viện không mua được thuốc chữa bệnh và vật tư y tế. Nhiều tài sản công không thể chuyển giao cho khu vực tư như các dự án bất động sản không thể xác định giá đất để cho các nhà đầu tư đầu tư phát triển.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số nội dung các đại biểu quan tâm |
Nguyên nhân căn bản của tình trạng trên là do chưa có những quy định một cách chặt chẽ, cụ thể những các căn cứ, phương pháp để xác định giá cả hàng hóa; chưa có các quy định là căn cứ cho cơ quan định giá, quyết định giá bảo đảm không có tư lợi. Pháp luật hiện hành không có công cụ định giá cũng như bảo vệ cho những người làm định giá.
Do đó, yêu cầu đầu tiên của việc hoàn thiện Luật Giá lần này là phải “lấp khoảng trống” về các căn cứ pháp luật để làm cơ sở cho việc xác định giá, phương pháp đánh giá những căn cứ định giá, những nguyên tắc định giá... Dự thảo Luật cần phải đưa có một chương riêng về phương pháp, căn cứ, nguyên tắc định giá.
Ngoài ra, để có được xác định giá cả đúng cũng như có cơ sở để quản lý giá thì phải có cơ sở dữ liệu đầu vào. Do vậy, việc kê khai giá là một công việc vô cùng quan trọng.
Hoạt động kê khai giá không nên giới hạn ở một số các loại hàng hóa như quy định hiện hành mà phải quy định tất cả các loại hàng hóa khi bắt đầu đưa vào lưu thông trên thị trường đều phải thực hiện kê khai giá. Đồng thời hai đối tượng phải thực hiện kê khai giá là những doanh nghiệp sản xuất lần đầu tiên đưa sản phẩm vào thị trường và những các doanh nghiệp nhập khẩu khi lần đầu tiên nhập khẩu hàng hóa đưa vào thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, cần phân định rõ định giá, thẩm định giá và quyết định giá.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tiếp thu ý kiến của các đại biểu, đồng thời giải trình, làm rõ thêm một số nội dung Đại biểu quan tâm. Cụ thể: Về hiệp thương giá, Dự án Luật lần này không xác định phạm vi và chỉ có doanh nghiệp với doanh nghiệp hiệp thương giá với nhau, cơ quan nhà nước sẽ đóng vai trò là trọng tài. Đối với ý kiến đại biểu đề nghị đưa sách giáo khoa vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và giao Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá tối đa, Bộ trưởng cho biết, ý kiến này có cơ sở và phù hợp với thực tiễn. Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và đào tạo, Ủy ban tài chính ngân sách trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo để có quy định phù hợp.
Về vấn đề kê khai giá, Bộ trưởng cho rằng, giữa rất nhiều loại giá với những vai trò khác nhau, cần tập trung vào một số giá cụ thể để đảm bảo hiệu quả điều chỉnh với nguồn lực hữu hạn. Bộ trưởng nhấn mạnh, kê khai giá là nhằm yêu cầu giải trình khi giá cả có thay đổi, đảm bảo không biến động giá đột ngột..
Ngoài ra, đối với nhiều nội dung khác của Dự án Luật, Bộ tài chính sẽ tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội; lấy ý kiến các đối tượng tác động; tham vấn ý kiến chuyên gia để tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật này trình Quốc hội xem xét.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại