Thứ ba 07/05/2024 16:19

Quốc hội đồng ý thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chiều 27-11, với 392/447 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 81,16%) Quốc hội đã thông qua Dự thảo Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.

Chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận, thị xã tại TP Hà Nội là UBND phường

Điều 1 Nghị quyết nêu rõ: Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội như sau: Chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội, huyện, quận, thị xã, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;

Chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận, thị xã tại thành phố Hà Nội là Ủy ban nhân dân phường. Ủy ban nhân dân phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã.

Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội được thực hiện từ ngày 1- 7 - 2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm.

Kết quả biểu quyết về quy định tại Điều 1 Dự thảo Nghị quyết có 410/453 đại biểu tấn thành (chiếm tỷ lệ 84,89%).

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết:Theo Chường trình kỳ họp, trong các ngày 29-10-2019 và 14-11-2019, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026 do Chính phủ trình.

Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết ban hành và nhiều nội dung của dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, đóng góp thêm các ý kiến cụ thể nhằm hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, để phù hợp với nội dung, tính chất của việc thí điểm, đề nghị xác định lại tên gọi và nội dung của dự thảo Nghị quyết là “Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”.

quoc hoi dong y thi diem to chuc mo hinh chinh quyen do thi tai ha noi
Với 392/447 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 81,16%) Quốc hội đã thông qua Dự thảo Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy ý kiến của các vị đại biểu là hoàn toàn xác đáng, tên gọi của dự thảo Nghị quyết là thí điểm không tổ chức HĐND phường chưa thể hiện đầy đủ bản chất của việc thí điểm là tổ chức lại mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Nội dung thí điểm không chỉ tổ chức lại chính quyền địa phương ở phường mà còn liên quan đến việc điều chỉnh địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND phường; nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND quận, thị xã và nhiều vấn đề khác thuộc thẩm quyền của chính quyền thành phố. Tên gọi này cũng dễ dẫn đến cách hiểu không đúng khi cho rằng việc thí điểm chỉ nhắm đến việc "bỏ HĐND phường".

Do đó, để phù hợp với nội dung, tính chất của việc thí điểm này, tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý lại tên gọi của Nghị quyết là “Nghị quyếtthí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”; đồng thời, quy định mô hình thực hiện thí điểm tại Điều 1 của dự thảo Nghị quyết rành mạch hơn. Để bảo đảm thận trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về nội dung này. Kết quả cho thấy, có 395/483 (bằng 77,61%) đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến (chiếm 63,15% tổng số đại biểu Quốc hội)tán thành với nội dung thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội như thể hiện trong dự thảo Nghị quyết.

Thực hiện thí điểm tại 177 phường của thành phố Hà Nội

Về phạm vi thí điểm, có ý kiến đại biểu đề nghị chọn khoảng một nửa hoặc 1/3 tổng số phường thuộc thành phố Hà Nội để thực hiện thí điểm, nếu thí điểm đạt kết quả tốt thì thực hiện ở tất cả các phường khác.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất về tổ chức chính quyền địa phương và tạo thuận lợi trong việc ban hành, triển khai thực hiện các quy định, chính sách trên toàn địa bàn thành phố, cần thiết phải thực hiện thí điểm tại tất cả các phường của thành phố Hà Nội. Mặt khác, việc thực hiện thí điểm bắt đầu từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 nên không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của HĐND phường nhiệm kỳ 2016-2021. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất giữ phạm vi thí điểm tại tất cả 177 phường của thành phố Hà Nội.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị làm rõ trong thời gian tới, Hà Nội dự kiến thành lập thêm một số quận, phường thì có thực hiện thí điểm tại các quận, phường mới không. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, do mô hình thí điểm có thay đổi lớn về tổ chức chính quyền địa phương ở các phường, nên nếu mở rộng phạm vi các đơn vị được thực hiện thí điểm trong thời gian giữa nhiệm kỳ của HĐND dễ dẫn đến những xáo trộn, vướng mắc trong việc bố trí, sắp xếp cán bộ dôi dư và khó khăn trong quá trình thực hiện. Do đó, đề nghị quy định nội dung này theo hướng không mở rộng phạm vi các đơn vị thực hiện thí điểm tại thành phố Hà Nội trong suốt quá trình thực hiện Nghị quyết (như thể hiện tại khoản 2 Điều 9 của dự thảo Nghị quyết).

UBND phường không có thẩm quyền ban hành VBQPPL

Về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND phường, Chủ tịch UBND phường, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, Chủ tịch UBND phường trong dự thảo Nghị quyết mà không viện dẫn đến Luật Tổ chức chính quyền địa phương vì vị trí, tính chất của UBND phường nơi thực hiện thí điểm khác với nơi không thực hiện thí điểm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, Chủ tịch UBND phường hiện nay được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau, nếu quy định cụ thể trong Nghị quyết này thì không thể liệt kê hết được mà có thể bỏ sót nhiệm vụ, quyền hạn.

Do đó, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho rà soát các nhiệm vụ, quyền hạn của UBND và Chủ tịch UBND phường. Trên cơ sở đó quy định một số nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể đặc thù của UBND phường trong dự thảo Nghị quyết như về lĩnh vực ngân sách, đầu tư công, về việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh,… Đồng thời, khẳng định UBND phường không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đối với các nhiệm vụ, quyền hạn khác mà pháp luật hiện hành giao cho UBND, Chủ tịch UBND phường thì vẫn thực hiện theo các quy định tương ứng của pháp luật.

Điều 1. Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội
1. Tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội như sau:
a) Chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội, huyện, quận, thị xã, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;
b) Chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận, thị xã tại thành phố Hà Nội là Ủy ban nhân dân phường.
Ủy ban nhân dân phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã.
2. Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội được thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm.
Thanh Hải
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động