Thứ sáu 26/04/2024 05:54

Sau khi bộ GD&ĐT công bố điểm “sàn”, khối ngành sư phạm, sức khỏe sẽ tuyển sinh ra sao?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bộ GD&ĐT ban hành các quyết định về việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với ngành, nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học (ĐH) và ngành Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng (CĐ) 2020; quyết định mức điểm sàn với khối ngành sức khỏe. Theo đó, điểm sàn của các khối ngành năm nay đều cao hơn năm 2019.  

Tăng ngưỡng đảm bảo chất lượng là hợp lý

Hội đồng tư vấn xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ ĐH và ngành Giáo dục mầm non trình độ CĐ năm 2020 đã họp thảo luận, phân tích dữ liệu, xác định và thống nhất ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Các phương án được lựa chọn đã nhận được sự thống nhất cao của tất cả các thành viên Hội đồng.

Bộ GD&ĐT quyết định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào từ điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh ngành, nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ ĐH và ngành Giáo dục mầm non trình độ CĐ 2020 như sau: Ngành Sư phạm trình độ ĐH là 18,5 điểm. Riêng đối với các ngành Giáo dục thể chất, ngành Huấn luyện thể thao, ngành Sư phạm Âm nhạc và ngành Sư phạm Mỹ thuật thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng chung là 1 điểm. Xét tuyển vào ngành Giáo dục mầm non trình độ CĐ năm 2020 là 16,5 điểm.

Còn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào từ điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh nhóm ngành sức khỏe có chứng chỉ, hành nghề trình độ ĐH năm 2020 như sau: Y học dự phòng, Điều dưỡng, Kỹ thuật dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng… là 19 điểm; Y học cổ truyền, Dược là 21 điểm; Y khoa, Răng hàm mặt là 22 điểm.

Theo đánh giá của các chuyên gia, mức điểm này giúp các trường có nguồn đầu vào chất lượng và cũng không làm khó cho những ngành tuyển dụng ít thí sinh dôi dư. Đây mới chỉ là mức sàn, tùy điều kiện tiêu chuẩn của từng trường, từng ngành mà mức chuẩn đầu vào cho từng ngành sẽ điều chỉnh tăng lên hay giữ nguyên. Thực tế là nhóm trường top điểm cao luôn có mức chuẩn cao hơn rất nhiều so với ngưỡng điểm sàn.

GS.TS Tạ Thành Văn- Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội cho rằng, việc tăng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của khối ngành sức khỏe so với năm ngoái là hợp lý, đảm bảo mặt bằng chung tuyển sinh giữa các trường ĐH nhóm công lập và nhóm ngoài công lập. Thực tế là ngưỡng điểm đầu vào đối với hai ngành đào tạo đặc thù này rất quan trọng để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển, tránh tình trạng đầu vào quá thấp đã từng xảy ra từ nhiều năm trước.

sau khi bo gddt cong bo diem san khoi nganh su pham suc khoe se tuyen sinh ra sao
Việc tăng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của khối ngành sức khỏe, sư phạm so với năm ngoái là hợp lý, đảm bảo mặt bằng chung tuyển sinh giữa các trường. Ảnh: Khánh Huy

Các trường dự kiến tuyển sinh ra sao?

Năm nay phổ điểm khối B kỳ thi THPT có 852 thí sinh đạt 28 điểm trở lên và phần lớn các thí sinh điểm cao khối B thường nộp nguyện vọng vào các trường Y. Chỉ tiêu y khoa của trường ĐH Y Hà Nội dành cho các thí sinh xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT khoảng 430. Vì vậy, dự đoán để đỗ vào trường ĐH Y Hà Nội, điểm chuẩn phải ở mức 28 điểm trở lên.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Y dược TPHCM cho biết, Hội đồng tuyển sinh nhà trường đang lên kế hoạch họp bàn để đưa ra mức điểm sàn riêng cho trường mình. Dự kiến điểm sàn của trường sẽ bằng hoặc cao hơn điểm sàn của Bộ GD&ĐT tùy ngành.

Tương tự, một cơ sở đào tạo y dược công lập có tiếng khác là trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng dự kiến điểm sàn của trường bằng hoặc cao hơn điểm sàn của Bộ GD&ĐT.

Năm 2020, toàn hệ thống có 102 cơ sở tham gia đào tạo các ngành đào tạo giáo viên trình độ ĐH, CĐ giáo dục mầm non với tổng chỉ tiêu đề xuất là 84.475. Căn cứ vào nhu cầu địa phương và trên cơ sở các nguyên tắc, tiêu chí, Bộ GD&ĐT xác định phân bổ 69.630 chỉ tiêu, tương đương với 64% nhu cầu sử dụng của địa phương. Trong đó, điểm chuẩn dự kiến của ĐH Sư phạm Hà Nội vẫn thuộc top cao. Thực tế là với những trường đã có truyền thống lấy điểm chuẩn cao thì việc tuyển sinh sau khi Bộ công bố ngưỡng đảm bảo đầu vào không có nhiều thay đổi. Tuy nhiên với các trường địa phương phải có sự cân đối để đảm bảo điểm đầu vào không được thấp hơn mức sàn mà Bộ đưa ra.

Ý kiến từ những người làm đào tạo tại các trường ĐH cho rằng: Thí sinh không nên dựa quá nhiều vào điểm sàn mà phải dựa trên điểm chuẩn năm 2019 và năm 2017 để xem xét trước khi quyết định giữ hay đổi nguyện vọng, vì điểm thi năm nay có phổ điểm tương tự 2017. Còn việc xem xét điểm chuẩn của 2019 là để xem xu hướng ngành học, tính cạnh tranh cao không để cân nhắc. Bởi điểm chuẩn là dựa vào điểm thi, chỉ tiêu xét tuyển và số lượng đăng ký quyết định. Thêm vào đó, đặc thù năm nay nhiều phương thức xét tuyển nên tỷ lệ trúng tuyển ảo khá lớn và thực sự rất khó lường. Thí sinh không nên chủ quan dù điểm thi cao. Vẫn có thể xảy ra hiện tượng điểm cao mà không đỗ ĐH.

Phan Thủy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động