Tăng cường kiểm tra, xử lý tàu cá vi phạm các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo Sở NN&PTNT Thanh Hóa, trong thời gian qua, vẫn còn nhiều tàu cá đã hết hạn đăng kiểm, hết hạn giấy phép khai thác thủy sản, chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và một số tàu chưa lắp thiết bị GSHT do nằm bờ không tham gia khai thác. Ghi nhận thực tế tại Cảng Hới (thuộc TP Sầm Sơn, Thanh Hóa) cho thấy, đa số những tàu đang neo đậu ở đây đã được trang bị GSHT. Anh Trịnh Văn Hậu, chủ tàu cá TH 90272 cho biết, sau khi có quy định, chúng tôi cũng đã lắp thiết bị GSHT theo quy định. Để ra khơi đánh bắt, chúng tôi phải có đầy đủ các giấy tờ theo quy định chứ không thì sẽ bị phạt và bắt quay đầu vào bờ. Đối với thiết bị GSHT thì khi rời cảng là phải bật ngay rồi.
Các tàu cá tại Cảng cá Lạch Hới (Sầm Sơn) đã được lắp thiết bị GSHT |
Tương tự, anh Trần Văn Tuấn - một chủ tàu cá khác cũng rằng, để vào trong cảng neo đậu thì đã có đầy đủ các loại giấy tờ từ đăng ký, đăng kiểm, thiết bị GSHT, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và giấy phép khai thác. Bởi vì không làm thì sẽ không ra khơi đánh cá được. Chúng tôi chỉ khai thác trong vùng biển được phép chứ không lấn sang vùng biển nước ngoài.
Ông Hoàng Quốc Thành - Trạm trưởng Trạm Thủy Sản Lạch Hới cho hay: Theo thông kê thì ở Sầm Sơn có 220 phương tiện tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Trong đó có 22 tàu cá cam kết nằm bờ, không hoạt động nên không lắp GSHT theo quy định. Mặt khác có khoảng 60 phương tiện hết hạn đăng kiểm, đa phần những tàu này hoạt động ở tỉnh ngoài và dài ngày chưa về.
Còn theo Chi cục Thủy sản Thanh Hóa, hiện toàn tỉnh còn 43 tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên ký cam kết không tham gia hoạt động khai thác thủy sản, nên không lắp thiết bị GSHT vì tàu thường xuyên nằm bờ. Số phương tiện này chủ yếu ở huyện Quảng Xương, TP Sầm Sơn và Thị xã Nghi Sơn.
Được biết, tổng số tàu cá khai thác hải sản trong toàn tỉnh Thanh Hóa tính đến 15-9-2021 là 6.674 chiếc. Trong đó, Chi cục Thủy sản (thuộc Sở NN&PTNT Thanh Hóa) quản lý loại tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m trở lên là 2.130 chiếc (tàu cá hoạt động vùng lộng là 977 chiếc, tàu cá hoạt động vùng khơi là 1.153 chiếc). Số tàu cá nằm bờ, không tham gia khai thác là 43 tàu cá. Tổng số tàu cá tham gia khai thác là 2.087 tàu (trong đó số tàu cá tham gia khai thác trên 15m phải lắp thiết bị GSHT là 1.110 tàu). Về cấp huyện, xã đang quản lý 4.544 chiếc (tàu cá hoạt động vùng ven bờ, tàu có chiều dài dưới 12m).
Trong quý 3-2021 đã đăng kiểm được 663 tàu, lũy kế số tàu còn hạn đăng kiểm là 1.460/2.087 tàu, đạt 70% tổng số tàu tham gia khai thác. Ngoài ra cũng đã cấp được 395 giấy phép khai thác, lũy kế số tàu trên còn hạn giấy phép khai thác thủy 1.482/2.087 tàu cá, đạt 71% tổng số tàu cá trên 12m tham gia khai thác. Cấp được 506 giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, lũy kế số tàu còn hạn giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm 800/1.110 tàu cá, đạt 72,1% tổng số tàu tham gia khai thác.
Các lực lượng chức năng cũng đã tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại các cửa lạch, trên biển về chấp hành các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU, đặc biệt là quy định về lắp đặt thiết bị GSHT cho tàu cá trên 15m.Trong quý 3, Chi cục Thủy sản, lực lượng Biên phòng tuyến biển phát hiện, xử lý 65 phương tiện, tổng số tiền xử phạt 326.500.000 đồng.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại