Phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTọa đàm kinh tế vĩ mô 2023 “Phục hồi tổng cầu - thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới”. |
Tín dụng nền kinh tế chỉ tăng 3,13%
Vừa qua, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Trường ĐH Kinh tế Quốc dân và Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức tọa đàm kinh tế vĩ mô giữa năm 2023 với chủ đề “Phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới”. Tọa đàm nằm trong chuỗi các cuộc họp tham vấn ý kiến được tổ chức nhằm nắm bắt các ý kiến đánh gia đa chiều, làm căn cứ để Ban Kinh tế Trung ương tổng hợp, xây dựng Báo cáo Kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm trình Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban bí thư.
Đưa ra nhiều con số minh chứng cho sự sụt giảm của tổng cầu vẫn đang diễn ra, ông Nguyễn Thành Hiếu, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân dẫn chứng GDP 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 3,72%, đây là mức tăng thấp so với GDP cùng kỳ trong giai đoạn 10 năm qua (chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% cùng kỳ của năm 2020 – do ảnh hưởng mạnh của Covid-19 thời điểm đó). Vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt khoảng 232,2 nghìn tỷ đồng, chỉ tương đương 33% so với kế hoạch năm. Vốn thực hiện từ khu vực ngoài Nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 2% so với cùng kỳ, so với mức tăng trong năm 2022 là 9,5%.
Vốn FDI đăng ký vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ. Tuy nền kinh tế có xuất siêu song kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh so với cùng kỳ, lần lượt giảm 12,1% và 18,2% do nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, ASEAN, EU và một số quốc gia Đông Á đều giảm.
Lượng xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh nhất với mức 22,6%, lượng nhập khẩu từ Hàn Quốc chứng kiến mức giảm 25,6% - lớn nhất trong các thị trường chính. Điều này cũng khiến cho sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Việt Nam giảm mạnh so với cùng kỳ.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, tín dụng nền kinh tế chỉ tăng 3,13%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng 8,51%. Mặt khác, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế cho giai đoạn 2 năm 2022-2023, mặc dù đã qua 1 năm rưỡi, nhưng số tiền đã giải ngân còn rất thấp, chưa tạo được sự hỗ trợ kịp thời cho các khó khăn mà các DN gặp phải.
Như vậy, mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 đang trở nên rất khó khăn trong bối cảnh những tác động từ thế giới còn khó lường và khu vực sản xuất trong nước còn chưa hoàn toàn hồi phục sau đại dịch. Điều này đòi hỏi Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp, kịp thời để phục hồi tổng cầu, phát triển kinh tế trong bối cảnh mới.
Nhận diện lại cấu trúc nền kinh tế
TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, bàn về tổng cầu chúng ta mới chỉ mô tả thực trạng là chính còn giải pháp chưa rõ ràng, mà chỉ mang tính định hướng. Trong bối cảnh hiện nay theo TS Thiên, chúng ta cần nhận diện lại cấu trúc của nền kinh tế, cơ cấu kinh tế thực, quan hệ nội lực và ngoại lực. Đặc biệt nhận diện nghiêm túc vấn đề thể chế, không thể cơi nới chính sách, cần có giải pháp khác thường, thực thi được, đi sâu vào cấu trúc thể chế.
TS Thiên nói: “Cùng với sự cộng hưởng cái khó từ bên ngoài và do nền kinh tế mở trong khi “sức khoẻ yếu, gió to, nhất là gió độc”, điều này càng cho phép nhận diện đúng hơn cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam khi nền kinh tế dựa vào lao động rẻ”.
Đây thực sự là giai đoạn đặc biệt khó khăn, chúng ta cần nhìn nhận đúng thực trạng của nền kinh tế Việt Nam. TS Thiên nghi ngờ, có phải chúng ta đang đứng ở khâu chuyển dịch cơ cấu theo nghĩa là đối mặt với khủng hoảng cơ cấu và thể chế không? Sau 2 đến 3 năm Covid nền kinh tế kiệt quệ chúng ta không thể xử sự như nền kinh tế bình thường được.
PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP HCM nêu giải pháp, để tăng trưởng mức 8-9% trong 2 quý còn lại của năm, cần có những giải pháp đột phá hỗ trợ nền kinh tế. Trong đó, cần khơi thông những nguồn lực, thúc đẩy đầu tư tư nhân vào những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. “Một là phải đảm bảo ổn định hệ thống ngân hàng, vấn đề nợ xấu.
Thứ hai là lãi suất phải phù hợp với rủi ro của DN vay vốn. Ngoại trừ những trường hợp những lĩnh vực ưu tiên như xuất khẩu hay với DN nhỏ và vừa sử dụng công nghệ cao, còn lại là phải chấp nhận đó là thị trường. Một vấn đề quan trọng hơn là phải ổn định được tỷ giá.
Ông Johnathan Picus, Kinh tế Trưởng Chương trình phát triển Liên hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho rằng, Việt Nam đang dựa nhiều vào chính sách tiền tệ để kích cầu. Việc nới lỏng chuẩn cho vay và hạ thấp lãi suất làm giảm chất lượng tài sản, tạo ra bong bóng tài sản. Việt Nam cần nhiều công cụ chính sách tài khóa hơn, cụ thể như đầu tư công cần tập trung, gắn liền với chính sách công nghiệp và thương mại. Hệ thống an sinh và trợ cấp xã hội cần mở rộng và hiện đại hóa. |
Thúc đẩy sản xuất kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế | |
Tăng trưởng kinh tế có thể tích cực hơn trong quý II | |
Tăng trưởng kinh tế ở mức 6-7% tình trạng thiếu điện sẽ trầm trọng hơn? |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại