Phát triển trái phiếu doanh nghiệp: Tạo sự tăng trưởng của nền kinh tế năm 2024
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThị trường trái phiếu doanh nghiệp không chỉ giúp giảm tải cho thị trường tiền tệ mà còn giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư. Ảnh minh họa |
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), quy mô toàn thị trường TPDN tính đến nay mới đạt khoảng 1,15 triệu tỷ đồng, chiếm gần 15% GDP cả nước và thấp hơn nhiều so với các quốc gia thuộc nhóm phát triển trong ASEAN như Malaysia là 56% GDP, Singapore là 38% GDP, Thái Lan là 25% GDP.
Việc huy động vốn và phát hành TPDN ra công chúng cũng gặp nhiều khó khăn với tỷ lệ còn rất nhỏ, giá trị phát hành TPDN cũng liên tục sụt giảm qua các năm. Ngoài những nguyên nhân do khó khăn chung của thị trường, còn xuất phát từ một số rào cản khác như thời gian phê duyệt hồ sơ phát hành thường kéo dài từ 4 đến 6 tháng.
Cùng với đó là áp lực thanh khoản mà các tổ chức phát hành trái phiếu phải đối mặt khi lượng trái phiếu đáo hạn trong tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024 đang còn rất lớn.
Số liệu của VBMA cũng cho thấy, từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 233.719 tỷ đồng, với 28 đợt phát hành ra công chúng và 189 đợt phát hành riêng lẻ. Tổng giá trị trái phiếu đã được DN mua lại trước hạn từ đầu năm đến nay đạt 200.907 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2022 và bằng 86% giá trị phát hành, trong đó, ngân hàng chiếm 47,1% tổng giá trị mua lại trước hạn.
Tính đến thời điểm này, khoảng 50 - 60 DN phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu với trái chủ để lùi trả nợ trái phiếu sang giai đoạn 2025 - 2026, thay vì giai đoạn 2023 - 2024.
Ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch Cty CP FiinRatings cho biết, nhà đầu tư tham gia sở hữu trực triếp, gián tiếp trên thị trường sơ cấp chủ yếu là các cá nhân, ngân hàng thương mại, Cty chứng khoán và các nhà đầu tư tổ chức nội địa... Đối với TPDN riêng lẻ phi ngân hàng, FiinRatings ước tính, nhà đầu tư cá nhân đang sở hữu hơn 40%, tiếp đến là các tổ chức tín dụng với hơn 30%, Cty chứng khoán hơn 7%, DN bảo hiểm gần 4% và các quỹ đầu tư năm hơn 3%. Sau những biến động của thị trường và một số vụ việc vi phạm quy định khiến không ít tổ chức phát hành trái phiếu rơi vào tình hình khó khăn tài chính đã không thực hiện được nghĩa vụ trả gốc và lãi…
Do vậy, ông Nguyễn Quang Thuân đề xuất: “Kênh huy động vốn trung, dài hạn trong nước vẫn bế tắc khi thị trường TPDN vẫn đang gặp khó khăn, kỳ hạn phát hành ngắn, chủ yếu cơ cấu nợ hoặc phát hành của nhóm ngân hàng thương mại. Để khôi phục thị trường TPDN không chỉ siết lại các quy định về phát hành như thời gian qua, mà quan trọng hơn là phải phát triển cơ sở nhà đầu tư, nhất là thị trường nhà đầu tư tổ chức”.
Bên cạnh đó, Nhà nước nên can thiệp sớm để cải thiện tính minh bạch thông tin theo hướng sửa đổi khung chính sách tùy theo đối tượng nhà đầu tư, đơn giản hóa các thủ tục phê duyệt phát hành và TPDN được chào bán cần thực hiện xếp hạng tín nhiệm độc lập như thông lệ đang tiến hành ở các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, cần tháo gỡ những rào cản pháp lý nhằm phát triển cơ sở nhà đầu tư như các tổ chức tín dụng, các Cty bảo hiểm, các quỹ đầu tư TPDN...
Theo các chuyên gia kinh tế, để thúc đẩy phát triển thị trường TPDN, cần có giải pháp không chỉ tập trung vào cải thiện nguồn cung của thị trường như chuẩn hóa đối tượng phát hành, nâng cấp nền tảng trung gian cho thị trường..., mà còn phải có giải pháp kích cầu cho thị trường thông qua việc phát triển và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư cho thị trường trái phiếu. Ngân hàng Nhà nước cũng có thể xem xét cơ chế tái cấp vốn cho các quỹ đầu tư TPDN nếu đạt một số tiêu chí nhất định.
Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh kênh trái phiếu chào bán rộng rãi ra công chúng, tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng cứng và mềm cho thị trường, tạo cơ chế pháp lý cho trái phiếu xanh nhằm tận dụng nguồn vốn trong nước và quốc tế, thành lập thêm các quỹ bảo lãnh TPDN...
Ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch Cty CP FiinRatings cho biết, trên thị trường TPDN, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân nắm giữ trái phiếu đã giảm nhưng vẫn chiếm đa số. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại