Thứ tư 26/06/2024 14:48

Liên tục những vụ đuối nước ở trẻ em: những cảnh báo không thừa

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Khoảng 2.000 trẻ em ở Việt Nam bị đuối nước mỗi năm, đó là những con số thống kê được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra, trong đó xảy ra nhiều nhất là vào dịp hè.
Liên tục những vụ đuối nước ở trẻ em: những cảnh báo không thừa
Ảnh minh họa

Chỉ trong khoảng thời gian từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6/2024, tại một số địa phương trong cả nước đã xảy ra nhiều vụ đuối nước liên quan đến trẻ em để lại nhiều hậu quả rất thương tâm.

Mới đây nhất, hai trẻ em (4 tuổi và 7 tuổi) gặp nạn tại bể bơi trong chuyến đi nghỉ dưỡng cùng gia đình tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) khiến 1 trẻ tử vong, 1 trẻ đang cấp cứu tại bệnh viện.

Trước đó, vào chiều 30/5, nhóm học sinh gồm 3 em cùng trú tại xã Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) rủ nhau đi tắm tại khu vực biển Hội Tiến (xã Thạch Hội, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Do sóng to, cả 3 em đều bị sóng cuốn ra xa. Lúc đó, có 2 cán bộ Công an xã Thạch Hội đang tuần tra làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực bãi biển đã phát hiện và kịp thời cùng người dân cứu được 2 em vào bờ an toàn. Riêng em N.H.N.K (11 tuổi) bị sóng cuốn ra xa, dù lực lượng chức năng và người dân dùng thuyền đưa được vào bờ nhưng đã không qua khỏi.

Liên tục những vụ đuối nước thương tâm mà nạn nhân là trẻ em thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những tai nạn đuối nước ở trẻ em mỗi khi hè về.

Theo thống kê mới nhất của WHO thì một phần ba số ca tử vong do đuối nước trên thế giới xảy ra ở Khu vực Tây Thái Bình Dương. Riêng tại Việt Nam, có khoảng 2.000 trẻ em bị đuối nước mỗi năm. Đây là một con số quá lớn khiến mỗi chúng ta đều phải giật mình.

Đi kèm với báo cáo, WHO cũng đã đưa ra những khuyến cáo: tất cả chúng ta đều có thể bảo vệ mọi người - kể cả trẻ em - khỏi đuối nước bằng cách hiểu biết về các mối nguy hiểm, nguy cơ. Có thể liệt kê ra các mối nguy hiểm như: nhà ở gần ao hồ; đi các phương tiện tàu, bè; các trò giải trí ở công viên nước; các khu vực có mưa lũ; đi tắm ở hồ bơi; hồ cá trong gia đình….

Phân tích những vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn thương tích nói chung và tai nạn đuối nước nói riêng. Trước hết, trẻ em thiếu sự quan tâm, giám sát của cha mẹ, người chăm sóc; bản tính hiếu động, tò mò, thiếu kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ của trẻ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn, thương tích và tử vong do đuối nước. Bên cạnh đó, môi trường sống không an toàn, điều kiện kinh tế khó khăn là những yếu tố tăng thêm nguy cơ xảy ra các vụ đuối nước... Bởi vậy, phía sau các vụ tai nạn đuối nước trẻ em chính là sự đau xót, day dứt và cả ân hận của các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo và chính quyền địa phương.

Chúng ta đều hiểu những cảnh báo sẽ không thừa và không bao giờ là quá muộn. Thế nên, để ngăn ngừa nguy cơ tai nạn đuối nước, đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng của trẻ em, nhất là trong kỳ nghỉ hè, tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

Về góc độ cơ quan chức năng, các địa phương cần liên tục tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em đến từng trường học, lớp học, thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư; phổ biến, vận động cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, gia đình thường xuyên quan tâm, trông giữ, giám sát, nhắc nhở trẻ em về nguy cơ bị tai nạn, thương tích, đặc biệt trong những dịp lễ, nghỉ hè, những ngày học sinh không đến trường.

Tuy nhiên, trên thực tế, dù có quy trình chuẩn đến đâu, quy tắc đã được đưa ra thế nào thì vẫn xảy ra các sự việc tai nạn thương tâm mà nguyên nhân là do thiếu sự quan tâm, giám sát của người lớn đối với con trẻ. Thế nên, phụ huynh cần để ý tới con cái. Nếu được, hãy trang bị cho con các kỹ năng phòng chống đuối nước, cho các bé tham gia các khóa học bơi. Tuyệt đối không cho con đến các khu vực ao, hồ, sông suối… nếu không có người lớn đi kèm.

Chỉ khi nào mỗi gia đình thực sự quan tâm đến con em của mình, cùng chung tay với cơ quan chức năng trong việc thường xuyên nhắc nhở con em biết những nguy cơ có thể gây đuối nước và nên bơi lội ở đâu để bảo đảm an toàn... thì khi đó chúng ta mới có thể ngăn ngừa được các tai nạn thương tâm liên quan đến đuối nước.

2 chị em gặp nạn thương tâm tại bể bơi căn hộ nghỉ dưỡng ở Quảng Ninh
Kỹ năng cần có giúp trẻ em phòng, chống tai nạn, cháy nổ, đuối nước
Minh Nhật
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động