Cảnh giác với shipper giả “giăng bẫy” người tiêu dùng online
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhiều người thường xuyên mua hàng online dễ dính bẫy shipper giả (Ảnh minh họa) |
Chiêu thức giả danh shipper để lừa đảo
Chị L.T. (ở huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, gần đây chị nhận được cuộc gọi xưng là "shipper", thông báo chị có kiện hàng trị giá 127 ngàn đồng. Do đang đi làm, không thể lấy hàng trực tiếp nên chị T. đã bảo người này gửi số tài khoản cho chị thanh toán. Dù chưa kiểm tra cụ thể đơn hàng là gì, chị T. vẫn chuyển khoản thanh toán đơn hàng cho đối tượng.
Sau đó, người này lại gọi cho chị T. nói là đã gửi nhầm số tài khoản, số tài khoản trên là số đăng ký thẻ hội viên "giao hàng tiết kiệm", nếu chuyển tiền vào tài khoản đó, trung tâm giao hàng sẽ kích hoạt gói cước hội viên và mỗi tháng tài khoản của chị sẽ tự động bị trừ 3,5 triệu đồng.
Người này sau đó gửi một đường link, nói là trang Facebook của trung tâm vận chuyển để chị T. liên hệ hủy đăng ký hội viên. Lúc này, chị T. mới phát hiện ra mình bị lừa và gọi điện đề nghị đối tượng chuyển lại tiền nhưng không nhận được phản hồi.
Cùng với thủ đoạn trên, chị T.N. (trú tại Hà Nội) cũng bị các đối tượng lừa một số tiền lớn. Theo chị N., shipper gọi cho chị nói có đơn hàng 239.000 đồng, sau khi chị chuyển khoản xong, người giao hàng này gọi lại báo đã nhắn nhầm số tài khoản đăng ký Hội viên shipper, giờ chị phải huỷ, nếu không chị sẽ trở thành hội viên và số tiền 239.000 đồng sẽ bị trừ vào phí hội viên.
Vì muốn huỷ nên khi đối tượng gửi đường link “yêu cầu bồi hoàn tiền và huỷ hội viên”, chị N. đã làm theo các hướng dẫn mà theo chị là “rất nhiều thao tác phức tạp”. Để dẫn dắt chị vào “bẫy”, chúng tạo group 4 người (gồm chị và 3 “nhân viên”) với lý do hướng dẫn luôn một lần cho tiện, nhằm tạo lòng tin cho chị N. yên tâm.
Đối tượng Phan Văn Tùng, kẻ giả danh shipper để lừa đảo tại cơ quan Công an (Ảnh: CQCA) |
Theo hướng dẫn của các đối tượng, chị N. thực hiện thao tác chuyển khoản nhiều lần nhưng các đối tượng luôn nói chị làm sai. Vì thế, chiều hôm trước chị đã chuyển khoản 40 triệu đồng nhưng vẫn chưa lấy lại được tiền. Sáng hôm sau chúng tiếp tục hướng dẫn chị làm lại, chị chuyển khoản tiếp 6 lần với số tiền 80 triệu đồng. Sau khi chuyển xong, kiểm tra lại, chị mới tá hỏa phát hiện mình bị lừa. Nhưng lúc này các đối tượng đã “lặn mất tăm”, gọi điện đều không liên lạc được.
Cảnh giác để tránh “sập bẫy” kẻ gian
Liên quan đến vấn đề này, Thượng tá - Tiến sỹ tội phạm học Đào Trung Hiếu (Bộ Công an) nhận định, đây là thủ đoạn mới, rất tinh vi, các đối tượng theo dõi kênh mua hàng online, có những người công khai cả số điện thoại và địa chỉ khi mua, rồi chúng lợi dụng sơ hở và mạo danh là "shipper" nhắn tin cho nạn nhân để yêu cầu chuyển tiền.
Nhiều người thấy đọc đúng địa chỉ, đúng món hàng nên nghĩ đó là "shipper" nên chuyển tiền. Đối tượng đã khai thác lỗ hổng trong bảo mật thông tin của khách hàng. "Người tiêu dùng không nên công khai thông tin khi mua online. Khi chuyển tiền, cần hỏi kỹ xem hàng gì, cần kiểm tra lại xem mình có mua không. Nếu bị lừa số tiền lớn, hãy báo ngay cho cơ quan công an và cảnh báo tới mọi người để nâng cao cảnh giác.
Chỉ một chút lơ là, chúng ta có thể bị lừa rất nhiều tiền. Kẻ gian giờ đây không chỉ nhắm vào người lớn tuổi, người kém am hiểu về công nghệ mà còn có thể đánh lừa bất kỳ ai, kể cả người trẻ, những người được cho là có kinh nghiệm dùng internet và mua sắm trực tuyến. Hãy luôn cảnh giác, tự bảo vệ bản thân và những người xung quanh khỏi những cạm bẫy từ người lạ. Chỉ cần một thao tác nhỏ là kiểm tra lại, chậm lại một nhịp trước khi thao tác, có thể giúp chúng ta tránh được rủi ro" Thượng tá Đào Trung Hiếu cho biết.
Luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản lần đầu mà chưa đến mức chịu trách nhiệm hình sự thì chỉ bị phạt hành chính. Theo quy định tại khoản 1 Điều 15, Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cá nhân dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản sẽ bị phạt từ 2 - 3 triệu đồng. Trường hợp tổ chức thực hiện hành vi trên thì bị phạt từ 4 - 6 triệu đồng theo khoản 2 Điều 4, Nghị định 144.
Trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạt tù từ 2 - 7 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: phạm tội có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; dùng thủ đoạn xảo quyệt.
Phạt tù từ 7 - 15 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp: chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đến dưới 500 triệu đồng; lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. Phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân khi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Liên quan đến vấn đề này, Thạc sĩ tâm lý Dương Thị Thu Hà, Phó Viện trưởng Viện Tâm lý đời sống cho biết, khi gặp các trường hợp đáng ngờ như trên, để xử lý một cách hiệu quả và an toàn, người bị lừa cần bình tĩnh hít thở, thay đổi trạng thái cơ thể để lấy lại tỉnh táo, không để mình bị cuốn theo những lời đe dọa. Sau khi thoát khỏi trạng thái hoảng loạn, bạn có thể lên mạng đọc để biết thêm thông tin. Hiện có quá nhiều trường hợp bị thao túng và thiệt hại rất nhiều tiền; nghĩ về những tin tức trên mạng và hãy nghi ngờ; chia sẻ và hỏi thêm người thân, bạn bè để họ hỗ trợ giải quyết vấn đề này, tuyệt đối không giấu làm một mình.
Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao CATP Hà Nội phối hợp với CA huyện Thanh Trì vừa xác minh, triệu tập đối tượng Phan Văn Tùng (SN 1998, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) để làm rõ hành vi lừa đảo. Qua đấu tranh khai thác, đối tượng trước đây từng làm nhân viên giao hàng. Khi làm việc, Tùng phát hiện nhiều khách hàng mua hàng online thường không nhận hàng trực tiếp mà chỉ bảo nhân viên giao hàng gửi lại cho người quen hoặc để lại trước cửa nhà. Sau đó, người mua hàng sẽ gửi số tài khoản để chuyển tiền mua hàng. Nhận thấy có thể lợi dụng kẽ hở này để chiếm đoạt tiền từ người mua hàng nên Tùng đã tìm thông tin khách hàng rồi sử dụng số điện thoại (sim rác) gọi điện cho khách hàng báo có đơn hàng. Với phương thức lừa đảo, từ tháng 4/2024 đến khi bị bắt, đối tượng đã lừa đảo được hàng trăm khách hàng, số tiền chiếm đoạt được hơn 130 triệu đồng. Hiện CA huyện Thanh Trì đã tạm giữ hình sự đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản để điều tra, giải quyết theo quy định của pháp luật. |
Những người hay mua hàng qua mạng cần đặc biệt lưu tâm để tránh bị lừa đảo |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại