Quốc hội và câu chuyện siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tiết kiệm, chống lãng phí
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNgoài việc chống lãng phí, Nghị quyết của Quốc hội còn đề cập đến việc sử dụng các nguồn lực của đất nước để phát triển nhanh và bền vững. Ảnh: Quốc Huy |
Một Nghị quyết thiết thực
Chiều 15/11/2022, ghi dấu ấn với 97,79 % đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nghị quyết nêu rõ, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tích cực; song hành với kết quả to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước.
Mức độ hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế được nâng lên, đến năm 2020 có khoảng 13.000 tiêu chuẩn Việt Nam, tỷ lệ hài hòa khoảng 60%. Tổng số tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn Nhà nước giai đoạn 2016 - 2021 là 350,54 nghìn tỷ đồng. Bội chi ngân sách Nhà nước (NSNN) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 3,37% GDP. Nợ công giảm mạnh từ 63,7% GDP năm 2016 xuống còn 55,9% GDP cuối năm 2020 và được cơ cấu lại bền vững, an toàn.
Tháng 4/2022, trong một báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, năm 2021, tổng thể công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là thông suốt, nhịp nhàng và đạt được kết quả cơ bản. Thu ngân sách Nhà nước đạt trên 1,563 triệu tỷ đồng, vượt 16,4% dự toán. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 2,58%; kinh tế vĩ mô ổn định, một số địa phương có kết quả cao trong tiết kiệm kinh phí, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, kiểm soát và hạn chế được tác động của dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội,…
Thẳng thắn nhìn vào những hạn chế
Cũng trong tháng 4/2022, tại chương trình phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ Tài chính chính Hồ Đức Phớc cũng thẳng thắn nêu rõ những tồn tại, hạn chế thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng lĩnh vực.
Rõ nhất là việc ban hành văn bản quy định chi tiết có hiệu lực đồng thời với văn bản quan phạm pháp luật chưa được thực hiện triệt để, còn 3/77 văn bản chậm ban hành; một số văn bản của bộ, ngành, địa phương khi ban hành còn chưa đúng về nội dung, thẩm quyền; việc tổ chức, triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ở một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa đầy đủ các nội dung theo quy định.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, năm 2022 Quốc hội đang thực hiện chuyên đề giám sát tối cao về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần nêu đích danh địa phương, bộ ngành nào còn tồ̀n tại, hạn chế trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Sự thẳng thắn nhìn vào những bất cập, hạn chế cũng được nêu rõ trong Nghị quyết của Quốc hội vào chiều 15/11/2022: “Việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 5 năm và hàng năm của các cấp, các ngành còn chậm, nặng về hình thức, thiếu trọng tâm, trọng điểm; tổ chức triển khai, sơ kết, tổng kết, đánh giá, nhân rộng mô hình tiên tiến còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, một số văn bản quy phạm pháp luật và quy chuẩn, tiêu chuẩn, đơn giá, định mức kinh tế - kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, chưa đầy đủ, chậm được rà soát, điều chỉnh, bổ sung, thiếu chặt chẽ, có trường hợp còn sơ hở, dẫn đến lãng phí, thất thoát.
Bên cạnh đó, hàng nghìn dự án chậm tiến độ, điều chỉnh nhiều lần, có thất thoát, lãng phí và đầu tư không hiệu quả. Nhiều dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước tại các DN còn thua lỗ, thất thoát, lãng phí…”.
Theo đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021. Đoàn giám sát của Quốc hội đã bắt tay vào làm việc với các bộ, ngành có liên quan. Từ đó giúp các bộ, ngành rà soát toàn bộ lại các tiêu chuẩn, định mức có liên quan thuộc lĩnh vực quản lý của mình.
Báo cáo của Đoàn giám sát cho thấy sự chuyển biến tích cực khi các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực thực hiện chủ trương tiết kiệm kinh phí NSNN, cắt giảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết. Số tiền tiết kiệm dự toán chi thường xuyên của cả nước giai đoạn 2016 - 2021 theo chỉ đạo điều hành của Chính phủ là 64.107,4 tỷ đồng. Tổng số kinh phí tiết kiệm trong tổ chức hội nghị, hội thảo là 709,2 tỷ đồng; tiết kiệm chi tiếp khách, khánh tiết, lễ hội, kỷ niệm là 717,5 tỷ đồng; tiết kiệm trong mua sắm, sửa chữa phương tiện đi lại là 7.470,6 tỷ đồng.
Vậy Nghị quyết đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vừa được thông qua có gì mới? Ngoài việc nêu ra những hạn chế, Quốc hội đã đưa ra một số giải pháp, trong đó có việc tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước để phát triển nhanh và bền vững. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xử lý nghiêm minh, kịp thời trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Quốc hội quyết định, từ năm 2023, phát động trong toàn quốc Cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Trong giai đoạn 2016 - 2021, công tác cải cách hành chính Nhà nước được coi trọng, kết quả đơn giản hóa thủ tục hành chính đã tiết kiệm được khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm, cổng dịch vụ công trực tuyến tiết kiệm khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trục liên thông văn bản quốc gia giúp tiết kiệm khoảng 1.200 tỷ đồng/năm, góp phần từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động hành chính từ trung ương đến địa phương. So với các lĩnh vực khác, có thể đánh giá đây là một thành tựu và kết quả nổi bật nhất giai đoạn 2016 - 2021. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại