Thứ hai 29/04/2024 23:37

Tác hại của việc sử dụng điện thoại trong khi đi vệ sinh

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Rất nhiều người có thói quen sử dụng điện thoại trong khi đi vệ sinh. Hành động tưởng chừng như vô hại này lại mang đến nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Dưới đây là những lý do bạn không nên sử dụng điện thoại khi vào nhà vệ sinh.
Tác hại của việc sử dụng điện thoại trong khi đi vệ sinh
Sử dụng điện thoại trong khi đi vệ sinh gây nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

1. Sử dụng điện thoại trong khi đi vệ sinh khiến điện thoại trở thành ổ nhiễm khuẩn di động

Nhà vệ sinh là nơi sinh sản nhiều loại vi khuẩn và vi-rút gây bệnh như liên cầu khuẩn, Escherichia coli (E. coli), salmonella, nấm mốc và norovirus. Khi sử dụng điện thoại hoặc thậm chí xả nước trong nhà vệ sinh, những vi khuẩn và vi rút này sẽ bám vào bề mặt điện thoại.

Ngay cả sau khi bạn rửa sạch tay, điện thoại của bạn vẫn có thể mang mầm bệnh có khả năng gây tiêu chảy, hen suyễn và các bệnh khác.

Theo một nghiên cứu, 92% điện thoại di động và 82% bàn tay của những người tham gia có chứa vi khuẩn, mặc dù 95% cho biết họ đã rửa tay bằng xà phòng.

16% điện thoại di động và 16% bàn tay của người tham gia bị nhiễm vi khuẩn E. coli. E. coli là một loại vi khuẩn có nguồn gốc từ phân bị nhiễm bệnh có thể gây khó chịu đường tiêu hóa cũng như các trường hợp ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, có khả năng gây tử vong.

Thường xuyên khử trùng điện thoại và rửa tay đầy đủ sau khi đi vệ sinh là cách hiệu quả nhất để loại bỏ vi khuẩn và vi-rút.

Tuy nhiên, cách tốt nhất để ngăn ngừa phơi nhiễm mầm bệnh là tránh hoàn toàn việc mang điện thoại di động vào nhà vệ sinh.

2. Sử dụng điện thoại trong khi đi vệ sinh có thể gây chóng mặt, đầy hơi và buồn nôn

Khi ngồi trong nhà vệ sinh, những người sử dụng điện thoại có thể kéo dài thời gian ở trong nhà vệ sinh một cách vô thức, khiến máu lưu thông xuống dưới, có khả năng dẫn đến không đủ máu cung cấp cho não. Chóng mặt và buồn nôn có thể xảy ra khi bạn đột ngột đứng dậy sau khi ngồi trong một thời gian dài.

Tại Trùng Khánh, Trung Quốc, một người đàn ông 24 tuổi ngồi xổm trong nhà vệ sinh khi chơi điện thoại di động trong 30 phút sau đó được phát hiện đã gục xuống sàn.

Bác sĩ cấp cứu tại địa phương cho biết, việc ngồi xổm trên bồn cầu quá lâu có khả năng dẫn đến máu lưu thông kém và tăng khả năng ngất xỉu, hơn nữa nhà vệ sinh thường chật hẹp, kín và không có hệ thống thông gió.

3. Sử dụng điện thoại trong khi đi vệ sinh gây táo bón và trĩ

Ngồi lâu trong nhà vệ sinh có thể cản trở lưu lượng máu, mở rộng các mạch máu và có thể dẫn đến giãn mạch, đặc biệt là ở phần dưới trực tràng và có thể dẫn đến bệnh trĩ.

Tốt nhất bạn nên giới hạn thời gian ngồi trong nhà vệ sinh xuống tối đa từ 10 - 15 phút.

Theo các chuyên gia, sóng nhu động ruột với các cơn co thắt tăng dần, nhịp nhàng làm cho phân di chuyển đến trực tràng, kích thích nhu động ruột. Khi bạn không thể giải phóng phân vào thời điểm đó, nhu động ngược có thể xảy ra, khiến nó trào ngược vào đại tràng. Điều này có thể gây táo bón và khiến việc đi ngoài trở nên khó khăn hơn sau này. Nếu nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh đã giảm bớt, bạn nên rời khỏi nhà vệ sinh thay vì ngồi xuống và chờ đợi.

4. Sử dụng điện thoại trong khi đi vệ sinh ảnh hưởng đến chức năng tim mạch và mạch máu não

Khi đi đại điện, thành bụng và cơ hoành co bóp mạnh, làm tăng áp lực ổ bụng. Tăng áp lực ổ bụng có thể làm tăng huyết áp động mạch và mức tiêu thụ oxy của cơ tim, có thể gây ra cơn đau thắt ngực, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và tạo ra rối loạn nhịp tim. Trường hợp nặng có thể dẫn đến xuất huyết não và đột tử.

Khi phản ứng điều tiết mạch máu của người trung niên trở nên kém đi, ngồi trong nhà vệ sinh trong thời gian dài có thể khiến một số người dễ bị thiếu máu não tạm thời, buồn nôn và tai biến mạch máu não khi đứng lên. Cần thận trọng vì đây có thể là dấu hiệu báo trước của đột quỵ do thiếu máu cục bộ.

5. Sử dụng điện thoại trong khi đi vệ sinh có thể gây thoát vị đĩa đệm cổ và thắt lưng

EUROSPINE, một tổ chức chuyên nghiên cứu, phòng ngừa và điều trị các bệnh về cột sống, cho hay, việc nhìn lâu xuống các thiết bị điện tử như điện thoại di động có thể làm cổ bị căng, gây đau vai và cổ, cứng khớp và đau đầu, có thể trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian.

Con người thường vô thức ngả về phía trước khi ngồi trên bồn cầu, đặc biệt là khi ngồi xổm, khiến cột sống thắt lưng bị lệch. Trọng lực đĩa đệm tăng cao sẽ làm tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.

Nếu bạn ngồi trong nhà vệ sinh và sử dụng điện thoại di động quá lâu, độ cong về phía trước của cột sống cổ cuối cùng sẽ bị dịch chuyển. Theo thời gian, sự thay đổi này có thể dẫn đến các triệu chứng như thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.

6. Sử dụng điện thoại trong khi đi vệ sinh có thể dẫn đến hội chứng khô mắt

Nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại hoặc chơi game trên máy tính trong khi ngồi trong nhà vệ sinh trong thời gian dài có thể dẫn đến khô bề mặt nhãn cầu, điều này có thể tạo điều kiện cho bệnh khô mắt phát triển.

Một nghiên cứu năm 2021 được công bố trên Clinical Ophthalmology cho thấy thời lượng sử dụng các thiết bị điện tử làm giảm tốc độ chớp mắt, dẫn đến khô mắt. Bệnh khô mắt thường dẫn đến bỏng rát, nhạy cảm với ánh sáng và nhìn mờ, cuối cùng dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn về thị lực và ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống.

9 tác hại của việc bỏ bữa sáng
7 sai lầm phổ biến khi sử dụng kem chống nắng có thể làm tổn thương da
10 sai lầm phổ biến khi đắp mặt nạ khiến da ngày càng xấu đi
HP (Theo Epoch Health)
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động