Thứ bảy 05/10/2024 23:25

Sau bão số 3, nhiều trường hợp nhập viện do ngộ độc khí CO từ máy phát điện

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sáng 9/9/2024, sau cơn bão số 3, Bệnh viện Bãi Cháy đã tiếp nhận 6 trường hợp ngộ độc khí CO (carbon monoxide) do sử dụng máy phát điện. Trong số này, có 2 ca nguy kịch phải nhập viện trong tình trạng hôn mê và suy hô hấp.
Sau bão số 3, nhiều trường hợp nhập viện do ngộ độc khí CO từ máy phát điện
Một bệnh nhân phải thở máy do ngộ độc khí CO. Ảnh: BVCC

Ba bệnh nhân trong một gia đình ở phường Giếng Đáy, TP Hạ Long, từ 12 đến 27 tuổi, bị ngộ độc sau khi ngủ qua đêm trong phòng kín có máy phát điện. Một bệnh nhân nữ 24 tuổi và một bé trai 12 tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, suy hô hấp và toan chuyển hóa nặng. Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu tích cực, đặt ống nội khí quản và cho thở máy. Bệnh nhân 27 tuổi may mắn chỉ bị ngộ độc nhẹ. Cả ba bệnh nhân này đã được chuyển đến Bệnh viện Y học biển Việt Nam tại Hải Phòng để tiếp tục điều trị.

Ba trường hợp còn lại là trẻ em trong một gia đình ở phường Hà Khẩu, TP Hạ Long. Các em nhập viện với các triệu chứng choáng váng, đau đầu, khó thở và chóng mặt. Hiện tại, sức khỏe của các em đã ổn định và đang được theo dõi tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy.

BSCKI Lê Thị Mai - Khoa Thần kinh - Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng của Bệnh viện Bãi Cháy cảnh báo về mối nguy hiểm của khí CO. Bác sĩ Mai giải thích, CO là khí không màu, không mùi và không gây kích ứng đường hô hấp, khiến việc phát hiện sự hiện diện của nó trong không khí rất khó khăn. Khi hít phải, CO nhanh chóng xâm nhập vào máu và làm giảm lượng oxy, dẫn đến các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và đau ngực. Trong trường hợp nghiêm trọng, nó có thể gây tổn thương não, hôn mê sâu, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Sau cơn bão số 3 gây mất điện diện rộng, nhiều gia đình đã sử dụng máy phát điện để duy trì sinh hoạt. Trước tình hình này, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy khuyến cáo người dân nên đặt máy phát điện ở nơi có không khí lưu thông tốt, tránh để trong phòng kín hoặc gần khu vực sinh hoạt. Khi phát hiện các dấu hiệu ngộ độc khí CO như buồn nôn, nhức đầu, yếu người, khó thở, người dân cần nhanh chóng mở cửa để không khí lưu thông, đưa nạn nhân ra khỏi khu vực nguy hiểm và nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Bộ Y tế: chủ động khắc phục hậu quả bão số 3, đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế
Ăn tiết canh để "lấy may", nam thanh niên nguy kịch vì liên cầu lợn
Minh Nhật
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động