Thứ sáu 26/04/2024 05:17

Sẽ nâng thời hạn thị thực điện tử cho du khách quốc tế từ 30 ngày lên 3 tháng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Liên quan đến sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Điều 2 dự thảo Luật), Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhất trí với quy định thị thực điện tử (ký hiệu EV) có giá trị nhiều lần thay vì chỉ có giá trị một lần như trước đây; nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng.
Sẽ nâng thời hạn thị thực điện tử cho du khách quốc tế từ 30 ngày lên 3 tháng
Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với quy định thị thực điện tử (ký hiệu EV) có giá trị nhiều lần thay vì chỉ có giá trị một lần như trước đây; nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng. Ảnh: Khánh Huy

Ngày 27/5, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, qua rà soát các quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chưa đáp ứng được các chủ trương, chính sách của Đảng nên cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách này…

Các quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) chưa đáp ứng được các yêu cầu chính trị, pháp lý và thực tiễn. Do đó, việc xây dựng dự án Luật nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội và tiến trình cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số của Chính phủ…

Vì thế, việc xây dựng Luật nhằm góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; góp phần phát triển kinh tế - xã hội; vừa bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu thị trường, đầu tư.

Dự thảo Luật có 3 điều. Theo đó, Điều 1 sửa đổi 13 điều, khoản của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019; tập trung vào 2 nhóm nội dung; Điều 2 sửa đổi 7 điều, khoản của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), tập trung vào 2 nhóm nội dung; Điều 3 quy định về hiệu lực thi hành.

Sẽ nâng thời hạn thị thực điện tử cho du khách quốc tế từ 30 ngày lên 3 tháng
Chính phủ đề xuất nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác của Luật. Ảnh: Khánh Huy

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nêu rõ sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật với những căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn như trong Tờ trình của Chính phủ. Chính phủ đã khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các tài liệu có trong hồ sơ cơ bản đầy đủ, nhiều tài liệu được chuẩn bị công phu, chi tiết, có chất lượng; đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5. Việc xây dựng dự án Luật đã bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng; các quy định của dự thảo Luật phù hợp quy định của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm tính khả thi, đáp ứng các yêu cầu cấp bách của thực tiễn.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung khoản 2 và bổ sung khoản 9 Điều 15 về cấp hộ chiếu phổ thông trong nước; sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 18 về đối tượng, trình tự, thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn; sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 27 và khoản 2 Điều 28 về các trường hợp thu hồi, hủy giá trị sử dụng của hộ chiếu, việc hủy giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông; sửa đổi, bổ sung khoản 10 Điều 45 và khoản 7 Điều 46 về trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao. Liên quan đến sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Điều 2 dự thảo Luật), Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với quy định thị thực điện tử (ký hiệu EV) có giá trị nhiều lần thay vì chỉ có giá trị một lần như trước đây; nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng. Cùng với đó, Chính phủ đề xuất nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác của Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ, các quy định mới sẽ mang lại sự ưu ái đặc biệt cho khách nước ngoài và thuận lợi trong việc thực hiện trình tự, thủ tục của cơ quan quản lý, tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, làm ăn tại Việt Nam, góp phần phục hồi, phát triển ngành du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung.

Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung Điều 19a về các nước có công dân được cấp thị thực điện tử và các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử; Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 31 về chứng nhận tạm trú; sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 31 về chứng nhận tạm trú; sửa đổi, bổ sung Điều 33 về khai báo tạm trú và bổ sung Điều 45a.

Các đại biểu cho rằng việc thay đổi chính sách với visa bây giờ mới làm là muộn. Dẫn con số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam 3 tháng đầu năm nay chỉ đạt 3,7 triệu khách, mục tiêu 8 triệu khách quốc tế năm nay là thách thức. Đại biểu Hà Phước Thắng, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách TP HCM, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá việc nâng thời hạn tạm trú (tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực) từ 15 ngày lên 45 ngày mới ở mức trung bình của khu vực, như báo cáo thẩm tra đã chỉ ra. Chúng ta nên đánh giá lại, vì sao đang tạo điều kiện thu hút đầu tư, hợp tác, du lịch nhưng không nâng lên 60 hay 90 ngày mà lại lấy 45 ngày.

Cấp thị thực điện tử cho công dân 80 nước
9 cửa khẩu hàng không cho phép người nước ngoài xuất nhập cảnh bằng thị thực điện tử
Dương Quyên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động