Phòng tránh lừa đảo trong thương mại quốc tế
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênDN xuất khẩu cần chủ động nhận diện các thủ đoạn lừa đảo trong xuất khẩu sang các thị trường. Ảnh: Litaco Express |
DN toàn cầu đã phải chịu thiệt hại vì lừa đảo
Theo ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, nền kinh tế thế giới đang chịu tác động của những cuộc đa khủng hoảng toàn cầu cùng những ảnh hưởng từ hậu quả của đại dịch Covid-19, trong đó vấn đề lừa đảo trong thương mại quốc tế tương đối nổi cộm với phương thức đa dạng, thủ đoạn tinh vi.
Theo kết quả ghi nhận trong năm 2022, các DN toàn cầu đã phải chịu thiệt hại khoảng 5% doanh thu mỗi năm vì lừa đảo với giá trị trung bình một vụ lừa đảo là 1,7 triệu USD.
Cách đây chưa lâu, đầu tháng 3/2022, 5 DN Italy ký kết hợp đồng mua 100 container hạt điều, trị giá 20 triệu USD với 6 DN hạt điều Việt Nam, thông qua một công ty môi giới. Theo đó, có 74 container đã được giao sang Italy. Trong số 74 container, có 35 container DN Việt Nam mất quyền kiểm soát bộ chứng từ gốc, mất quyền kiểm soát ở tất cả các cơ quan: ở cảng, hải quan, cảnh sát kinh tế, luật sư, các cơ quan hữu quan.
Mới đây, lô hàng 5 container hồ tiêu, quế, hoa hồi, điều,… xuất khẩu sang Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), tổng trị giá 516.761 USD có dấu hiệu bị lừa đảo xuất khẩu. Đến nay, bốn lô hàng hồ tiêu, quế và điều bị lấy ra khỏi cảng mà chưa thanh toán; còn một lô hàng hoa hồi bị mất bộ chứng từ gốc, được giữ tại cảng Dubai. Cơ quan thương mại Việt Nam tại UAE đang phối hợp các cơ quan nước sở tại để lấy lại quyền lợi cho DN Việt Nam.
Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, một điểm chung trong vụ 76 container hạt điều ở Italy năm ngoái và 5 container hồ tiêu, hạt điều, quế, hồi ở UAE năm nay là việc DN xuất khẩu đều dính lỗi chuyển phát chứng từ, giao bộ chứng từ cho người không có thẩm quyền tại ngân hàng phía người mua, dẫn đến bộ chứng từ bị lọt ra ngoài, trong khi người mua chưa thanh toán cho ngân hàng. Đây là lỗ hổng trong quy trình kinh doanh.
Không thể làm tắt trong giao dịch thương mại quốc tế
Bộ Công Thương đánh giá, giai đoạn trước năm 2020, đối tượng gây ra các vụ lừa đảo đối với DN Việt Nam chủ yếu đến từ châu Phi (Nigeria, Cameroon...). Trong vài năm trở lại đây, tình trạng lừa đảo đã diễn ra phổ biến hơn, ở nhiều thị trường như: Hà Lan, Mỹ, Canada, UAE...
Các thủ đoạn lừa đảo trong giao thương đã trở nên tinh vi hơn, với đa dạng cách thức. Một số thủ đoạn phổ biến, đó là: Các đối tượng lừa đảo thông báo có đơn hàng nhập khẩu trị giá lớn, từ một đến hai triệu USD, hoặc 500-1.000 container hàng hóa. Các đối tượng này thường chấp nhận ngay giá chào hàng, không trả giá. Sau đó đề nghị DN xuất khẩu Việt Nam trả phí môi giới, phí thủ tục xin mã số giấy phép nhập khẩu, phí luật sư,...
Khi nhận được tiền môi giới, đối tượng lừa đảo thay đổi thông tin, lừa đảo DN khác. Hoặc là, thực hiện ký từ 5-10 hợp đồng xuất khẩu hàng hóa cho các DN Việt Nam. Thực hiện giao dịch một đến hai hợp đồng đúng thời hạn, chất lượng tốt, nhằm tạo ra sự tin tưởng cho DN nhập khẩu Việt Nam. Từ hợp đồng thứ ba, đối tượng lừa đảo yêu cầu DN Việt Nam chuyển tiền đặt cọc từ 30-50% trị giá hợp đồng, chiếm đoạt số tiền này, sau đó không giao hàng...
Để tránh những rủi ro, các chuyên gia về xuất-nhập khẩu, luật sư khuyến nghị, các DN cần thận trọng, không thể làm tắt trong giao dịch thương mại quốc tế. Theo đó, DN nên thông qua tổ chức đánh giá tín nhiệm hoặc các tổ chức tư vấn DN, hiệp hội ngành hàng, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài để xác minh năng lực đối tác. DN có thể hạn chế rủi ro thông qua các DN dịch vụ logistics uy tín.
Trước tình hình các hình thức lừa đảo thương mại quốc tế đang gia tăng, Bộ Công Thương đã nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên cập nhật thông tin, cảnh báo cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng, DN về các hình thức lừa đảo, gian lận thương mại phổ biến hoặc mới xuất hiện. Đồng thời, hướng dẫn, tăng cường bồi dưỡng kiến thức thương mại, tài chính quốc tế, đào tạo kỹ năng giao dịch quốc tế cho các địa phương, DN Việt Nam.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại