Tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống mua bán người
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThiếu tá Hoàng Văn Hùng chia sẻ |
Chia sẻ với PV, Thiếu tá Hoàng Văn Hùng, Đội trưởng Đội Chống tệ nạn xã hội và mua bán người, Phòng Cảnh sát hình sự, CA TP Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta gặp nhiều khó khăn dẫn đến một bộ phận người dân mất việc làm, giảm thu nhập, đặc biệt là các lao động trẻ.
Cuối tháng 3/2022, nước ta bắt đầu mở cửa các cửa khẩu khu vực biên giới, đầu tháng 4/2022, Hà Nội cho phép mở cửa hoạt động trở lại các ngành nghề kinh doanh có điều kiện dẫn đến hoạt động của tội phạm mua bán người có xu hướng diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn các đối tượng lợi dụng mạng xã hội (Zalo, Facebook) đăng tin quảng cáo về việc lao động tại nước ngoài với chiêu trò “việc nhẹ lương cao” (chủ yếu tại 1 số quốc gia châu Á như: Campuchia, Philipines, Malaysia...) để dụ dỗ người ra nước ngoài lao động rồi bán cho các Cty nước ngoài.
Mặc dù số vụ án mua bán người phát hiện trên địa bàn TP không cao nhưng với vị trí là đầu mối giao thông quan trọng của nhiều tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không nên Hà Nội được xác định là địa bàn trung chuyển của các vụ mua bán người. Đứng trước tình hình tội phạm mua bán người hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, CA TP Hà Nội đã quán triệt thực hiện nghiêm túc chương trình hành động phòng chống tội phạm mua bán người; nhiều biện pháp phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ đã được áp dụng đồng bộ.
Từ đầu năm 2022 đến nay, CA TP Hà Nội đã phát hiện, điều tra xử lý 05 vụ 16 đối tượng về mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi, giải cứu 08 nạn nhân (trong đó 01 nạn nhân tự trở về), gồm 04 vụ mua bán người trong nội địa, 01 vụ mua bán người ra nước ngoài (Campuchia).
Cụ thể, Hoài Đức 02 vụ 08 đối tượng mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi, giải cứu 04 nạn nhân nữ; Sóc Sơn 01 vụ 03 đối tượng mua bán người dưới 16 tuổi, giải cứu 01 nạn nhân nam (trẻ sơ sinh 03 ngày tuổi); Đống Đa 01 vụ 02 đối tượng mua bán người và tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; Bắc Từ Liêm thay đổi tội danh 01 vụ 04 đối tượng từ tội “Giữ người trái pháp luật”, sang tội “Mua bán người dưới 16 tuổi”.
Thiếu tá Hoàng Văn Hùng cho biết thêm, để phòng chống loại tội phạm này đạt hiệu quả, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, chủ công nòng cốt là lực lượng Cảnh sát hình sự thì cần phải có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng. Bên cạnh công tác điều tra xử lý tội phạm thì công tác phối hợp trong công tác tuyên truyền cũng được CA TP Hà Nội quan tâm thực hiện, luôn giữ vững mối quan hệ phối hợp với các cơ quan liên ngành nhằm làm tốt công tác tuyên truyền phòng, chống mua bán người để đảm bảo hiệu quả.
Thiếu tá Hùng cho hay, trong thời gian tới, tình hình tội phạm mua bán người tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội sẽ ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức, có sự câu kết chặt chẽ, hình thành đường dây tội phạm liên tỉnh và xuyên quốc gia.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống và đấu tranh với tội phạm mua bán người, CA TP Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, UBND TP liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người; góp phần hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người nhằm tạo ra sự chuyển biến cơ bản về nhận thức, hành động trong toàn thể xã hội về phòng chống tội phạm mua bán người và làm giảm nguy cơ và tội phạm mua bán người; Xác minh, xác định và giải cứu nạn nhân bị mua bán.
Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho phụ nữ | |
Tăng cường tuyên truyền phòng chống pháo nổ tại các trường học Hà Nội |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại