Sớm đưa Luật Thủ đô (sửa đổi) và quy hoạch Thủ đô vào cuộc sống
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênLuật Thủ đô (sửa đổi) có riêng một Điều về không gian ngầm, tạo thuận lợi rất lớn cho khai thác không gian tiềm năng mới trong phát triển Thủ đô (Ảnh chụp tại khu vực Vành đai 3, thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) Ảnh: Khánh Huy |
Luật Thủ đô sửa đổi với hơn 50 nhiệm vụ mới
Trong 6 tháng cuối năm Hà Nội quyết liệt, tập trung thực hiện 11 nội dung nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để đạt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 với các động lực tăng trưởng mới, kiểm soát lạm phát. Cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các lĩnh vực mới nổi, mô hình kinh doanh mới. Xây dựng cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, Hà Nội tập trung chỉ đạo chuẩn bị triển khai tổ chức thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) để sớm đưa Luật đi vào cuộc sống.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn chỉ đạo: Kỳ họp thứ 17 HĐND TP đã đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, tài chính, ngân sách của TP 6 tháng đầu năm 2024. Các đại biểu đều ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở trong thời gian qua. TP tập trung xây dựng pháp luật, cải cách thể chế, ban hành cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển kinh tế xã hội; tổ chức triển khai Luật Thủ đô (sửa đổi) và 2 Quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để sớm phát huy hiệu quả đi vào cuộc sống, đặc biệt là triển khai ngay các nội dung Luật Thủ đô sửa đổi đã được Quốc hội thông qua ngày 28/6. Trong Luật Thủ đô có hơn 50 nhiệm vụ mới được phân cấp, phân quyền; với hai nhóm cơ chế chính sách, một nhóm có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 và một nhóm có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, như vậy, sẽ phải có 2 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật để giải quyết những nội dung này.
Hơn 3 thập kỷ qua, từ sau khi triển khai Luật Thủ đô 2013, cũng như các quy định về cơ chế đặc thù cho Thủ đô, kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng đô thị đã có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, trong thời đại phát triển của khoa học, công nghệ, để Thủ đô thực sự là trái tim của cả nước, là đầu tàu kinh tế, phát triển xứng tầm khu vực, đã đến lúc TP phải có tư duy mới mang tính đột phá chiến lược, cũng như hành động mạnh mẽ. Với nhiều điểm mới và tiến bộ, Luật Thủ đô được đánh giá là hành lang pháp lý quan trọng để Hà Nội trở thành đầu tàu phát triển của cả nước.
GS.TS Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: khi trao quyền cho Hà Nội, mọi quyết định của Hà Nội cần phải được công khai, minh bạch. Công khai, minh bạch chính là cơ chế kiểm soát quyền lực tốt nhất, cũng là cơ chế huy động được nguồn lực, sự tham gia, đóng góp của người dân vào các mục tiêu phát triển Thủ đô. Và khi chúng ta công khai, minh bạch, chúng ta tạo được sự đồng thuận thì dễ nhận được sự đồng tình, tạo ra sức mạnh cho việc thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn.
Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng nhận thấy Luật Thủ đô sủa đổi lần này có nhiều điểm tích cực như: trong Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều quy định liên quan văn hoá như: quy định về khu vực cho công nghiệp văn hoá, không gian sáng tạo, tháo gỡ vướng mắc trong luật PPP hay quản lý sử dụng tài sản công, từ đó tạo ra những thuận lợi cho các lĩnh vực văn hóa phát triển. Một điểm nổi bật trong Luật Thủ đô (sửa đổi) là không chỉ đã tập trung tháo gỡ những hạn chế mà Hà Nội đang gặp phải trong suốt thời gian qua về vấn đề huy động nguồn lực, đầu tư, quy hoạch, các chính sách phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, các lĩnh vực về an sinh xã hội... mà còn mở cơ hội cho ngành nông nghiệp phát triển.
Ưu tiên thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống
Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể chế hóa Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với một số cơ chế đặc thù mới để phát triển văn hóa. Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm cho rằng: “Đáng chú ý, trong Luật Thủ đô (sửa đổi) có riêng một điều về không gian ngầm, tạo thuận lợi rất lớn cho khai thác không gian tiềm năng mới trong phát triển Thủ đô. Luật cũng quy định rất rõ vai trò, trách nhiệm của từng cấp, ngành trong thực hiện cải tạo, tái thiết đô thị”.
Luật cũng quy định tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với Quy hoạch Thủ đô. Cho phép xây dựng các tuyến đê mới phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều và quy hoạch khác có liên quan để khai thác hiệu quả quỹ đất.
Trên bãi sông được phép tồn tại một số khu vực dân cư hiện hữu và được phép xây dựng mới công trình, nhà ở với tỷ lệ thích hợp theo quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê và quy hoạch khác có liên quan. Các khu vực bãi sông, bãi nổi còn lại được phép xây dựng các công trình dành cho không gian công cộng, công trình phục vụ mục đích công cộng nhưng không tôn cao bãi sông, bãi nổi để đảm bảo yêu cầu không làm cản trở dòng chảy.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại