Thứ sáu 26/04/2024 12:46

Thanh Hóa: Trâu bò dự án bỗng "lâm bệnh" khi đến tay người dân

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Những con trâu, con bò “còi cọc” nhưng lại có giá “trên trời” được cấp cho dân theo Chương trình phục hồi sinh kế thuộc dự án nâng cấp giao thông, giải phóng mặt bằng QL217 vay vốn ADB lần 2 trên địa bàn huyện Bá Thước đang gây bức xúc cho nhân dân. Trâu bò được cấp chưa đầy 1 tuần đã xảy ra tình trạng bị chết, dịch bệnh làm người dân hoang mang.    

Bò lăn ra chết sau 3 ngày được cấp

Theo đó, ngày 21-3, người dân xã Ái Thượng, huyện Bá Thước được cấp bò theo Chương trình phục hồi sinh kế thuộc dự án nâng cấp giao thông, giải phóng mặt bằng QL217 vay vốn ADB lần 2.

Có điều, sau khi nhận bò được vài ngày thì có hộ đã phải “bán đổ bán tháo” con bò mới nhận của dự án, có hộ thì bò lăn ra chết, có hộ thì bị đơn vị cung ứng thu hồi lại do có dấu hiệu của bệnh tật. Hơn nữa, người dân vô cùng bức xúc khi giá trị thực của trâu bò thộc dự án cấp lại cao hơn gấp nhiều lần so với giá thị trường hiện tại.

thanh hoa trau bo du an bong lam benh khi den tay nguoi dan
Nhiều hộ dân xã Ái Thương bức xúc vì trâu, bò dự án được định giá quá cao so với giá trị thực tế.

Nằm trong danh sách được nhận bò, ông Trương Viết Giang, thôn Thung Tâm mừng quýnh, có điều, khi tận thấy con bò được nhận thì ông Giang lại rơi vào tình cảnh dở khóc, dở cười. Con bò của gia đình ông Giang nhận đeo thẻ tai số 40, có giá 14,5 triệu đồng, vì được hỗ trợ 10 triệu đồng nên ông phải bỏ tiền đối ứng thêm 4,5 triệu đồng. Tuy nhiên, khi mang bò về nhà, lái buôn trả giá con bò trên được 8 triệu đồng. Đến trưa 24-3, chân bò sưng vù không đi được nên bên cung ứng đã xuống bốc lên xe chở đi.

“Thực tế, bò của dự án còi cọc, gầy trơ xương nhưng lại được định giá quá cao so với thực tế, nhưng nếu không nhận bò thì mất số tiền hỗ trợ nên đành phải nhận. Mang bò về nuôi được vài hôm thì bò phát bệnh, thế là bên cung ứng đánh xe xuống đem về chữa trị và sẽ cấp lại cho tôi” – ông Giang cho biết.

Cùng cảnh với gia đình ông Giang là hai gia đình ông Bùi Văn Tiến và Trương Văn Chiên, thôn Thung Tâm. Con bò đeo thẻ tai số 03 còi cọc, bước đi xiêu vẹo của ông Tiến và ông Chiên được định giá 18 triệu đồng. Sau khi cân đối, bên cung ứng bò trả lại cho 2 gia đình số tiền 2 triệu đồng. Thế nhưng, khi trên đường dắt bò về nhà thì lái buôn chỉ trả giá con bò của ông có 6 triệu đồng nhưng ông không bán.

thanh hoa trau bo du an bong lam benh khi den tay nguoi dan
Con bò được cấp cho hộ ông Bùi Văn Tiến và Trương Văn Chiên trông còi cọc nhưng được định giá lên đến 18 triệu đồng.

“Nó gầy trơ xương, ốm yếu tong teo. Thế nhưng họ vẫn định giá con bò này có giá 18 triệu đồng. Chắc chắn con bò này không nặng quá 70kg vì một mình tôi vẫn có thể bế bổng nó lên được. Chúng tôi là những hộ bị ảnh hưởng bởi dự án, được nhà nước quan tâm hỗ trợ chúng tôi rất mừng. Có điều thực tế, ở đây trâu bò cấp về chúng tôi chỉ biết nhận chứ phản ứng cũng không giải quyết được gì” – ông Tiến nói trong bức xúc.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang đối với 2 anh em hộ gia đình ông Nguyễn Văn Lập, Nguyễn Văn Đức tại thôn Thung Tâm, xã Ái Thượng. Ngày 21-3, hai ông lên nhận con bò với định giá 20 triệu đồng. Tuy nhiên, chiều 23-3, khi bò đang được chăn dắt thì bỗng nhiên khựng lại, không đi nổi nên phải khiêng về chuồng. Đến sáng 24-3 thì bò lăn đùng ra chết.

“Từ hôm nhận bò về, gia đình chỉ cho ăn cỏ, cây ngô trong vườn nhà. Khi bò chết, tôi báo lên xã thì huyện và nhà cung ứng về đem đi chôn. Họ hỗ trợ cho gia đình 1 triệu đồng tiền chôn bò, bù cho 2 hộ gia đình chúng tôi 16 triệu đồng và thống nhất sẽ không cấp bò lại cho chúng tôi nữa. Trước đó, khi lên nhận bò, vì thấy con bò quá nhỏ, giá trị không đến 20 triệu nên chúng tôi có đề nghị nhận tiền nhưng bên dự án không cho. Trên đường dắt bò về, lái buôn chỉ trả 8 triệu đồng” – ông Đức cho hay.

Không chỉ những hộ dân xã Ái Thượng cũng bức xúc vì trâu bò dự án được cấp không xứng đáng với giá tiền nhà cung ứng định giá, mà tại xã Thiết Ống, nhiều hộ dân cũng có thắc mắc, bức xúc vì trâu bò của dự án được định giá quá cao so với giá trị thực tế.

Trâu bò chưa tiêm đủ vắc xin?

Trao đổi sự việc trên với ông Võ Đình Khoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, ông cho biết: Dự án nâng cấp, mở rộng QL 217 đi qua 6 xã trên địa bàn, làm hơn 1,5 nghìn hộ dân trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng. Để tạo sinh kế cho người dân, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã cho vay, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dự án số tiền 10 triệu đồng/hộ.

Số tiền vay này được quy đổi thành hiện vật, có thể là trâu bò, mua sắm hay hỗ trợ đào tạo nghề. Nếu giá trị hiện vật lớn hơn 10 triệu đồng, các hộ sẽ phải bỏ đối ứng. Tổng số tiền được ADB cho vay để thực hiện dự án lần này trên 10 tỷ đồng. Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện chỉ giải ngân tiền “tay ba” trước sự chứng kiến của người dân (người thụ hưởng) – đơn vị cung ứng và hội đồng giải phóng mặt bằng. Gia súc giao phải đảm bảo được ngành thú y cấp huyện chứng nhận về việc kiểm soát dịch bệnh.

“Việc lựa chọn hình thức hỗ trợ như thế nào là do người dân tự quyết định. Ở đây, cụ thể là mua trâu bò thì người dân trực tiếp liên hệ với nhà cung ứng, thỏa thuận giá cả với nhau. Chúng tôi chỉ căn cứ vào hồ sơ, nếu hồ sơ đúng theo quy định thì chúng tôi sẽ duyệt” – ông Khoa nói.

Do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên hầu như các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đều có phương án nhận trâu, bò về nuôi. Ban giải phóng mặt bằng huyện sau khi thống kê danh sách, nhu cầu rồi hướng dẫn người dân đến gặp trực tiếp “cung ứng” để trao đổi, mua bán.

Theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện Bá Thước cung cấp (không có chữ ký và không đóng dấu), sau 3 đợt hiện đã có 69 hộ được cấp trâu bò với tổng số tiền dự án chi là 690 triệu, chưa kể tiền “đối ứng” của người dân. Đơn vị cung ứng chủ yếu là các trang trang trại, gia trại trên địa bàn.

Liên quan đến công tác tiêm phòng vắc xin cho gia xúc, ông Nguyễn Văn Tâm, Phó phòng NN&PTNT huyện Bá Thước chỉ cấp được “Giấy chứng nhận tiêm phòng gia súc” do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cấp. Theo đó, số bò ông Mai Văn Thuấn, một chủ trang trại tại xã Ban Công cấp cho người dân được tiêm 1 liều vắc xin lở mồm long móng và tụ huyết trùng vào ngày 25-1-2020, không thể hiện số thẻ tai trên giấy chứng nhận tiêm phòng. Đến ngày 21-3, số trâu bò trên được đem cấp cho người dân khi chưa tiêm nhắc lại vắc xin lở mồm long móng lần 2, chưa lấy mẫu xét nghiệm để đánh giá tỷ lệ bảo hộ theo đúng quy định.

Giải thích vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tâm khẳng định, số trâu bò trên có nguồn gốc trong huyện nên không cần tiêm nhắc lại vắc xin lở mồm long móng theo quy định: Số trâu bò này được thu mua trên địa bàn huyện nên trước khi tiêm vắc xin để cấp cho người dân thì đã được tiêm 1 lần vắc xin rồi vì tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bắt buộc đối với trâu bò ở Bá Thước đạt 100%.

Nhưng khi chúng tôi đặt câu hỏi: căn cứ vào đâu để khẳng định toàn bộ số trâu bò cung cấp cho dân thuộc dự án được mua trên địa bàn thì ông Tâm cho rằng, đó là thông tin nhà cung ứng cung cấp.

Liên quan đến việc, bò được cấp sau 3 ngày thì bị chết nhưng không lấy mẫu bệnh phẩm đem đi xét nghiệm, giải thích điều này, ông Nguyễn Ngọc Đại, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bá Thước cho biết: “Bò chết không rõ nguyên nhân nhưng không phải bị lở mồm long móng. Chúng tôi đã tiêu hủy theo Luật thú y nhưng không lấy mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm. Tôi là giám đốc, phụ trách mảng bảo vệ thực vật nên không rõ mảng thú y. Cái này thì phải hỏi anh Nguyễn Quang Chiến, Phó Giám đốc phụ trách mảng chăn nuôi thú y” – ông Đại phân trần.

Hoàng Huy - Phạm Thọ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động