Sàn giao dịch và môi giới bất động sản gặp khó
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTừ sàn giao dịch tê liệt
Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết: Từ cuối tháng 4-2021 đại dịch Covid bùng phát lần thứ 4, kéo dài và diễn biến biến phức tạp hơn những lần trước. Các sàn giao dịch bất động sản chưa kịp phục hồi hoàn toàn từ những lần bùng phát dịch trước, do đó chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề hơn.
Tính đến thời điểm này, hầu như chỉ có các sàn giao dịch bất động sản thuộc những DN quy mô lớn, có tiềm lực tài chính và trực tiếp làm chủ đầu tư dự án như: Cty CP dịch vụ địa ốc Đất Xanh Miền Bắc, Cty CP Đầu tư và kinh doanh bất động sản Hải Phát Land, Tập đoàn Cengroup… mới tiếp tục duy trì hoạt động. Tuy nhiên hầu hết các sàn giao dịch đều hoạt động theo phương thức kinh doanh như bán hàng trực tuyến, áp dụng công nghệ 4.0 vào việc quản lý thông tin, quản lý giao dịch, thanh toán, quảng cáo. Còn lại khoảng 80% các sàn giao dịch bất động sản chỉ làm trung gian môi giới thì hầu như phải tạm dừng hoạt động.
Bất động sản đang ở giai đoạn khó khăn nhất trong 10 năm qua |
Theo khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, có tới 28% sàn giao dịch có nguy cơ giải thể, phá sản; 32% đơn vị đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, rất cần sự hỗ trợ của chính sách vĩ mô, cộng đồng và 40% DN cò̀n khả năng chống đỡ, nhưng không cao. Nếu phải duy trì thêm một, hai tháng nữa để chống dịch thì tỷ lệ có nguy cơ phá sản sẽ tiếp tục tăng cao. Hiện nay, hơn 80% sàn giao dịch không có doanh thu hoặc doanh thu rất thấp. Quỹ lương cạn kiệt khiến nhiều đơn vị phải cắt giảm nhân sự.
Các sàn giao dịch phản ánh, mặc dù dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến hoạt động khiến doanh thu sụt giảm, thậm chí không có nguồn thu, nhưng có tới hơn 70% sàn giao dịch không được giảm chi phí thuê mặt bằng. Ngay cả các sàn giao dịch phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động để chống dịch cũng không được giảm..
Đại diện Cty CP bất động sản Đại Phúc Land cho biết, dịch bệnh kéo dài khiến DN bất động sản phải đối mặt với nhiều khó khăn như: Kế hoạch kinh doanh bị phá vỡ, nhiều đơn vị chỉ đặt mục tiêu đạt được 50% kế hoạch đặt ra, doanh thu bán hàng sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, chi phí đầu vào tăng dẫn đến hiệu quả hoạt động sẽ bị giảm sâu. Hơn nữa, khi dịch bệnh bùng phát thì kế hoạch triển khai thi công xây dựng công trình đều bị ảnh hưởng, tiến độ chậm đi. Trong khi đó, giá cả nguyên vật liệu tăng, làm chi phí đầu vào cho các công trình tăng. Chưa kể, dịch bệnh cũng gây biến động về nguồn lao động phục vụ công trường, khó tìm kiếm công nhân.
Đến môi giới rơi vào tình cảnh khó
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, thị trường bất động sản đang vô cùng khó khăn. Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng về giãn cách xã hội, không tập trung đông người khiến các sự kiện mở bán, giới thiệu sản phẩm không tổ chức được. Do đó, nhiều sàn giao dịch rơi vào tình cảnh không có hàng để bán, thậm chí phá sản vì không chống đỡ nổi.
Anh Hòa, nhân viên môi giới cho một sàn giao dịch bất động sản tại quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội cho biết: Từ giữa năm 2020 anh từng hy vọng năm 2021 sẽ ký được nhiều hợp đồng với khách hàng. Cho đến đầu năm 2021, công việc vẫn diễn ra suôn sẻ khi Cty có thêm nhiều dự án. Vậy mà, lần dịch thứ 4 bùng phát kéo dài, đã làm anh phải nghỉ công việc mà mình đã gắn bó nhiều năm để chuyển hướng làm các việc khác để trang trải cuộc sống. Anh chia sẻ thêm, trong Cty không chỉ mình anh mà còn nhiều người khác rơi vào tình cảnh khó khăn, muốn giữ công việc mà mình đã gắn bó trong nhiều năm nhưng lại không có thu nhập.
Đại diện Cty cổ phần Bất động sản BHS cho rằng, dịch Covid-19 diễn biến nặng nề như hiện nay thì chưa thể khẳng định được thời điểm hết giãn cách xã hội và các ca nhiễm trong cộng đồng. Mặc dù gần đây khách hàng bắt đầu quen với việc tư vấn hay tiến tới ký kết hợp đồng online nhưng các sàn giao dịch hay những người nghề môi giới vẫn cần tìm cách xoay chuyển khó khăn để trụ vững trong giai đoạn này và tiếp tục phát triển.
Các chuyên gia nhận định, biện pháp giãn cách xã hội hiện đang ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các dự án bất động sản. Trong bối cảnh này, bản thân các chủ đầu tư cũng không vội mở bán dự án mới. Do đó, dự báo nguồn cung mới ở tất cả các phân khúc bất động sản thời gian tới tiếp tục giảm mạnh. Yếu tố này sẽ khiến không ít sàn giao dịch phải đóng cửa và môi giới cũng thất nghiệp theo. Tuy nhiên, khi thị trường chững lại thì cũng sẽ loại bỏ được làn sóng nhà nhà làm bất động sản theo phong trào. Đây chính là mặt tốt giúp cân bằng lại hệ sinh thái lao động việc làm của xã hội. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại