Thứ năm 28/03/2024 20:35

Tăng cường biện pháp phòng chống ngộ độc Methanol

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm Thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 20/BCĐ-SYT về tăng cường biện pháp phòng chống ngộ độc Methanol.
tang cuong bien phap phong chong ngo doc methanol
Ảnh minh họa

Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 4 lần với tổng số 15 bệnh nhân bị ngộ độc Methanol, trong đó, có 03 bệnh nhân tử vong. Thời gian gần đây vẫn xuất hiện một số người bị ngộ độc liên quan đến sử dụng rượu có chứa Methanol. Trước tình hình trên, BCĐ công tác ATTP Thành phố đề nghị Sở Công Thương, các sở ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng chống ngộ độc Methanol trên địa bàn, cụ thể:

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh rượu, không lạm dụng rượu và bảo đảm an toàn khi lựa chọn, sử dụng rượu. Tuyên truyền cho nhóm đối tượng nghiện rượu tuyệt đối không sử dụng rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn mác, không sử dụng cồn у tế, cồn sát trùng pha chế thành rượu để uống.

Phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. giám sát việc bảo đảm ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, nhà hàng, thức ăn đường phố, quán giải khát, quán ăn, quầy tạp hóa...truy xuất nguồn góc rượu không đảm bảo chất lượng ATTP, xử lý nghiêm các vi phạm và công khai danh sách các cơ sở có bán rượu không có nhãn mác, sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Điều tra, giám sát, tư vấn người nghiện rượu đi điều trị, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ ngộ độc Methanol, tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời để tránh các diễn biến xấu đối với sức khỏe bệnh nhân.

Đối với Sở, ngành: Sở Công thương: Quản lý ATTP quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, bia, cồn và đồ uống có cồn. Tuyên truyền phổ biến kiến thức về ATTP, thanh kiểm tra, hậu kiểm, giám sát, kiểm nghiệm thực phẩm lưu thông trên thị trường, xử lý vi phạm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm không đảm bảo đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, bia, cồn và đồ uống có cồn.

Công an Thành phố: Tổ chức điều tra. phát hiện, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP. Phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất về ATTP, kiểm soát ngăn chặn việc vận chuyển, tiêu thụ rượu, bia, đồ uống có cồn không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng trên thị trường.

Đề nghị Cục Quản lý thị trường Hà Nội: Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh rượu, bia, cồn và đồ uống có cồn trên thị trường; Xử lý theo thẩm quyền các hành vi phạm pháp luật; Phối hợp liên ngành kiểm tra, xác minh và xử lý thông tin theo báo chí, người dân phản ánh ngộ độc methanol trên địa bàn; Kiểm nghiệm, lấy mẫu để đánh giá chất lượng rượu.

UBND cấp huyện: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, vận động các hộ sản xuất kinh doanh rượu thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP. Các hội đoàn thể của huyện tuyên truyền đến các gia đình có người nghiện rượu nên đi cai nghiện, các gia đình có tổ chức sự kiện hạn chế dùng rượu, bia và nếu sử dụng phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Thực hiện thanh tra, hậu kiểm, giám sát định kỳ đột xuất, xử lý vi phạm đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh rượu không đảm bảo. Phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về ngộ độc Methanol trên địa bàn theo quy định. Huy động sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong việc nói không với việc sản xuất, kinh doanh rượu không đảm bảo ATTP để bảo vệ sức khoẻ của người thân và cộng đồng.

TQ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động