“Hút” tiền qua tín phiếu có thể giải quyết vấn đề tỷ giá?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênẢnh minh họa: Minh Hiền |
Ngân hàng Nhà nước “bơm” lượng tiền lớn vào thị trường
Trong phiên 21/9, NHNN đã phát hành 9.995 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày với lãi suất trúng thầu là 0,69%/năm, ngày đáo hạn là 19/10. Liên tiếp 20 phiên kể từ ngày 21/9 đến nay, NHNN đều phát hành tín phiếu với kỳ hạn 28 ngày, tổng quy mô gần 255.700 tỷ đồng. Điều này cũng có nghĩa từ 19/10 trở đi, số tín phiếu đã được phát hành trong 20 phiên vừa qua sẽ lần lượt được đáo hạn, số tiền tương ứng cũng sẽ được bơm lại thị trường.
Đáng chú ý, sát ngày những lô tín phiếu đầu tiên đáo hạn, NHNN đã có động thái tăng cường độ hút tiền. Nếu như 9 phiên giao dịch đầu tháng 10 đều ghi nhận quy mô hút tiền không quá 10.000 tỷ đồng/phiên thì từ ngày 12 - 16/10, NHNN đã nâng lên 20.000 tỷ đồng/phiên. Tiếp đến ngày 17/10, giá trị tín phiếu trúng thầu đạt 17.950 tỷ đồng, phiên 18/10 đạt 12.050 tỷ đồng. Trong 5 phiên giao dịch gần đây nhất, NHNN đã hút về 90 nghìn tỷ đồng.
Sau khi NHNN liên tục hút tiền về, lãi suất liên ngân hàng đã tăng trở lại thời gian gần đây. Lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chiếm hơn 90% tổng doanh số giao dịch) trong phiên 16/10 đã tăng lên 0,71%/năm, so với mức 0,35% được ghi nhận vào phiên giao dịch cuối tuần trước. Trước khi NHNN phát hành tín phiếu, lãi suất qua đêm trên liên ngân hàng ở mức rất thấp chỉ dưới 0,2%.
Hoạt động hút tiền của NHNN cũng diễn ra trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dư thừa lớn. Được biết đến cuối tháng 9, tín dụng toàn nền kinh tế mới chỉ tăng hơn 6,9%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái và còn cách xa mục tiêu cả năm tăng 14%.
Cũng trong thời điểm này, nhiều ngân hàng bắt đầu giảm mạnh lãi suất cho vay từ 5%/năm. Khảo sát 30 ngân hàng trong hệ thống, lãi suất gửi tiết kiệm đang dao động quanh mức 4,5 - 6,5%/năm.
Theo nhận định của các ngân hàng, lãi suất giảm là yếu tố để thúc đẩy tín dụng. Hiện, mặt bằng lãi suất đã trở về mức thấp trước Covid-19. Lãi suất huy động 12 tháng cao nhất hiện cũng chỉ còn 6,2%/năm. Dù vẫn cần thời gian để trung hòa giá vốn cho vay, nhưng nhiều ngân hàng đã chủ động đưa lãi suất cho vay khách hàng DN về dưới 5%/năm; khách hàng cá nhân là 7 - 8%/năm, đồng thời tăng quy mô các gói tín dụng ưu đãi nhằm thu hút khách hàng.
Cần quyết sách mới
Các chuyên gia phân tích, những biến động tỷ giá USD - VND có thể liên tục thay đổi, ảnh hưởng nhiều đến kinh tế chung, đặc biệt là đến việc xuất nhập khẩu hàng hóa. Nếu dùng biện pháp can thiệp tỷ giá, sẽ dẫn tới mất ngoại tệ. Trong khi đó đang cần ổn định kinh tế vĩ mô, trợ lực cho nền kinh tế phục hồi và phát triển.
Các quốc gia phải đảm bảo lượng dự trữ ngoại hối để đối phó lượng dòng tiền chảy ra và tình hình phức tạp có thể diễn ra trong tương lai. Nếu dùng biện pháp tăng lãi suất, thời điểm này lại càng không phù hợp khi tăng trưởng kinh tế còn thấp.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đóng băng, thanh khoản thị trường chứng khoán giảm cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc tăng lãi suất là không khả thi.
Có thể hiểu, NHNN “hút ròng” tiền dư thừa trong hệ thống về, lưu trữ tại đó và trả về hệ thống ngay khi đến dịp. Ngay khi chính sách tiền tệ thời gian vừa qua đã “ngấm” vào nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh có thể hấp thụ được, dòng tiền sẽ nhanh chóng quay trở lại, chảy vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Do vậy, những ngành nghề sản xuất kinh doanh cơ bản, với những DN có tiềm năng tăng trưởng - sẽ là đích đến của dòng tiền thông minh trong thời gian tới.
Nhưng những lô tín phiếu phát hành đầu tiên đáo hạn, lượng tiền lớn sẽ lại đổ trở vào thị trường mà nền kinh tế chưa kịp “ngấm” các chính sách. Vậy sẽ ra sao? NHNN sẽ lại tiếp tục phát hành tín phiếu “vòng thứ hai” để hút lại lượng tiền đã quay đủ vòng hay sẽ có quyết sách mới?
Theo phân tích của Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), với việc lãi suất liên ngân hàng qua đêm quay trở lại mức rất thấp, tỷ giá liên ngân hàng vẫn ở mức cao và chênh lệch lãi suất VND - USD duy trì cao kích thích hoạt động giao dịch đầu cơ gây áp lực lên tỷ giá, NHNN sẽ vẫn tiếp tục phát hành thêm tín phiếu mới để thay thế những tín phiếu đã đáo hạn.
Mặt khác, trong bối cảnh các lô tín phiếu đầu tiên bắt đầu đáo hạn, giới phân tích dự báo, NHNN sẽ tiếp tục phát hành tín phiếu thời gian tới và không loại trừ khả năng sẽ có sự gia tăng về quy mô cũng như kỳ hạn.
Trên thực tế, thông tin đấu thầu cho thấy các đợt phát hành tín phiếu vừa qua, lãi suất tín phiếu cũng đã giảm sâu, thậm chí nhiều phiên còn không trúng thầu hết số tín phiếu dự kiến phát hành. Các chuyên gia cho rằng động thái hút tiền qua tín phiếu đã thực sự có tác động trong những phiên đầu, tuy vậy vẫn chưa thể giải quyết vấn đề tỷ giá, vòng quay tiền vẫn sớm trở lại thị trường.
Có lẽ, trên phương diện điều hành vĩ mô, đã đến lúc cần phải có sự minh bạch về bức tranh tổng thể này để đo lường sự đánh đổi được - mất của việc phát hành tín phiếu. Và đã đến lúc chúng ta nên nới biên độ tỷ giá, đồng thời nên để cho thị trường có tiếng nói nhiều hơn chứ không chỉ mãi biện minh rằng đó là do thanh khoản dư thừa.
Hướng dẫn giao dịch trái phiếu Chính phủ, tín phiếu kho bạc | |
Phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước | |
Đề xuất mới về phát hành kỳ phiếu, tín phiếu của tổ chức tín dụng |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại