Tài xế đi vào làn khẩn cấp, không nhường đường xe ưu tiên có thể bị xử phạt 2 lỗi
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTài xế N.Đ.D.L làm việc tại cơ quan công an. (Ảnh: Công an Hà Nội) |
Đội CSGT đường bộ số 6, Phòng CSGT CATP Hà Nội cho biết, đơn vị đã xác định được danh tính tài xế ô tô Mazda mang BKS 30K-505.XX đi vào làn khẩn cấp đường Vành đai 3 trên cao và không nhường đường cho xe ưu tiên.
Tại cơ quan công an, tài xế là anh N.Đ.D.L (SN 1997, trú tại huyện Đông Anh, Hà Nội) thừa nhận là người cầm lái chiếc Mazda trong clip được đăng tải trên mạng xã hội. Tài xế N.Đ.D.L thừa nhận, khoảng 20h ngày 30/7, anh lái ô tô Mazda đi vào làn khẩn cấp và không nhường đường cho xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu đi làm nhiệm vụ. Nam tài xế cho rằng "không nhìn và nghe thấy tín hiệu của xe phía sau".
Đội CSGT số 6 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với tài xế N.Đ.D.L, đồng thời xác minh thêm các yếu tố liên quan để ra quyết định xử phạt. Với hành vi vi phạm trên, tài xế N.Đ.D.L. sẽ bị xử phạt 5 triệu đồng, tước Giấy phép lái xe 2 tháng.
Trước đó, khoảng 20h ngày 30/7, anh N.Đ.D.L lái xe ô tô mang Mazda trắng BKS 30K-505.XX đã điều khiển phương tiện di chuyển trên đoạn đường dài thuộc làn khẩn cấp đường Vành đai 3 trên cao theo hướng từ hướng Mai Dịch đi Linh Đàm. Thời điểm xảy ra sự việc, khu vực này có mưa và đường Vành đai 3 trên cao đang xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ.
Theo hình ảnh trong đoạn clip đăng tải trên mạng xã hội, khi tới đoạn gần tòa nhà Landmark 72 (quận Nam Từ Liêm), một ô tô phát tín hiệu ưu tiên và loa yêu cầu xe con nhường đường. Tuy nhiên, tài xế N.Đ.D.L không chuyển làn mà tiếp tục đi ở làn khẩn cấp suốt quãng đường dài khiến nhiều người bức xúc.
Luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, căn cứ quy định khoản 5 Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ được sửa đổi bổ sung bởi điểm đ, khoản 34 và điểm a khoản 36 Điều 2, Nghị định 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:
Xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ: phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông;
Đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển "Cấm đi ngược chiều", trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 8 Điều này và các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định;
Tránh xe đi ngược chiều không đúng quy định, trừ hành vi vi phạm sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều quy định tại điểm g khoản 3 Điều này; không nhường đường cho xe đi ngược chiều theo quy định tại nơi đường hẹp, đường dốc, nơi có chướng ngại vật;
Không tuân thủ các quy định khi vào hoặc ra đường cao tốc; điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc; chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc; không tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước khi chạy trên đường cao tốc; điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h.
Như vậy, người nào điều khiển điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng và hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.
Ngoài ra, nếu người điều khiển phương tiện giao thông đi vào làn dừng xe khẩn cấp gây thiệt hại đến tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" được quy định tại Điều 260, Bộ luật hình sự thực định với mức phạt lên tới 15 năm tù.
Luật sư Đinh Thị Nguyên cho biết thêm, trường hợp này ngoài hành vi đi vào làn dừng khẩn cấp còn có hành vi vi phạm là không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.
Căn cứ Điều 22, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 về quyền ưu tiên của một số loại xe: xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu; xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; đoàn xe tang.
Các xe khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. Chính phủ quy định cụ thể tín hiệu của xe được quyền ưu tiên.
Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.
Căn cứ điểm b khoản 6 Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 được sửa đổi bổ sung bởi điểm c khoản 3 Điều 2, Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì hành vi không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ bị xử phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng và hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại