Thứ sáu 01/11/2024 09:20

"Phát triển dự án báo chí - truyền thông ở Việt Nam hiện nay"

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 30/5, Viện Báo chí - Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển dự án báo chí - truyền thông ở Việt Nam hiện nay".
Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Công Phương.

Tham dự hội thảo có: PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng, TS. Đinh Thị Xuân Hòa, TS. Lê Thu Hà - Phó viện trưởng Viện Báo chí - Truyền thông; TS. Nguyễn Thúy Hà - Trưởng ban Khoa học; TS. Nguyễn Thị Minh Hiền - Trưởng khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo.

Hội thảo còn có sự tham dự của đại biểu là phóng viên, nhà báo tới từ các cơ quan báo chí - truyền thông: Ths. Nhà báo Đỗ Thị Phương Hoa - Trưởng ban Pháp luật và Xã hội, Báo Kinh tế & Đô thị; Ths. Nhà báo Đỗ Thị Ngọc Hà - Trưởng văn phòng đại diện Báo Tuổi trẻ tại Hà Nội; Nhà báo Nguyễn Văn Lực - Trung tâm Phát thanh Truyền hình Quân đội; Nhà báo Nguyễn Thế Định - Báo Vietnamnet, Ths. Nguyễn Tuấn Linh - Trưởng Phòng Truyền thông Nội bộ, Tập đoàn giáo dục Edufit.

Cùng với đó là sự tham dự của các nhà báo, phóng viên, các cán bộ, giảng viên, sinh viên và học viên cao học Viện Báo chí - Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng - Phó viện trưởng Viện Báo chí - Truyền thông phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Công Phương.

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng - Phó Viện trưởng Viện Báo chí - Truyền thông nhấn mạnh vai trò quan trọng của các dự án báo chí - truyền thông hiện nay. Theo đó, các dự án báo chí - truyền thông là một phần sôi động trong hoạt động báo chí - truyền thông. Thông qua việc tổ chức nhiều chương trình hoạt động, các cơ quan báo chí mang đến diễn đàn trao đổi kinh nghiệm thực tiễn chia sẻ bổ ích nhằm thảo luận về các giải pháp, chiến lược nhằm phát triển dự án báo chí truyền thông bền vững.

Phát biểu tại hội thảo, Ths. Nhà báo Đỗ Thị Phương Hoa - Trưởng ban Pháp luật và Xã hội, Báo Kinh tế & Đô thị cho hay, truyền thông xã hội được coi là một phần không thể tách rời trong hoạt động của một cơ quan báo chí. Công tác truyền thông trên các nền tảng số góp phần không nhỏ đưa các cuộc thi do các đơn vị báo chí tổ chức đến được gần hơn với công chúng.

Nhiều năm qua, với cách làm riêng, Báo Kinh tế & Đô thị thành công với những chương trình truyền thông, tổ chức sự kiện. Ví như: Diễn đàn báo chí - doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững (năm thứ 2); các Chương trình truyền thông uy tín: Chương trình truyền thông "Vì an toàn giao thông Thủ đô" (năm thứ 13), Chương trình truyền thông về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội (năm thứ 4), Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” (năm thứ 4).

Chia sẻ về cách thức thúc đẩy từ một cuộc thi viết trở thành Chương trình truyền thông "Những cống hiện thầm lặng", nhà báo Phương Hoa cho hay, năm 2021, cuộc thi viết “Những cống hiến thầm lặng” do Báo Kinh tế và Đô thị, Tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam (AAV), Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) phối hợp tổ chức, dành cho đối tượng chuyên và không chuyên.

Từ chất lượng của cuộc thi viết 3 mùa giải, năm 2024, Ban Tổ chức đã phát triển cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” thành Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” với nhiều hoạt động thiết thực, làm sâu sắc và lan toả hơn ý nghĩa của cuộc thi. Đặc biệt, trong chuỗi hoạt động của năm 2024, lần đầu tiên, Ban Tổ chức Chương trình truyền thông dành sân chơi riêng cho các sinh viên Học viện Báo chí và tuyên truyền bằng việc tổ chức cuộc thi sáng tác các tác phẩm Podcast chủ đề an sinh xã hội cho các sinh viên.

Ths. Nhà báo Đỗ Thị Ngọc Hà - Trưởng văn phòng đại diện Báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Công Phương.

Ths. Nhà báo Đỗ Thị Ngọc Hà - Trưởng văn phòng đại diện Báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội cho rằng, đối với dự án truyền thông, thường phải huy động tổng lực, tối ưu để có thể tuyên truyền nhằm đem lại giá trị truyền thông toàn diện và mục tiêu là thay đổi nhận thức của công chúng. Yếu tố quyết định sự thành công của dự án truyền thông là sự lan tỏa thông điệp, sự thay đổi của công chúng và làm theo. Quan trọng của một số dự án truyền thông là tác động lại các cơ quan quản lý, điều hành chính sách.

Theo nhà báo Đỗ Thị Ngọc Hà, hiện nay, các sự kiện truyền thông lớn, hiệu quả không thể thiếu được các sự kiện cộng hưởng và thậm chí các sự kiện truyền thông lại là tâm điểm cho các hoạt động truyền thông khác trên các phương tiện báo chí cộng hưởng và hướng tới hiệu quả cao nhất của sự kiện thực tế.

"Báo Tuổi trẻ thực hiện một số dự án truyền thông có hiệu quả lan tỏa như "Ngày của phở". Dự án này được tổ chức từ năm 2017 và được xác lập từ năm 2018, chọn ngày 12/12 hàng năm là "Ngày của phở". Báo Tuổi trẻ đã kiên trì với dự án báo chí này, năm 2021 Google treo doodle phở ở 20 quốc gia, vinh danh phở Việt". Chúng tôi rất là vui khi lan tỏa được dự án của mình và thuyết phục được các cơ quan truyền thông khác lan tỏa hình ảnh đó", nhà báo Đỗ Thị Ngọc Hà chia sẻ.

Bên cạnh đó, để dự án kéo dài, Báo Tuổi trẻ tổ chức nhiều hoạt động như: Lễ hội phở, cuộc thi tìm người nấu phở ngon, vẽ tranh, thi viết về phở, review phở, đưa phở đến vùng cao, vùng sâu cho trẻ em nghèo, dạy nấu phở,... chương trình được tổ chức tại rất nhiều địa phương. Hiện nay, dự án "Ngày của phở" không chỉ là quảng bá món ăn của Việt Nam mà khi nâng tầm được dự án lên, lan tỏa chương trình, trở thành ngoại giao văn hóa thì sẽ hấp dẫn được nhiều đơn vị tìm đến hợp tác.

Phát triển dự án báo chí - truyền thông ở Việt Nam hiện nay
Nhà báo Nguyễn Thế Định, Báo Vietnamnet. Ảnh: Công Phương.

Nhà báo Nguyễn Thế Định, Báo Vietnamnet cho biết, sự thay đổi về công nghệ nên báo chí cũng phải thay đổi về con người, công nghệ để đáp ứng thị hiếu của độc giả.

Báo Vietnamnet triển khai một số dự án, trong đó có thu phí bạn đọc. Ở nước ngoài, có báo đã triển khai thành công và ở Việt Nam, một số báo đã triển khai nhưng không thành công. Xu hướng này cũng là một cách để các cơ quan báo chí lựa chọn. Tuy nhiên, ở Việt Nam mọi người vẫn đang đọc miễn phí.

"Báo Vietnamnet đã thực hiện một số dự án và dự án "Hành trình về làng sen", kết hợp với Sở Văn hóa thể thao Nghệ An, tổ chức từ 6/6 đến 9/6. Chương trình này được đưa vào đề thi lớp 10 tại trường THCS tại Nghệ An. Tôi cho rằng, việc thúc đẩy chương trình sẽ đem đến kinh tế báo chí cho báo. Và các dự án truyền thông không thể thiếu sự đồng hành của doanh nghiệp. Qua sự kiện sẽ quảng bá được dự án cũng như hình ảnh của doanh nghiệp tài trợ, trong khi đó, cơ quan báo chí sẽ có nguồn thu từ nguồn tài trợ", nhà báo Nguyễn Thế Định chia sẻ.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Thị Minh Hiền - Trưởng khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định, các mô hình dự án truyền thông trên nền tảng mạng xã hội có sức lan tỏa mạnh mẽ, đã đưa các dự án về người khuyết tật phổ biến và đến gần hơn với công chúng, tạo ra các giá trị nhân văn sâu sắc.

TS. Lê Thu Hà - Phó Viện trưởng Viện Báo chí - Truyền thông đề xuất kết hợp giữa các cơ quan báo chí và Học viện Báo chí và Tuyên truyền để phát triển các môn học và hình thức giảng dạy tại học viện. Ảnh: Công Phương.

Đồng quan điểm, TS. Lê Thu Hà - Phó Viện trưởng Viện Báo chí - Truyền thông đề xuất với các cơ quan báo chí, doanh nghiệp là phát triển các dự án có hiệu quả tốt, tăng cường nguồn lực cho đơn vị về phát triển dự án, trong đó, đề xuất sinh viên Viện Báo chí - Truyền thông là một nguồn lực tốt, có kỹ năng, khả năng tốt và được trải nghiệm cũng như thầy cô cho các em trải nghiệm qua các dự án của các môn. Do đó, các báo, doanh nghiệp có thể phát triển nguồn lực từ sinh viên và lan tỏa dự án tới sinh viên Viện Báo chí - Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Với Viện Báo chí - Truyền thông, TS. Lê Thu Hà đề xuất phát triển các môn học và hình thức giảng dạy, đánh giá về dự án có hiệu quả tốt cũng như liên kết, phối hợp với các cơ quan báo chí, doanh nghiệp, tổ chức khác. Phát triển hạng mục giải thưởng dự án truyền thông cho sinh viên và học sinh trong hệ thống. Khuyến nghị các em sinh viên nâng cao, ứng dụng các dự án mình được tham gia vào trong thực tiễn, phục vụ tốt cho chuyên môn, tương lai nghề nghiệp của mình.

Phát triển dự án báo chí - truyền thông ở Việt Nam hiện nay
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Tổ chức. Ảnh: Công Phương

Hội thảo cũng nhận được nhiều tham luận đến từ đại diện các cơ quan báo chí - truyền thông, giảng viên cùng các học viên cao học Viện Báo chí - Truyền thông, đóng góp những kiến thức, kinh nghiệm quan trọng cho sinh viên trong quá trình thực hiện các dự án báo chí - truyền thông.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đặt câu hỏi với các diễn giả để làm rõ hơn chủ đề do Ban Tổ chức gợi mở.

Sinh viên báo chí thích thú tìm hiểu về lựa chọn chủ đề an sinh xã hội Sinh viên báo chí thích thú tìm hiểu về lựa chọn chủ đề an sinh xã hội

Ngày 14/4, tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã diễn ra chương trình tập huấn, định hướng sinh viên nhận định các đề ...

Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động