Suýt chết đuối sau tai nạn, nữ bệnh nhân được cứu sống nhờ sơ cứu đúng cách
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBệnh nhân hồi phục sau điều trị. Ảnh: BVCC |
Bệnh nhân tên là P.T.L (59 tuổi, ở Lệ Thuỷ, Quảng Bình). Trong lúc đang lưu thông trên đường bằng xe máy, do tránh xe ngược chiều, bệnh nhân đã rơi xuống mương nước. Khi được phát hiện và đưa lên bờ, bệnh nhân đã ngừng thở, ngừng tim.
May mắn thay, có người dân biết kiến thức về sơ cứu cho người bị đuối nước đã tiến hành ép tim, và sau khoảng 20 phút thực hiện cấp cứu, bệnh nhân đã có nhịp tim trở lại. Sau đó, bệnh nhân được đưa vào bệnh viện địa phương cấp cứu và tiếp tục chuyển lên Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới để điều trị.
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc đã nhanh chóng chẩn đoán và tiến hành các biện pháp hồi sức chuyên sâu. Sau 4 ngày điều trị và chăm sóc tích cực, hiện tại bệnh nhân đã hồi phục tốt, tỉnh táo hoàn toàn và ăn uống bình thường.
Đuối nước là một tai nạn sinh hoạt thường gặp trong cộng đồng, đặc biệt là mùa hè, nắng nóng. Tai nạn này thường dẫn đến tình trạng nạn nhân bị ngưng tim ngưng thở và tử vong nếu không được xử trí kịp thời và đúng cách. Do đó, việc cấp cứu ban đầu tại hiện trường là đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng đến tiên lượng của bệnh nhân.
Theo các bác sĩ, nguyên tắc cấp cứu đuối nước bao gồm: đưa nạn nhân ra khỏi nước an toàn (cần phải đảm bảo an toàn cho cả người cứu nạn và nạn nhân); gọi cấp cứu và đánh giá bệnh nhân.
Nếu bệnh nhân có dấu hiệu ngưng hô hấp tuần hoàn như: mất ý thức, không thở, thở ngáp, không có mạch cần tiến hành cấp cứu ngưng tuần hoàn cơ bản ngay lập tức bằng phương pháp ép tim ngoài lồng ngực, khai thông đường thở, thổi ngạt.
Nếu bệnh nhân còn thở thì tiến hành đặt bệnh nhân ở tư thế an toàn, giữ ấm, chờ đội cứu hộ tới.
Ngoài ra, cần ủ ấm bệnh nhân tránh hạ thân nhiệt, chú ý các tổn thương kèm theo như chấn thương cột sống cổ.
Đặc biệt, không nên dốc ngược người bệnh nhân và chạy, làm các việc gây chậm trễ quá trình cấp cứu.
Liên tục những vụ đuối nước ở trẻ em: những cảnh báo không thừa |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại