Thứ sáu 26/04/2024 21:30

Phải xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần siết chặt việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các tuyến vận chuyển hàng hóa từ nước có rủi ro cao để đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới lợi dụng đưa các mặt hàng thuốc điều trị Covid-19 về Việt Nam tiêu thụ, đồng thời xử lý nghiêm đối với các trường hợp kinh doanh, sản xuất các mặt hàng thuốc điều trị nhiễm Covid-19 giả.

Liên tiếp phát hiện, bắt giữ nhiều lô hàng không rõ nguồn gốc

Theo thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 lan rộng, lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân, một số đối tượng vì trục lợi, bất chấp pháp luật tìm mọi cách để buôn lậu các mặt hàng thuốc điều trị Covid-19 từ nước ngoài vào Việt Nam. Nguy hiểm hơn, có đối tượng đã làm giả, hoặc buôn bán, vận chuyển trái phép qua biên giới các mặt hàng thuốc giả chữa trị khi bị nhiễm Covid-19.

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, thời gian qua, cơ quan chức năng đã liên tiếp phát hiện, bắt giữ nhiều lô hàng không rõ nguồn gốc, các lô hàng thuốc được quảng cáo có thể điều trị Covid-19 nhập lậu. Cụ thể, chiều 1-9, tại số 43 đường 3, Phủ Lỗ (Sóc Sơn, Hà Nội), đội quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp cùng đội 2, phòng an ninh kinh tế (Công an Hà Nội) đã tiến hành kiểm tra và thu giữ 400.000 sản phẩm gồm khẩu trang, kính chống giọt bắn, găng tay cao su, bộ đồ bảo hộ y tế...

Theo lực lượng chức năng, phần lớn hàng hoá trong lô hàng này không có xuất xứ, đặc biệt 20.880 chiếc khẩu trang có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu khẩu trang 3M của Mỹ (mã sản phẩm 1860). Đây là mặt hàng chỉ dùng cho các trường hợp cần phòng tránh lây nhiễm rất cao như cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch. Tại hiện trường, đại diện Công ty 3M là ông Vũ Hoàng Hà cũng xác nhận, lô hàng có dấu hiệu giả mạo sản phẩm chính hãng của công ty đã đăng ký bảo hộ tại thị trường Việt Nam.

Cán bộ đội quản lý thị trường số 1 kiểm tra lô khẩu trang 3M có dấu hiệu bị làm giả tại huyện Sóc Sơn. (ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường)
Cán bộ đội quản lý thị trường số 1 kiểm tra lô khẩu trang 3M có dấu hiệu bị làm giả tại huyện Sóc Sơn. (ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường)

Theo ông Hoàng Trọng Nghĩa, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, vụ việc này có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cũng như khả năng gây hậu quả nghiêm trọng nếu số hàng không rõ nguồn gốc, nhất là lượng lớn khẩu trang 3M giả được tiêu thụ trên thị trường. Trước đó, ngày 31-8, lực lượng chức năng Hà Nội cũng tiến hành kiểm tra đột xuất một điểm tập kết, kinh doanh hàng hóa tại quận Nam Từ Liêm phát hiện hàng trăm hộp thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chủ cơ sở khai nhận không biết gì về y dược, chủ yếu thu mua trôi nổi trên mạng xã hội với giá từ 100 nghìn đến 1 triệu đồng tùy loại, sau đó rao bán lại với giá cao hơn để kiếm lời.

Ngày 27-8, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã chủ trì, phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài kiểm tra thực tế lô hàng từ Nga về Việt Nam và phát hiện 330 hộp thuốc Arbidol, là mặt hàng được quảng cáo dùng trong điều trị Covid-19 (Arbidol là thuốc kháng virus được sử dụng để điều trị bệnh cảm cúm ở Nga và Trung Quốc).

Cũng trong ngày 27-8, Đội Quản lý thị trường số 15 thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với công an phát hiện một lô hàng gồm 50 hộp thuốc hiệu Arbidol 10 viên/hộp và 3 hộp thuốc Areplivir 40viên/hộp không giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ được đặt trước sảnh tòa CT16 khu đô thị Định Công, phường Định Công, quận Hoàng Mai.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong khi cả hệ thống chính trị chung tay trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vẫn có không ít đối tượng lợi dụng dịch bệnh để sản xuất, mua bán thuốc, thiết bị y tế kém chất lượng hoặc đầu cơ hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nâng giá bán cho người dân. Các đầu nậu có thể đưa mặt hàng thuốc điều trị Covid-19 từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua đường hàng không. Song, không loại trừ việc các đối tượng vận chuyển qua biên giới đường bộ thông qua các đường mòn, lối mở hoặc gian lận trong hoạt động nhập khẩu hàng hóa.

Cần xử lý mạnh tay để răn đe

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng, để kịp thời ngăn chặn tình trạng trên, Bộ Y tế cần công khai các tổ chức được phép nhập khẩu các mặt hàng thuốc hỗ trợ để điều trị cho người bệnh bị nhiễm Covid-19. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần siết chặt việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các tuyến vận chuyển hàng hóa từ nước có rủi ro cao để đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới lợi dụng đưa các mặt hàng thuốc điều trị Covid-19 về Việt Nam tiêu thụ, đồng thời xử lý nghiêm đối với các trường hợp kinh doanh, sản xuất các mặt hàng thuốc điều trị nhiễm Covid-19 giả.

Theo Luật sư Nguyễn Đào Tơ, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Huy (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, hiện nay, pháp luật nước ta đã có những quy định chi tiết, đầy đủ về việc xử lý vi phạm đối với hành vi buôn lậu, kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Chế tài áp dụng đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm rất nghiêm minh, mang tính răn đe, giáo dục cao. Cụ thể, theo Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, mức phạt tiền có thể lên tới 50 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên. Trong trường hợp kinh doanh hàng hóa nhập lậu là trang thiết bị y tế, mức phạt trên có thể sẽ tăng gấp 2 lần.

Mức phạt tiền này cũng được áp dụng xử phạt hành chính đối với hành vi cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu; hành vi cố ý tàng trữ hàng hóa nhập lậu; hành vi cố ý giao nhận hàng hóa nhập lậu. Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, tịch thu phương tiện vận tải vi phạm đối với trường hợp tang vật vi phạm có giá trị từ 200.000.000 đồng trở lên hoặc vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Ngoài ra, người vi phạm phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, hàng hóa không bảo đảm an toàn sử dụng; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Đào Tơ, bên cạnh chế tài hành chính, người có hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Buôn lậu. Theo Điều 188 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), người nào buôn bán hàng hóa qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật có thể bị phạt tiền lên đến 5 tỷ đồng hoặc phạt tù lên đến 20 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt thì bị phạt tiền lên đến 15 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn đến 3 năm, thậm chí có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, lực lượng quản lý thị trường cần tập trung triển khai hiệu quả Kế hoạch số 399/KH-BCĐ 389 ngày 9-10-2020 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về kinh doanh thương mại điện tử đối với việc quảng cáo, rao bán các mặt hàng thuốc điều trị Covid-19 qua nền tảng công nghệ số và phối hợp với các lực lượng chức năng, bắt giữ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Văn Biên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động