Thứ hai 25/11/2024 05:02

Sắp thanh tra việc mua sắm, đấu thầu thuốc chữa bệnh

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thanh tra chuyên đề công tác quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật trong hoạt động mua sắm, đấu thầu thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế là một trong 4 nội dung thanh tra chuyên đề được Thanh tra Chính phủ cho biết tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018.

Kiến nghị xử lý kỷ luật 2.093 tập thể và cá nhân

Báo cáo kết quả công tác năm 2017, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh cho biết, năm 2017, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 7.539 cuộc thanh tra hành chính và 237.284 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua đó, phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 67,7 nghìn tỷ đồng, hơn 17,5 nghìn ha đất, đã kiến nghị thu hồi hơn 43,3 nghìn tỷ đồng.

Qua thanh tra đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 2.093 tập thể và cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 114 vụ việc, 192 đối tượng; chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong việc ban hành chính sách, pháp luật.

Đồng thời, tổ chức tiếp 415.383 lượt công dân; tiếp nhận, xử lý 306.519 đơn thư; tham mưu giải quyết 25.519/30.324 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; phát hiện được 72 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Cũng theo Thanh tra Chính phủ, năm qua, việc thực hiện công khai, minh bạch ngày càng cụ thể, đã phát hiện và xử lý 5 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập; xử lý 20 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, trong đó 2 người đã bị xử lý hình sự; 14 người bị xử lý kỷ luật hành chính bằng các hình thức như cảnh cáo, khiển trách, các trường hợp còn lại đang trong quá trình xử lý. Năm qua, có 29 người nộp lại quà tặng với giá trị quà tặng là 528 triệu đồng…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá, năm 2017, hoạt động của toàn ngành Thanh tra đã có chuyển biến tích cực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Qua thanh tra, ngành Thanh tra đã phát hiện, xử lý vi phạm gần 70 nghìn tỷ đồng, trên 17 nghìn ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính trên 2 nghìn tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 114 vụ việc.

“Kết quả thanh tra đã đáp ứng được yêu cầu phòng ngừa vi phạm pháp luật, từ đó, góp phần chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở, bất cập trong quản lý Nhà nước và ban hành chính sách pháp luật”, Phó Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng, ngành Thanh tra phải tập trung phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ việc tham nhũng với tinh thần xử lý nghiêm minh, không thể khoan nhượng, nhất là các vụ việc tham nhũng nghiêm trọng để thực hiện mục tiêu đẩy lùi tham nhũng.

Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn cho rằng, việc ban hành kết luận một số cuộc thanh tra còn chậm, việc quản lý các đoàn thanh tra chưa chặt chẽ. Chất lượng một số cuộc thanh tra còn hạn chế, việc xử lý vi phạm còn chưa kịp thời, nghiêm chỉnh, nhất là xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo còn thấp hơn so với mục tiêu đề ra (dưới 85%).

Đồng thời, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao, kết quả phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra còn hạn chế.

Đáng quan tâm, việc phát hiện, xử lý tham nhũng ở cấp tỉnh, đặc biệt là các tỉnh có nhiều dự án đầu tư công lớn, diễn ra nhiều hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản… chưa có sự chuyển biến rõ rệt. “Thanh tra phát hiện ra các vụ việc tiêu cực, tham nhũng chủ yếu tập trung ở các đoàn thanh tra ở cấp Trung ương, còn địa phương chuyển biến rất chậm”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.

sap thanh tra viec mua sam dau thau thuoc chua benh
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai công tác ngành Thanh tra. ảnh: p.thảo

Tăng thanh tra chuyên đề, giảm thanh tra vụ việc

Năm 2018, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ phải nỗ lực triển khai công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án luật được giao chủ trì soạn thảo, kịp thời kiến nghị sửa đổi các văn bản để khắc phục sơ hở bất cập trong công tác quản lý. Đồng thời, tăng cường công kiểm tra nội bộ, xử lý nghiêm công chức có vi phạm, thực hiện nghiêm công tác phòng, chống tham nhũng trong ngành.

Theo Phó Thủ tướng, ngành Thanh tra cần triển khai thực hiện tốt kế hoạch thanh tra, gắn với thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm để phát hiện, chấn chỉnh những yếu kém trong quản lý, trong thực thi pháp luật. Đồng thời, đổi mới công tác thanh tra theo hướng tăng cường thanh tra chuyên đề, giảm thanh tra vụ việc, tập trung vào việc phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm.

Một trong các nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 được đưa ra là Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành 4 cuộc thanh tra chuyên đề, tập trung vào những lĩnh vực sau: Công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; quản lý, sử dụng đất tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế; Công tác quản lý và khai thác tài nguyên, khoáng sản (tập trung việc khai thác mỏ đá làm nguyên vật liệu cho công nghiệp sản xuất xi măng; khai thác cát, sỏi tại các dòng sông để làm vật liệu xây dựng); Về thuế để chống thất thu thuế, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về thuế, tập trung thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp; Về công tác quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật trong hoạt động mua sắm, đấu thầu thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế.

Tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng cho biết, năm 2017 số lượng công dân của TP Hà Nội đến Ban Tiếp công dân Trung ương để khiếu kiện giảm 43,9% số lượt và 51,2% số người so với năm 2016. TP Hà Nội đã thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền 2.632 vụ khiếu nại (đạt tỷ lệ 98%); 1.046 vụ tố cáo (đạt tỷ lệ 98%). Qua giải quyết đã kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm 73 tập thể và 61 cá nhân đã để xảy ra sai phạm, chuyển cơ quan điều tra 4 vụ.

Tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng cho biết, năm 2017 số lượng công dân của TP Hà Nội đến Ban Tiếp công dân Trung ương để khiếu kiện giảm 43,9% số lượt và 51,2% số người so với năm 2016. TP Hà Nội đã thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền 2.632 vụ khiếu nại (đạt tỷ lệ 98%); 1.046 vụ tố cáo (đạt tỷ lệ 98%). Qua giải quyết đã kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm 73 tập thể và 61 cá nhân đã để xảy ra sai phạm, chuyển cơ quan điều tra 4 vụ.
Phương Thảo
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động