Thứ năm 01/08/2024 18:10
Xét xử các bị cáo trong vụ sai phạm tại Tập đoàn FLC

Số tiền khắc phục này chưa đáng kể

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đang tiếp tục xét xử các bị cáo trong vụ sai phạm tại Tập đoàn FLC. Trong phần tranh luận, các bị cáo và luật sư trình bày nhiều quan điểm đáng chú ý….
Số tiền khắc phục này chưa đáng kể
Đại diện VKSND trình bày tại phiên tòa.

Chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe

Bị cáo Lê Hải Trà, nguyên Phó Tổng Giám đốc Hose, bị đại diện VKSND đề nghị tòa tuyên 6 - 7 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Bào chữa cho bị cáo Trà, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét mối quan hệ mang tính xâu chuỗi liên quan thẩm quyền chấp thuận Công ty (Cty) đại chúng của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, quản lý của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội và cấp chứng nhận đăng ký của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán và hoạt động của đoàn kiểm tra đối với các Cty chứng khoán và việc niêm yết cổ phiếu của Cty Faros trên HOSE.

Luật sư cho rằng, một số quy định đã tạo kẽ hở cho một vài cá nhân lợi dụng để cố tình che giấu thông tin nhằm giao dịch trục lợi, chấp nhận bị xử phạt hành chính. Chế tài xử phạt đối với các hành vi lũng đoạn thị trường chứng khoán có chủ đích chưa đủ sức ngăn chặn, răn đe.

Liên quan đến vụ án, bị cáo Trịnh Minh Huế, Kế toán tổng hợp Tập đoàn FLC, em gái bị cáo Trịnh Văn Quyết, bị đại diện VKSND đề nghị tuyên phạt 17 - 19 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Thao túng thị trường chứng khoán”. Trước đó, bào chữa cho bị cáo Huế, luật sư khẳng định, bà Huế không có khả năng, thẩm quyền thực hiện hành vi điều hành toàn bộ hoạt động nâng khống vốn Cty Faros. Hành vi của bị cáo Huế chỉ là vô ý, không có mục đích và không trực tiếp giúp sức cho ông Trịnh Văn Quyết hoàn thiện hay thực hiện thủ tục niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn HOSE.

Một người em gái khác của cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC là bị cáo Trịnh Thúy Nga, kế toán tổng hợp Tập đoàn FLC; thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Phó Tổng Giám đốc Cty cổ phần Chứng khoán BOS, bị đại diện VKSND đề nghị tuyên mức án 10 - 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Thao túng thị trường chứng khoán”. Luật sư bào chữa của bị cáo cho rằng, trong giai đoạn truy tố cũng như tại phiên tòa, bị cáo Nga đều tích cực hợp tác để phục vụ cho việc giải quyết vụ án, do đó cần áp dụng bổ sung tình tiết giảm nhẹ này.

Luật sư cũng mong HĐXX cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng tính chất, mức độ hành vi và vị trí, vai trò của bị cáo Nga ở góc độ đồng phạm giúp sức, để loại bỏ tính thực hành tích cực ở hành vi đối với tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, xác định vai trò thứ yếu, không đáng kể cho bị cáo ở tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn Quyết (bị đề nghị 19 - 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 5 - 6 năm tù về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”; hình phạt tổng hợp bị đề nghị 24 - 26 năm tù), luật sư cho rằng, các nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS ban đầu và sau đó thực hiện bán trong giai đoạn tháng 7/2020 đến 12/2021 đã thu hồi lại toàn bộ số tiền đầu tư/mua cổ phiếu và có lãi.

Bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn Quyết, luật sư Trần Nam Long đưa ra quan điểm cho rằng, đại diện VKS đề nghị tuyên phạt ông Quyết mức án 24 - 26 năm tù là quá nghiêm khắc. Đồng bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn Quyết, luật sư Vũ Đặng Hải Yến nêu, việc xác định nhóm 30.403 nhà đầu tư là người bị hại là không phù hợp, không đáp ứng các tiêu chí về bị hại theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Khả năng có lãi của 30.403 nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS ban đầu là rất lớn. Các nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS và sau đó thực hiện bán trong giai đoạn tháng 7/2020 đến tháng 12/2021 đã thu hồi lại toàn bộ số tiền đầu tư/mua cổ phiếu và có lãi.

Việc xác định 30.403 nhà đầu tư mua cổ phiếu ban đầu mà không xét đến thực tế những người này có thực hiện giao dịch mua đi bán lại theo phương thức giao dịch đặc thù trên thị trường chứng khoán là chưa phù hợp. Đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt mà ông Trịnh Văn Quyết bị cáo buộc, theo luật sư, số tiền 3.600 tỷ đồng theo kết luận tại cáo trạng, ngoại trừ thiệt hại của nhóm 133 nhà đầu tư, không thể xác định mức độ thiệt hại đối với các nhà đầu tư còn lại.

Được quyền tự bào chữa, bị cáo Trịnh Văn Quyết không trình bày cũng không bổ sung gì vào phần bào chữa của các luật sư.

Trong phần tự bào chữa, bị cáo Lê Văn Tuấn, kiểm toán viên Cty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội - CPA, nói, trách nhiệm của kiểm toán viên là dựa trên bằng chứng thu thập được. Bị cáo có bằng chứng thể hiện Thư xác nhận vốn góp được ký bởi ông Nguyễn Ngọc Tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, nguyên Tổng Giám đốc Cty TNHH Kiểm toán và Kế toán I Hà Nội - CPA và do 2 kiểm toán viên khác thực hiện kiểm toán.

Thư xác nhận ủy thác đầu tư của Faros cũng do người khác ký. Bị cáo đề nghị tòa cho giám định chữ ký trên 2 báo cáo kiểm toán trong hồ sơ vì cho rằng, các chữ ký này khác nhau và không phải là chữ ký của bị cáo.

Hành vi của bị cáo Quyết rất tinh vi

Tại tòa, đại diện VKSND đề nghị tòa tịch thu sung công quỹ Nhà nước số tiền mà các bị cáo đã thu lời bất chính. Đồng thời vận động các bị cáo tiếp tục khắc phục hậu quả vụ án. Theo quan điểm luận tội của đại diện VKSND, đây là vụ án được dư luận xã hội quan tâm. Việc truy tố các bị cáo là cần thiết, có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Đại diện VKSND cho rằng, từ tháng 5/2017 - 1/2022, bị cáo Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo em gái cùng đồng phạm mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng để lập hồ sơ, thủ tục thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng.

Sau đó, các bị cáo thực hiện chuỗi hành vi thao túng thị trường đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART. Sau khi giá cổ phiếu tăng, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC chỉ đạo bán cổ phiếu, thu lời bất chính hơn 723 tỷ đồng.

Theo đại diện VKSND, các bị cáo đều là người có trình độ hiểu biết, có sức ảnh hưởng đến việc điều hành tại DN nhưng đã chỉ đạo các cá nhân tại Tập đoàn FLC, Cty Faros nhằm thực hiện hành vi phạm tội, gây tác động xấu đến môi trường đầu tư, phát triển kinh tế, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của DN.

Hành vi của các bị cáo đã tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán. Trong đó, hành vi của bị cáo Quyết bị đại diện VKSND đánh giá là rất tinh vi, sử dụng Cty Faros làm công cụ, sử dụng sàn HOSE làm phương tiện để chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.

Đại diện VKSND cho rằng, bị cáo Quyết đã khắc phục hơn 200 tỷ đồng, các bị cáo khác khắc phục hơn 6 tỷ đồng. Số tiền khắc phục này chưa đáng kể so với hành vi phạm tội mà các bị cáo đã gây ra.

Về trách nhiệm dân sự, VKSND đề nghị các bị cáo tiếp tục khắc phục hậu quả. Với các bị cáo bị truy tố và đưa ra xét xử về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, theo VKSND, những bị cáo này đều phải chịu tình tiết tăng nặng vì đã có hành vi thao túng từ 2 mã cổ phiếu trở lên.

VKSND: có 25.853 bị hại sử dụng 30.403 tài khoản để mua cổ phiếu
Xét xử cựu Chủ tịch tập đoàn FLC: ông Trịnh Văn Quyết gửi lời xin lỗi đến các bị hại
Bảo Lâm
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động