Thứ sáu 22/11/2024 13:42
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV

Lùi thời hạn trình Luật đất đai sửa đổi

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong ngày họp thứ 2, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, Uỷ viên UBTVQH, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, thay mặt UBTVQH trình bày tóm tắt tờ trình của UBTVQH dự kiến chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023 và điều chỉnh chương trình năm 2022.
Lùi thời hạn trình Luật đất đai sửa đổi
Uỷ viên UBTV Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp của nước ta, ngay tại Kỳ họp thứ 1 Quốc hội khoá 15, UBTVQH đã chủ động đề xuất, trình Quốc hội quyết định trong Nghị quyết kì họp các Quyết định đặc biệt, đặc thù, chưa có tiền lệ, trao quyền mạnh mẽ cho Chính phủ quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp cấp bách để kịp thời ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 lây lan.

Uỷ quyền cho UBTVQH xem xét, quyết định trong thời gian Quốc hội không họp các biện pháp cần thiết, chưa được quy định hoặc khác với các quy định của Luật nhằm kịp thời phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ, tính mạnh của Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đối với dự kiến chương trình năm 2023 điều chỉnh chương trình năm 2022, hồ sơ chuẩn bị của Chính phủ cơ bản đạt yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật bao gồm tờ trình, báo cáo và bản điện tử hồ sơ chi tiết củ từng dự án kèm theo trong hồ sơ.

UBTVQH đã xem xét thận trọng, kỹ lưỡng đối với từng đề nghị trên cơ sở tờ trình của Chính phủ, ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, bảo đảm tính khả thi của chương trình sát với yêu cầu thực tế để trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh chương trình 2022 và dự kiến chương trình 2023.

Về định hướng lập chương trình năm 2023 và điều chỉnh năm 2022, UBTVQH đề nghị cần bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đồng thời cần quán triệt, định hướng một số quan điểm sau:

Ưu tiên đưa vào chương trình các dự án nhằm kịp thời triển khai nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, các Nghị quyết kết luận của Hội nghị TW, kết luận của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban bí thư, tiếp tục cụ thể hoá hiến pháp, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, bất cập, đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế và phù hợp, thống nhất với các Luật của Quốc hội đã được ban hành.

Về điều chỉnh chương trình năm 2022: Trên cơ sở xem xét đề nghị của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật, ý kiến tham gia thẩm tra của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban khác của Quốc hội, UBTVQH quyết định bổ sung vào chương trình năm 2022 các dự thảo Nghị quyết của Quốc hội gồm:

Nghị quyết về kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quyết định Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hoà để Chính phủ kịp thời chuẩn bị hồ sơ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kì họp này.

Đối với các Dự án còn lại, đề nghị điều chỉnh như sau: Đổi tên Luật thực hiện dân chủ ở xã phường, thị trấn thành Dự án Luật thực hiện dân chủ cơ sở và mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật.

Bổ sung Luật phòng chống rửa tiền sửa đổi vào chương trình trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 4 theo quy trình tại 1 kỳ họp.

Bổ sung 5 Dự án Luật: Luật giao dịch điện tử sửa đổi, Luật Giá sửa đổi, Luật Đấu thầu sửa đổi, Luật HTX sửa đổi và Luật Phòng thủ dân sự vào chương trình và trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 4.

Về dự án Luật Đất đai sửa đổi Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình Quốc hội đối với Luật này cho đến khi có chủ trương định hướng, chỉ đạo của TW về đổi mới chính sách về đất đai.

UBTVQH nhận thấy yêu cầu sửa đổi Luật Đất đai là rất cấp thiết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành luật, đáp ứng nhu cầu huy động và sử dụng nguồn lực đất đai, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển kinh tế xã hội đồng thời tạo cơ sở để sửa đổi bổ sung đồng bộ khắc phục hạn chế bất cập trong các văn bản pluật khác có liên quan.

Tuy nhiên đây là dự án Luật lớn, có nhiều nội dung phức tạp cần nghiên cứu, chuẩn bị kĩ lưỡng. Mặt khác, Hội nghị lần thứ 5 ban chấp hành TW khoá 13 mới tiến hành tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19 để ban hành Nghị quyết mới nên cần có thêm thời gian để nghiên cứu, thể chế hoá đầy đủ chủ trương chính sách của Đảng, do đó đề nghị Quốc hội cho phép lùi thời hạn trình Dự án Luật này từ Kỳ họp thứ 3 sang Kỳ họp thứ 4 và vẫn giữ quy trình xem xét, thông qua tại 3 kỳ họp Quốc hội, tức là cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, thứ 5, thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Năm 2023, trên cơ sở xem xét đề nghị của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật, ý kiến của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban khác của Quốc hội, UBTVQHH trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 đối với 7 Dự án, dự thảo trong đó 6 Luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4.

Bao gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi, Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, Luật Giá sửa đổi, Luật Đấu thầu sửa đổi, Luật Phòng thủ dân sự, Luật HTX sửa đổi và thứ 7 là Dự thảo nghị quyết về chương trình xây dựng Luật pháp lệnh sửa đổi.

Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 thông qua tại Kỳ họp thứ 6 gồm 4 Dự án Luật: Luật Đất đai sửa đổi, Luật Viễn thông sửa đổi, Luật Tài nguyên nước sửa đổi, Luật Quản lý bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự theo tiến độ như Chính phủ đề xuất.

Luật Nhà ở sửa đổi, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi Chính phủ đề nghị trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 thông qua tại Kỳ họp thứ 5, UBTVQH nhận thấy nhiều chính sách mà Chính phủ trình trong hồ sơ đề nghị xây dựng của 2 Luật này có liên quan chặt chẽ đến các quy định trong Luật Đất đai sửa đổi, do đó để đảm bảo sự đồng bộ thống nhất giữa 2 Luật này và Luật Đất đai sửa đổi thì bổ sung 2 Dự án Luật này vào chương trình năm 2023 trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, thông qua tại Kỳ họp thứ 6…

Chính phủ đề nghị bổ sung 5 Dự án Luật năm 2022 và 1 Dự án Luật năm 2023, là: Luật Đường bộ, Luật TTATGT đường bộ, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT cơ sở đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 nhưng chưa được Quốc hội đồng ý xem xét thông qua nên Chính phủ cần chuẩn bị văn bản báo cáo Quốc hội, UBTVQH về kết quả nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội và báo cáo xin ý kiến của các cấp có thẩm quyền trước khi Quốc hội, UBTVQH xem xét đưa vào chương trình.

Luật sửa đổi bổ sung 1 số điều của Luật CAND, UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu và trình vào thời điểm thích hợp.

Về hai Dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi và Luật Phát triển công nghiệp, ý kiến thẩm tra của các cơ quan đều nhất trí với việc ban hành nhưng còn nhiều vấn đề nhất là các chính sách lớn của 2 DA Luật cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ, do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ để hoàn thiện 2 Dự án Luật này trình UBTVQH quyết định bổ sung vào chương trình theo thẩm quyền.

Đăng Khôi
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động