Thứ ba 26/11/2024 08:48
Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động

Phải có quy định rõ ràng về thẩm quyền huy động người, phương tiện của lực lượng CSCĐ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong sáng 26/5, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật Cảnh sát cơ động.
Phải có quy định rõ ràng về thẩm quyền huy động người, phương tiện của lực lượng CSCĐ
Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên thảo luận

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động tại hội trường, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật này. Sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội các cơ quan của Quốc hội và cơ quan có liên quan.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Cảnh sát cơ động là lực lượng thuộc Công an Nhân dân, nên dự thảo Luật Chính phủ trình quy định Cảnh sát cơ động là “lực lượng vũ trang Nhân dân” là phù hợp và thống nhất với một số luật đã ban hành; là căn cứ pháp lý để xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, xây dựng chế độ, chính sách, bảo đảm hoạt động, tạo điều kiện để cảnh sát cơ động hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, quy định về thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự nhằm bảo đảm các điều kiện để Cảnh sát cơ động hoàn thành nhiệm vụ được giao trong các trường hợp cấp bách, do đó dự thảo Luật chỉ quy định Cảnh sát cơ động được huy động khi thực hiện các nhiệm vụ do Cảnh sát cơ động chủ trì thực hiện quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 9 dự thảo Luật. Đối với nhiệm vụ tham gia, phối hợp phòng, chống, khắc phục thảm họa, thiên tai, dịch bệnh thì việc huy động người, phương tiện, thiết bị sẽ do lực lượng chủ trì quyết định.

Đối với nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, nếu phát hiện trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng đe dọa đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội cần có biện pháp ngăn chặn, xử lý, trấn áp kịp thời mà lực lượng tuần tra, kiểm soát không đủ điều kiện xử lý hiệu quả thì được phép huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này như dự thảo Luật trình Quốc hội.

Dự thảo Luật Chính phủ trình quy định việc điều động cảnh sát cơ động trong nhiều trường hợp khác nhau, trong đó các trường hợp đều phải theo kế hoạch, phương án đã được phê duyệt. Để bảo đảm tính cơ động, kịp thời và đúng thẩm quyền thì trong những trường hợp cấp bách, người điều động cảnh sát cơ động phải đồng thời báo cáo ngay Bộ trưởng Bộ Công an.

Ủy ban Thường vụ cho rằng, quy định này phù hợp với thẩm quyền chỉ huy trong Công an Nhân dân. Tuy nhiên, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý quy định việc báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an như Điều 20 dự thảo Luật trình Quốc hội. Đồng thời đề nghị Quốc hội cho giữ thẩm quyền điều động như dự thảo Luật Chính phủ trình.

Phải có quy định rõ ràng về thẩm quyền huy động người, phương tiện của lực lượng CSCĐ
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới báo cáo, giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận về Luật Cảnh sát cơ động

Ngoài ra, trên cơ sở tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và qua rà soát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bỏ Điều 11 dự thảo Luật Chính phủ trình, bổ sung 03 điều (Điều 11, Điều 12 và Điều 13 như dự thảo Luật trình Quốc hội), chỉnh sửa nội dung và kỹ thuật lập pháp ở 23 điều; sắp xếp lại vị trí một số điều để bảo đảm tính thống nhất và khả thi.

Điều hành phiên họp, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự án Luật Cảnh sát cơ động đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 2, với tổng số 299 ý kiến phát biểu. Sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, tổ chức tọa đàm, xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, hoàn thiện văn bản gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Chính phủ.

Trên cơ sở tập hợp đầy đủ, tập trung nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội, nhiều nội dung của dự thảo Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện cụ thể, rõ ràng hơn. Dự thảo Luật trình lần này đã bổ sung 5 Chương, 33 Điều.

Phát biểu góp ý kiến cho dự thảo Luật Cảnh sát cơ động tại hội trường, đại biểu Bế Minh Đức, Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng nêu ý kiến về vấn đề phải cân nhắc trường hợp huy động người, phương tiện, thiết bị quân sự. Theo ông Đức, về quy định việc huy động người, phương tiện, thiết bị (Điều 16) của dự thảo Luật, việc quy định trong một số trường hợp đặc biệt, được quy định người, phương tiện, thiết bị dân sự và người đang sử dụng điều khiển thiết bị, phương tiện đó để đảm bảo khả năng hoàn thành nhiệm vụ là cần thiết. Nhưng cần phải cân nhắc, xem xét kỹ để đưa ra các quy định chặt chẽ về phạm vi và thẩm quyền về việc huy động nói trên.

Phải có quy định rõ ràng về thẩm quyền huy động người, phương tiện của lực lượng CSCĐ
Đại biểu Bế Minh Đức - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng

Để tránh việc lạm dụng quyền trên một cách rộng rãi cũng như tránh xảy ra những hệ lụy không đáng có, đại biểu Bế Minh Đức nêu rõ, về phạm vi, trường hợp được huy động người và thiết bị dân sự bao gồm cả trường hợp trong khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự tại điểm d, khoản 3, Điều 9 là chưa hợp lý. Đại biểu lí giải, vì hoạt động tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự là hoạt động thường xuyên, không mang tính cấp bách, nên quy định quyền huy động trong trường hợp này là không phù hợp.

Về thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự, đại biểu cho rằng, quy định thẩm quyền như dự thảo Luật là quá rộng, vì có những người phục vụ lâu dài, có những người không phục vụ lâu dài trong lực lượng. Việc huy động ở đây là con người, là phương tiện, thiết bị dân sự, là tài sản của nhân dân, có những tài sản giá trị lớn, rủi ro bị thiệt hại khi huy động là có.

Nhấn mạnh, trường hợp lạm dụng quyền huy động vì mục đích cá nhân thì việc xử lý hệ lụy sẽ rất phức tạp, do đó, đại biểu Bế Minh Đức đề nghị cần cân nhắc thêm nên quy định chỉ những trường hợp đặc biệt, thật sự cần thiết mới là phạm vi để cảnh sát cơ động có thể huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự và giới hạn người có thẩm quyền huy động khi thực hiện nhiệm vụ độc lập phải là những người phục vụ lâu dài trong lực lượng hoặc giữ cấp bậc, chức vụ nhất định.

Cùng quan điểm trên, Đại biểu Nguyễn Hữu Chính, Đoàn ĐBTP Hà Nội cho rằng: Cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ hơn quy định về trường hợp cấp bách được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự quy định tại Điều 16 dự thảo Luật.

Đại biểu cho rằng, đây là nội dung quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân và quyền tài sản. Cho nên cần có quy định chặt chẽ nội dung này hoặc sau khi luật được ban hành phải có văn bản hướng dẫn dưới luật, quy định như thế nào là trường hợp cấp bách để tránh sự lạm quyền của người thi hành công vụ, tránh làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Mặt khác giúp cảnh sát cơ động thuận tiện cho việc thực hiện nhiệm vụ này.

Phải có quy định rõ ràng về thẩm quyền huy động người, phương tiện của lực lượng CSCĐ
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội

Cũng trong thời gian phát biểu góp ý kiến, Đại biểu Hoàng Đức Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho rằng: Dự thảo Luật cần phải quy định rõ việc cảnh sát cơ động vào trụ sở của cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân để làm gì thì mới phải tuân thủ thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống khủng bố. Đại biểu lấy dẫn chứng, nếu họ chỉ vào trụ sở của cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân để thăm hỏi, chúc mừng bình thường mà cũng phải tuân theo các quy định của pháp luật về phòng, chống khủng bố là chưa phù hợp.

Phải có quy định rõ ràng về thẩm quyền huy động người, phương tiện của lực lượng CSCĐ
Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đak Nông

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đak Nông cho ý kiến về thiết lập khu vực cấm bay, hạn chế máy bay không người lái hoặc các phương tiện bay siêu nhẹ, đại biểu cho biết, một số khu vực cấm bay, hạn chế bay do Bộ Quốc phòng quản lý, bảo vệ, lực lượng cảnh sát cơ động không thể tiếp cận và triển khai nhiệm vụ.

Do đó, cần xác định cụ thể phạm vi số khu vực cấm bay, hạn chế bay mà lực lượng cảnh sát cơ động có thể thực hiện nhiệm vụ để đảm bảo tránh chồng chéo với các đơn vị của Bộ Quốc phòng.

Tiến độ Dự án đường Hồ Chí Minh chậm gần 2 năm
Lùi thời hạn trình Luật đất đai sửa đổi
Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi: 9 nhóm vấn đề cơ bản và 3 vấn đề còn có ý kiến khác nhau
Đa số cử tri, Nhân dân, nhà giáo, nhà khoa học không đồng tình môn Lịch sử là môn học lựa chọn
Đăng Khôi
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động