Thứ ba 16/07/2024 12:14

Hành vi sản xuất, buôn bán giả mạo hàng hoá bị xử phạt bao nhiêu năm tù?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo các luật sư, việc sản xuất hoặc buôn bán giả mạo hàng hoá, bao bì hàng hoá ngoài xử phạt hành chính còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Toàn bộ nguyên liệu và bao bì phục vụ cho việc sản xuất hàng giả mạo gạo Ông Cua bị lực lượng chức năng tỉnh Bắc Ninh thu giữ. Ảnh: QLTT
Toàn bộ nguyên liệu và bao bì phục vụ cho việc sản xuất hàng giả mạo gạo Ông Cua bị lực lượng chức năng tỉnh Bắc Ninh thu giữ. Ảnh: QLTT

“Gạo Ông Cua” liên tiếp bị giả mạo thương hiệu

Mới đây, thông tin của lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội về kết quả đợt ra quân đồng loạt kiểm tra đột xuất các cửa hàng kinh doanh gạo lớn trên địa bàn các quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng và huyện Hoài Đức tiếp tục khiến người tiêu dùng lo lắng.

Cụ thể, sau hơn 3 tháng theo dõi, giám sát, 3 đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 1, 5 và số 15 thuộc Cục QLTT thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất 6 cơ sở kinh doanh gạo nằm rải rác trên địa bàn 3 quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng và huyện Hoài Đức có dấu hiệu kinh doanh sản phẩm giả mạo thương hiệu gạo ST25 Ông Cua.

Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy, tổng số lượng gạo giả nhãn hiệu và bao bì Ông Cua của doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, tại một số cơ sở kinh doanh gạo trên địa bàn quận Hoàng Mai là 67 túi gạo Ông Cua ST25 loại 5kg/túi và 3 túi Ông Cua ST25 Lúa - Tôm là hàng hóa thành phẩm có dấu hiệu hàng giả, 376 bao bì giả mạo chưa đóng, 700kg gạo dùng để đóng gói gạo giả mạo thương hiệu, 2.600 chiếc tem chống hàng giả.

Còn tại cơ sở kinh doanh Gạo Tuấn Lý (xã Đức Giang, huyện Hoài Đức), đoàn kiểm tra thu giữ 68 bao loại 5kg hàng thành phẩm, 605 chiếc vỏ bao có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu và giả mạo bao bì của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, 1 máy hàn nhiệt dùng để đóng gói gạo giả…

Tiếp đó, ngày 27/6 lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục triệt phá một cơ sở kinh doanh “Gạo Ông Cua” được bán qua nền tảng thương mại điện tử Shopee, cơ sở này có trụ sở chính đặt tại Bắc Ninh.

Theo thông tin của lực lượng QLTT, trước đó, qua phản ánh của người tiêu dùng và quá trình xác minh điều tra, cơ quan chức năng phát hiện tài khoản Shopee “Đại lý Gạo Hồng Anh” đăng bán sản phẩm “Gạo Ông Cua” có giá rẻ hơn nhiều so với giá sản phẩm cùng loại được giới thiệu trên website chính thức của doanh nghiệp Hồ Quang Trí.

Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng bắt quả tang các công nhân đang thực hiện gia công, đóng gói gạo từ các bao lớn sang các bao bì loại 5kg thể hiện thương hiệu “Gạo Ông Cua và hình”. Ngoài tên thương hiệu, trên các nhãn bao bì hiển thị đầy đủ thông tin về website, doanh nghiệp sản xuất và địa chỉ công ty của sản phẩm chính hãng.

Tại thời điểm kiểm tra, 160 bao “Gạo Ông Cua” đã được đóng thành phẩm. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn ghi nhận hàng trăm vỏ bao bì nhãn hiệu “Gạo Ông Cua” chưa sử dụng cùng 4 tấn gạo đựng trong 80 bao tải chưa được đóng gói, trên các bao bì thể hiện “Gạo đặc sản”, “ST25”, “Đặc sản Sóc Trăng”, “Gạo ngon nhất thế giới”...

Hành vi giả mạo nhãn hiệu, bao bì hàng hoá có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Hiện tượng giả mạo nhãn hiệu gạo Ông Cua không phải mới đây mới xuất hiện, mà theo đó, nó xuất hiện từ những năm trước. Cũng không chỉ gạo Ông Cua, mà rất nhiều những nhãn hàng gặp tình trạng giả mạo này.

Theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn luật sư TP Hà Nội, hành vi buôn bán giả mạo hàng hoá, bao bì hàng hoá và hành vi sản xuất hàng giả mạo hàng hoá, bao bì hàng hoá đều là những hành vi vi phạm pháp luật.

Các hành vi trên sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định các biện pháp xử phạt hành chính đối với hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và đảm bảo trật tự kinh doanh trên thị trường.

Cụ thể, Điều 11 Nghị định này quy định, đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa sẽ bị phạt tiền tùy thuộc vào giá trị tương đương của hàng giả so với hàng thật hoặc số tiền thu lợi bất chính từ hành vi giả mạo nhãn hiệu. Mức phạt cao nhất cho hành vi này là 50 triệu đồng.

Với hành sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, Điều 12 nêu rõ, mức phạt tiền tùy thuộc vào giá trị tương đương của hàng giả so với hàng thật hoặc số tiền thu lợi bất chính từ hành vi giả mạo nhãn hiệu. Mức phạt hành vi này cao nhất 50 triệu đồng.

Ngoài ra, các hành vi trên còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung. Theo đó, ngoài mức phạt tiền, các cơ sở này sẽ bị tịch thu tang vật vi phạm, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, và đình chỉ hoạt động sản xuất.

Đồng thời buộc phải có biện pháp khắc phục hậu quả như buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả hoặc buộc tiêu hủy hàng giả.

“Giả mạo nhẫn hiệu hàng hóa là hành vi vi phạm pháp luật, hành vi này không chỉ xâm hại chế độ quản lý của Nhà nước trong hoạt động quản lý sản xuất, kinh doanh mà còn xâm phạm đến quyên sở hữu công nghiệp đối với nhẫn hiệu được pháp luật sở hữu trí tuệ bảo vệ” - luật sư Nguyễn Tiến Hùng nói.

Do đó, theo ông, hành vi giả mạo nhẫn hiệu hàng hóa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong hai tội sau: Tội sản xuât, buôn bán hàng giả theo Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 hoặc Tội xâm phạm quyên Sở hữu công nghiệp theo Điều 226 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo đó, Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả: người thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng.

Nếu người vi phạm thuộc vào các trường hợp sản xuất, buôn bán hàng giả có giá trị tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên; thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng trở lên; gây tử vong cho 02 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên; gây thiệt hại về tài sản từ 1.500.000.000 đồng trở lên thì có thể bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

Còn Điều 226 Bộ luật này cũng quy định về Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Cụ thể, người thực hiện hành vi cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam, và hành vi này liên quan đến hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Nếu người vi phạm thuộc vào các trường hợp Người vi phạm đã phạm tội 02 lần trở lên; thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng trở lên; gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 500.000.000 đồng trở lên; hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên thì có thể bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Hà Nội: kiểm tra đột xuất 6 cơ sở kinh doanh gạo có dấu hiệu giả mạo thương hiệu gạo Ông Cua Hà Nội: kiểm tra đột xuất 6 cơ sở kinh doanh gạo có dấu hiệu giả mạo thương hiệu gạo Ông Cua

Hôm 5/4 vừa qua, 3 đoàn kiểm tra thuộc Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất ...

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động