Thứ năm 18/04/2024 18:15

52% doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát từng bị lừa đảo thương mại quốc tế

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo khảo sát của PwC (1 trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hiện nay), 52% doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát nói rằng họ trải nghiệm lừa đảo thương mại quốc tế hoặc tội phạm kinh tế khác trong 2 năm trước thời điểm khảo sát; cao hơn mức 46% của khu vực châu Á Thái Bình Dương và mức 49% của toàn cầu.
52% doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát từng bị lừa đảo thương mại quốc tế
Các chuyên gia cho rằng, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn, các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với nhiều đối tác hơn, sang nhiều sân chơi rộng hơn, luật chơi khác nhau thì nguy cơ tranh chấp, lừa đảo cũng lớn hơn, phức tạp hơn

Bài học gì từ vụ 76 container hạt điều suýt mất trắng?

Thông tin nêu trên được đưa ra tại hội thảo “Phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế” vừa diễn ra chiều 23/8 khiến không ít người giật mình.

Theo Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các doanh nghiệp toàn cầu thiệt hại khoảng 5% doanh thu mỗi năm vì lừa đảo. Giá trị trung bình một vụ lừa đảo là 1,7 triệu USD. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết họ là nạn nhân của lừa đảo và tội phạm kinh tế trong 2 năm trước thời điểm khảo sát như sau: Năm 2018 là 49%; năm 2020 là 47% và năm 2022 là 46%. Về phân loại lừa đảo, có 43% từ bên ngoài, 31% từ nội bộ, 26% thông đồng giữa trong và ngoài.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban pháp chế VCCI nhận định, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn, các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với nhiều đối tác hơn, sang nhiều sân chơi rộng hơn, luật chơi khác nhau thì nguy cơ tranh chấp, lừa đảo cũng lớn hơn, phức tạp hơn. Các lừa đảo và tranh chấp mà doanh nghiệp thường phải đối mặt là do không có điều kiện kiểm tra kỹ lưỡng về đối tác, lựa chọn phương thức thanh toán chưa phù hợp, có thể từ những gài cắm đầy tính toán từ đối tác trong hợp đồng mà doanh nghiệp Việt Nam vốn chưa có nhiều kinh nghiệm.

Dẫn chứng cụ thể nhất là vụ việc 76 container hạt điều của các doanh nghiệp Việt Nam gặp nạn ở Italia. Dù đến nay vụ việc đã được xử lý cơ bản thành công, tuy nhiên, điều này cũng báo động tình trạng lừa đảo trong giao dịch quốc tế có thể xảy ra bất cứ với doanh nghiệp nào nếu không tỉnh táo…

Ông Bạch Khánh Nhựt - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội điều Việt Nam cho biết, doanh nghiệp cần có bài học trong kinh doanh quốc tế, vai trò của môi giới là rất quan trọng nhưng doanh nghiệp cần có sự kiểm tra đối tác một cách độc lập. Ở đây, vai trò của các Thương vụ tại nước sở tại là rất quan trọng.

Trong 76 container của 5 doanh nghiệp đã ký hợp đồng (có 2 doanh nghiệp khác có ký hợp đồng và cũng bị lừa nhưng tự liên lạc với Thương vụ và Luật sư ở Italia) có 5 container giữ lại kịp, không xuất hàng (71 container đã xuất đi), thu hồi kịp thời 38 bộ chứng từ gốc, từ đó thu hồi lại hàng hoá. Doanh nghiệp đã phải đặt cọc cho các hãng vận chuyển để lấy 32 container ra; đã lấy 1 container hàng ra nhờ phán quyết của toà án Italia. May mắn là từ nguy cơ mất trắng hàng chục container với giá trị hàng trăm tỷ đồng, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã không mất một container nào vào tay những kẻ lừa đảo, mặc dù chúng đã chiếm đoạt được gần 40 bộ chứng từ gốc của gần 40 container.

“Có được kết quả trên trước hết là do sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Thủ tướng Phạm Minh Chính; sự vào cuộc tích cực, nhanh chóng của các bộ ngành liên quan để xử lý vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Đặc biệt là nỗ lực to lớn của Đại sứ quán Việt Nam, Thương vụ Việt Nam, cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Italia. Những nỗ lực đó đã khiến các cơ quan công quyền Italia thấy được sự nghiêm trọng của vụ việc, từ đó và cùng phối hợp tham gia hỗ trợ giải quyết, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy cơ quan an ninh Italia cùng phối hợp để đưa nhóm lừa đảo ra vành móng ngựa” - ông Bạch Khánh Nhựt cho biết thêm.

Tuy nhiên, ông Bạch Khánh Nhựt nhấn mạnh, những vụ lừa đảo khác có thể sẽ không có kết quả may mắn được như thế. Lí do dẫn đến việc các doanh nghiệp bị lừa là do quá tin tưởng vào công ty môi giới, không kiểm tra thông tin đối tác. Đặc biệt, khi đang trong thời gian dịch bệnh khó khăn, có được những đơn hàng lớn nên doanh nghiệp mong muốn bán được hàng nhất là vào thời điểm thị trường có ít giao dịch. Cùng với đó, phương thức thanh toán nhiều rủi ro. Doanh nghiệp cần có bài học trong kinh doanh quốc tế, vai trò của môi giới là rất quan trọng nhưng doanh nghiệp cần có sự kiểm tra đối tác một cách độc lập. Ở đây, vai trò của các Thương vụ tại nước sở tại là rất quan trọng.

Mặt khác, doanh nghiệp cần cảnh giác với các dấu hiệu bất thường từ đối tác. Khi hàng hoá đi Italia, chỉ 1 tuần (hàng chưa cập cảng) người môi giới đã yêu cầu doanh nghiệp cung cấp mã Cod chứng từ, trong khi thông thường phải mất 3 tuần. Chính việc giao mã Cod nên bộ chứng từ bị mất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên dùng phương thức thanh toán an toàn hơn. Nên trao đổi thông tin với đồng nghiệp để phát hiện các dấu hiệu lừa đảo. Trong sự việc này cả 5 doanh nghiệp không thông tin cho nhau, chỉ khi gặp vướng mắc mới gửi lên Hiệp hội và khi đó mới biết đồng nghiệp mình cũng bị lừa.

Đối tượng lừa đảo các doanh nghiệp Việt Nam rất đa dạng: Từ khách hàng, nhà cung cấp và các bên trung gian, đại lý. Nhưng việc phòng bị cũng chưa được chú trọng, Cũng theo khảo sát của PwC, các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng các biện pháp chống lừa đảo. Nhưng khi vụ việc xảy ra, không nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn báo cáo cho cơ quan nhà nước. Lý do là không tin tưởng cơ quan nhà nước, không tin tưởng vào năng lực chuyên môn của cơ quan nhà nước, lo ngại thông tin bị lộ, lọt ra công chúng.

Từ kinh nghiệm của chính doanh nghiệp từng suýt bị lừa, ông Nguyễn Huy Hùng- Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Phúc Sinh cho biết, cách đây hơn chục năm, khi giao 37 container hạt tiêu trị giá 2,43 triệu USD, đối tác yêu cầu giao vận đơn cho họ để họ kiểm soát “đường đi” của hàng. Chính điều này khiến doanh nghiệp nghi ngờ và kiểm tra tài khoản ngân hàng của đối tác. Khi kiểm tra thì thấy khách hàng này không có tài khoản ngân hàng, nên doanh nghiệp ngừng giao dịch.

Giải pháp để các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh quốc tế an toàn, hiệu quả

Theo ông Nguyễn Huy Hùng, để hạn chế rủi ro, khi làm ăn cần tìm hiểu thông tin của khách hàng thông qua các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam. Doanh nghiệp phải nắm bắt và tìm hiểu được thông tin ngân hàng đối tác. Khi kinh doanh không được phép đưa số vận đơn cho khách hàng – đây là nguyên tắc cứng khi làm kinh doanh. Quan trọng nhất, doanh nghiệp tránh vội vàng, cẩu thả, sai sót cơ bản trong thanh toán quốc tế. Nếu nghĩ đơn giản là chúng ta đã thành công thì dễ bị sập bẫy.

Ông Ngô Khắc Lễ - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam khuyến cáo rằng trong trường hợp người mua yêu cầu chỉ dùng một bộ vận đơn do hãng tàu cấp (ký phát) thì nên sử dụng vận đơn theo lệnh và ở phần "Người nhận hàng nêu trên vận đơn, ghi là "theo lệnh của ngân hàng". Ngân hàng này là ngân hàng mà người bán nhờ thu tiền và giao chứng từ cho người mua. Người bán sẽ chỉ thị cho ngân hàng này khi nhận được tiền hàng của người mua thì ký trên vận đơn và ghi rõ là chuyển quyền nhận hàng cho họ.

Với cách làm này, người mua không thể cho rằng có thể gây ra chậm trễ cho họ trong việc nhận hàng vì họ chỉ cần trả tiền hàng là sẽ có vận đơn để nhận hàng và nếu vận đơn có bị thất lạc khi gửi đến ngân hàng thì người nhận hàng cũng không nhận được hàng vì vận đơn không hợp lệ (chưa có ký chuyển quyền nhận hàng của ngân hàng) nên hãng tàu không trả hàng. Nếu người mua yêu cầu dùng vận đơn đích danh là loại vận đơn ghi rõ tên người nhận hàng trên vận đơn thì người bán nên sử dụng nghiệp vụ vận đơn chủ và vận đơn thứ cấp. Như vậy, trên vận đơn chủ, ghi tên người nhận hàng là đại lý của người giao nhận.

52% doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát từng bị lừa đảo thương mại quốc tế
Trong vụ việc 76 container hạt điều, Thương vụ Sứ quán Việt Nam tại Italy đã tích cực làm việc với lãnh sự danh dự Việt Nam tại Napoli để thu thập thêm thông tin

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, câu hỏi đặt ra là giải pháp nào để các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh quốc tế an toàn, hiệu quả? Trước tiên doanh nghiệp phải tự hoàn chỉnh mình, có nhân lực tốt, bộ máy tốt, hệ thống quản trị rủi ro tốt. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải có mạng lưới thông tin, thường xuyên liên hệ với các cơ quan thương vụ Việt Nam và các tổ chức hỗ trợ, dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp trong sử dụng các dịch vụ pháp lý. Làm ăn thuận lợi phải tính khi rủi ro. Sự an toàn, tin cậy luôn cần phải trả bằng chi phí. Đây là điều tưởng như hiển nhiên, đơn giản nhưng không phải doanh nghiệp nào ở Việt Nam cũng thực hiện được.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho hay, đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất thiếu kinh nghiệm về tranh chấp thương mại quốc tế. Do đó, việc cùng nhau trao đổi, chia sẻ các biện pháp nhận diện và phòng tránh rủi ro, kinh nghiệm tìm kiếm đối tác tin cậy cũng như đàm phán hợp đồng và trong trường hợp nếu xảy ra tranh chấp thì chúng ta cần tìm đến các cơ quan nào… là hết sức cần thiết.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Tham tán công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Italia đồng tình, doanh nghiệp cần soạn thảo hợp đồng ký kết phù hợp với năng lực công ty mình, với phương thức thanh toán hợp lý, bởi không có phương thức thanh toán nào hoàn hảo, đều có rủi ro nhất định. Doanh nghiệp xuất khẩu nên yêu cầu người mua đặt cọc 10% để chứng minh họ có tài khoản tại ngân hàng - đây là bằng chứng chứng minh người mua để có cơ sở tiến hành giao dịch.

Hạt điều Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh lớn tại thị trường Thụy Sĩ
Nhiều DN xuất khẩu điều có nguy cơ mất hàng trăm triệu USD: Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương tháo gỡ
Thông tin mới vụ 100 container hạt điều của doanh nghiệp Việt Nam nghi bị lừa đảo tại Italia
Các container hạt điều của doanh nghiệp Việt Nam nghi bị lừa tại Italia đã được trả lại
Ngô Sơn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động