Thứ năm 25/04/2024 16:38

Sự thật hãi hùng về món tiết canh

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Từ xa xưa, tiết canh vốn được coi là món ngon ưa thích của nhiều người, đây là món ăn tươi sống, sử dụng nguyên liệu là tiết động vật tươi. Một số người còn cho rằng, ăn tiết canh là nét văn hóa truyền thống từ thời sơ khai của người Việt. Tuy nhiên, nếu con vật đó nhiễm bệnh thì tác hại của tiết canh là không thể lường trước, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Nguy cơ nhiễm khuẩn rình rập khi ăn tiết canh

Nhiều người quan niệm, ngày mùng 1 đầu tháng, không ăn tiết canh lợn nhưng ăn một bát tiết canh dê, vịt… nhà tự làm để “đỏ” cả tháng, vừa mát, vừa bổ lại sạch. Các loại tiết canh phổ biến nhất là tiết canh lợn, tiết canh vịt và tiết canh dê. Ngoài ra, cũng thường thấy tiết canh ngan, tiết canh rắn, tiết canh hải sản (tiết canh cua, tiết canh tôm hùm, tiết canh sò huyết), thậm chí có cả tiết canh chay.

Sự thật hãi hùng về món tiết canh

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về công nghệ thực phẩm chia sẻ, hiện nay người dân không chỉ ăn tiết canh những loại động vật, gia cầm phổ biến như lợn, vịt, dê mà còn lan sang cả động vật hoang dã như dúi, trũi, nhím...

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về công nghệ thực phẩm chia sẻ, hiện nay người dân không chỉ ăn tiết canh những loại động vật, gia cầm phổ biến như lợn, vịt, dê mà còn lan sang cả động vật hoang dã như dúi, trũi, nhím... "Nhiều người có quan điểm ăn tiết canh có giá trị dinh dưỡng cao và có thể chữa bệnh. Tuy nhiên, thực tế tiết canh không có nhiều dinh dưỡng như nhiều người tưởng, thậm chí rất nguy hại", PGS.TS Thịnh khẳng định.

Thứ nhất, ăn tiết canh bản chất là ăn máu sống cùng với các loại thịt, xương nên hoàn toàn không thể tiêu diệt các loại vi khuẩn, ký sinh trùng có trong con vật.

"Tiết canh mang rất nhiều mầm bệnh, nhất là máu của các con lợn, gà, vịt... đang bị nhiễm bệnh. Ví dụ, nếu ăn phải tiết canh của lợn đang mắc bệnh thì nguồn máu của nó sẽ chứa vi trùng, vi khuẩn gây bệnh. Do vậy, người dùng tiết canh từ con vật này sẽ có nguy cơ nhiễm các bệnh như liên cầu lợn, nhiễm giun sán, bệnh đường tiêu hóa, viêm não mô cầu, trường hợp nặng có thể gây tử vong", ông Thịnh nói thêm. Theo vị chuyên gia, nguy cơ nhiễm bệnh từ tiết canh rất lớn, nhất là trong hoàn cảnh bùng phát nhiều dịch bệnh.

Sự thật hãi hùng về món tiết canh
Người ăn tiết canh bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn có thể sẽ tử vong, chi phí điều trị tốn kém

Thứ hai, nguy cơ nhiễm chất độc từ máu các động vật rất cao. Trong quá trình cắt tiết con vật, có cả máu đen, máu đỏ mà người làm ít phân biệt được. Ông Thịnh cho biết, máu đen là chất thải độc của con vật, hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe.

Ngoài ra, ông khẳng định, ăn tiết canh không phải là văn hóa tốt đẹp của người Việt vì xuất phát từ văn hóa của cư dân săn bắt xưa là uống máu tươi của con vật bị bắn. Vì thế không nên ăn tiết canh.

Cần từ bỏ thói quen ăn tiết canh sống

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay, hiện nhiều nơi như Mộc Châu, Sơn La, người dân ăn tiết canh hấp chín thay vì ăn tiết sống nên nguy cơ nhiễm khuẩn ít hơn. Ông cũng khẳng định, món ăn này không có tác dụng chữa bệnh như nhiều người vẫn lan truyền.

Sự thật hãi hùng về món tiết canh

Do ăn tiết canh, sán cư trú trong mắt người bệnh

"Không có cơ sở để khẳng định ăn tiết canh mát, chẳng qua khi ăn tiết canh, ăn máu sống và thịt để nguội nên có cảm giác mát trong miệng. Máu động vật khi nấu chín cũng có giá trị dinh dưỡng và giúp cung cấp hàm lượng sắt cho cơ thể nhưng ăn tiết sống, bên cạnh nguy cơ nhiễm khuẩn, hàm lượng hồng cầu có trong nó không dễ tiêu hóa trong cơ thể con người, thậm chí còn gây bệnh", ông phân tích

BS Đặng Thị Nga, nguyên bác sỹ tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP HCM cho biết: "Bất cứ một loài ký sinh trung nào, kể cả vi khuẩn khi xâm nhập vào cơ thể sẽ đi vào máu đầu tiên, theo đó đi vào các bộ phận khác. Trong khi đó, cấu tạo của bộ não rất lỏng lẽo nên các loại sán, ký sinh trùng sẽ dễ đi vào và thích nghi ở đó. Trong não, sán nhiều hơn giun, mặc dù giun cũng ký sinh trong máu".

Việc người ăn tiết canh có bị nhiễm giun, sán phụ thuộc vào việc con vật đó có nhiễm sán hay không. Theo vị chuyên gia, các bệnh nhiễm khuẩn từ lợn, gà, ngan, vịt bệnh không chỉ lây dễ dàng qua đường tiêu hóa như ăn phải thịt, nem chạo, tiết canh chưa được nấu chín mà còn qua đường tiếp xúc. Những người chăm sóc, giết mổ, vận chuyển thịt, máu các con vật có bệnh có thể bị lây nhiễm qua các vết thương, vết xước ở da. Do đó, những người giết mổ, phân phối, chế biến thịt lợn, gia cầm, thủy cầm cần phải đi găng tay đảm bảo chất lượng.

"Ăn tiết canh là thói quen rất dễ gây bệnh cho người ăn. Nếu bệnh nặng có thể tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh như ngớ ngẩn, mất trí nhớ, liệt, phải cắt bỏ chi. Tốt nhất người dân cần từ bỏ ngay thói quen này", BS Nga cảnh báo.

6 SỰ THẬT KHI ĂN TIẾT CANH

1. Tiết canh dê, vịt…đều là máu sống, mang mầm truyền bệnh. Tất cả các loại tiết canh dù là dê, vịt… thực chất là máu sống và đều tiềm ẩn rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm, từ tiêu chảy, tả, lị, liên cầu khuẩn…

2. Ăn tiết canh dê, vịt.. nhà tự làm vẫn mắc liên cầu khuẩn lợn. Có nhiều trường hợp tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn lợn chỉ vì ăn tiết canh….. vịt nhà tự làm.

3. Không cần ăn dài ngày, chỉ ăn tiết canh 1 lần cũng vẫn nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Chỉ cần ăn phải tiết canh có liên cầu khuẩn lợn, người ăn sẽ bị nhiễm bệnh mà không cần là người ăn tiết canh dài ngày.

4. Tiết không mát và bổ huyết. Tiết canh không có tác dụng chữa bệnh trong Đông y cũng không phải thực phẩm có tính mát.

5. Ăn tiết canh, sán làm tổ trong não và bất kỳ bộ phận nào trong cơ thể. Biểu hiện của nhiễm nang sán rất phong phú, tùy thuộc vào vị trí mà các nang sán cư ngụ. Ấu trùng sán có thể đi bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể nhưng thường tập trung nhiều ở cơ, mắt và đặc biệt là não.

6. Điều trị sán não tốn kém và có thể tử vong. Nếu điều trị muộn, khả năng tử vong rất lớn hoặc có thể để lại di chứng sau này.

Thái Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động