Phát huy hiệu quả mô hình Nhà trung chuyển hỗ trợ phục hồi chức năng cho người bệnh, người khuyết tật
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
|
Mô hình Nhà trung chuyển đầu tiên tại Hà Nội
Chính thức khởi động từ ngày 27/9, sau gần 3 tháng triển khai, Nhà trung chuyển được thiết lập trong khu vực Phòng khám Đa khoa của Trường ĐH Y tế Công cộng cơ bản đảm bảo mục tiêu kép: Phục vụ bệnh nhân và là nơi thực hành cho công tác đào tạo nguồn nhân lực PHCN.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh - Viện Trưởng Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (viết tắt Viện ACDC), từ năm 2018 đến nay, Viện ACDC đã và đang phối hợp với Bộ Y tế, Sở Y tế các địa phương, các BV PHCN, Trung tâm y tế huyện để thiết lập và triển khai 6 khu vực nhà trung chuyển - mô hình hỗ trợ sau can thiệp PHCN tại các cơ sở y tế miền Trung và đã đạt được những kết quả tích cực.
Mô hình Nhà trung chuyển được thiết lập trong khu vực Phòng khám Đa khoa của Trường ĐH Y tế Công cộng là công trình đầu tiên tại Hà Nội và là công trình thứ 7 do ACDC triển khai thiết lập với tài trợ từ USAID (cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ).
Công trình được khảo sát, lên ý tưởng xây dựng từ tháng 3/2023 và bắt đầu thiết lập cơ sở vật chất từ tháng 6/2023. Đây là mô hình giúp cho người bệnh, người khuyết tật có cơ hội thực hành các chức năng sinh hoạt hàng ngày trước khi trở về gia đình và cộng đồng, để tái hòa nhập một cách độc lập.
Các hoạt động thực hiện trong Nhà trung chuyển tập trung vào thực hành thành thục các chức năng sinh hoạt cơ bản mà trước đó đã được tập luyện PHCN như: di chuyển, tự mặc quần áo, ăn uống, nấu ăn, vệ sinh cá nhân và các hoạt động tham gia cộng đồng khác.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh chia sẻ, Nhà trung chuyển thiết lập tại Trường ĐH Y tế Công cộng là mô hình mà Viện ACDC có cơ hội áp dụng những kinh nghiệm học hỏi được từ các quốc gia trong khu vực như Singapore, Thái Lan, cũng như đặt nhiều kỳ vọng và tâm huyết.
Với diện tích hơn 130m2, Nhà trung chuyển này được thiết kế phù hợp với văn hóa, điều kiện kinh tế của khu vực thành thị với 2 giường ngủ, chia theo 5 khu vực gồm: khu vực di chuyển chung, bếp và ăn uống, vệ sinh, giường ngủ và khu vực dành cho các hoạt động sinh hoạt chung như khu vực giải trí và luyện tập. Đó là môi trường thuận lợi để người khuyết tật có thể thực hành và học lại các chức năng sinh hoạt hàng ngày sau quá trình PHCN.
Đồng thời, với sự phối hợp tích cực và định hướng từ Hội đồng, Ban giám hiệu Trường ĐH Y tế Công cộng, dự án kỳ vọng mô hình này có thể là nơi sinh viên cùng với cán bộ y tế của Phòng khám Đa khoa tham gia hướng dẫn, giám sát quá trình tập luyện của người bệnh.
Từ đó, sinh viên có cơ hội thực hành và phát triển những kiến thức được đào tạo trên giảng đường, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu thứ 2: nâng cao chất lượng đào tạo ngành Cử nhân kỹ thuật phục hồi chức năng.
Phát huy hiệu quả cao nhất
Trên cơ sở các kết quả đạt được, ngày 4/7/2023, Bộ Y tế đã ghi nhận, nghiên cứu và ban hành Quyết định 2762/QĐ-BYT về “Hướng dẫn PHCN tại Khu trung chuyển trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai và nhân rộng mô hình Nhà trung chuyển trên cả nước.
Đánh giá hiệu quả mô hình Nhà trung chuyển hiện nay, TS Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) nhận định, trên thế giới Nhà trung chuyển trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được triển khai, áp dụng từ những năm 1975 và có nhiều nhiều bằng chứng khoa học về hiệu quả PHCN cho người khuyết tật. Từ đó có thể thấy mô hình này rất phù hợp với người khuyết tật và cần thiết trong công tác PHCN tại cơ sở y tế.
Từ năm 2019 đến nay, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã tham gia định hướng và phối hợp với Viện ACDC triển khai các 7 mô hình Nhà trung chuyển tại các tỉnh miền Trung cũng như mô hình tại Trường ĐH Y tế Công cộng.
Qua thực tiễn, việc triển khai Nhà trung chuyển tại Trường ĐH Y tế Công cộng là rất cần thiết để hoàn thiện chuyên môn cho khoa PHCN của Phòng Khám đa khoa và sắp tới sẽ trở thành BV Đa khoa Phạm Ngọc Thạch. Đây là một trong những bước đi đầu trong quá trình thực hiện Quyết định 569 của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình Phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
GS.TS Hoàng Văn Minh - Hiệu trưởng trường ĐH Y tế Công cộng khẳng định, Nhà trung chuyển vừa là mô hình PHCN cho người bệnh, người khuyết tật trước khi về cộng đồng, giúp kết nối và phát huy hiệu quả giữa PHCN tại bệnh viện với PHCN dựa vào cộng đồng. Ngoài ra, mô hình phục vụ cho hoạt động giảng dạy về các mã ngành về PHCN.
Với lợi ích thiết thực, Trường ĐH Y tế Công cộng cam kết sẽ tập trung vào lập kế hoạch và triển khai hoạt động nhằm phát huy hiệu quả cao nhất của mô hình Nhà trung chuyển. Đồng thời, nghiên cứu đưa các nội dung, kỹ thuật triển khai trong Nhà trung chuyển vào chương trình giảng dạy cho sinh viên y khoa, góp phần đẩy mạnh công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực y tế theo hướng hội nhập quốc tế.
Ngày 24/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống PHCN giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng là duy trì, củng cố, nâng cấp, phát triển hệ thống PHCN và phát triển chuyên môn kỹ thuật PHCN. Phát triển chuyên môn kỹ thuật, tăng cường ứng dụng phương pháp mới, kỹ thuật mới, chuyên sâu và phối hợp điều trị, chuyển tuyến trong lĩnh vực PHCN; thực hiện các chương trình, đề án, dự án về PHCN. |
Ý nghĩa mô hình Nhà trung chuyển đầu tiên tại Hà Nội dành cho người khuyết tật |
Phục hồi chức năng là một trong các lĩnh vực không thể thiếu của hệ thống y tế hoàn chỉnh |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại