Nữ công nhân lập “hat-trick” sáng kiến cải tiến kỹ thuật
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTìm “thuốc” chữa máy
Công việc của chị Mai là sản xuất vỏ bao xi măng KPK và chị trực tiếp làm việc tại tổ Dệt, tức là tổ tạo ra mảnh vải dệt vỏ bao bằng nhựa PP. Trong quá trình làm việc với máy móc, chị Mai nhận thấy máy thuộc tổ mình ngày một kêu to hơn, bụi dày hơn, vận hành khó hơn, sợi đứt cũng nhiều hơn. Nếu như nhiều công nhân khác khi gặp sự cố hoặc không hài lòng về máy móc chỉ nói với nhau rồi để đấy thì chị Mai lại không chịu ngồi yên mà đã bỏ thời gian, tâm huyết, công sức tìm tòi, nghiên cứu, đưa ra giải pháp khắc phục. Xác định máy khó vận hành, nhiều bụi là do dầu Xilicon của máy lâu ngày đã cạn mà dầu này phải mua tận nước ngoài, giá thành đắt lại rất khó mua, phải đặt hàng rồi chờ đợi hàng tháng, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nên chị Mai đã quyết tâm tìm “thuốc” để chữa bệnh cho máy.
Những buổi xong việc ở phân xưởng, nhân lúc đi chợ mua thức ăn về nấu cho các thành viên trong gia đình nhỏ, chị Mai tranh thủ tạt qua các cửa hàng bán dầu máy. Dù là một người không được học qua trường lớp nào về cơ khí nhưng từ kiến thức tham khảo qua sách báo và quan sát ở nhiều nơi, chị Mai để mắt đến dầu Emerson. Với tính năng bôi trơn kim loại, dầu Emerson dễ mua, giá thành rẻ, có khả năng thay thế dầu Xilicon, giúp máy tại tổ mình vận hành trơn tru, chi phí thấp… Khi thử nghiệm với một số máy móc sơ đẳng tại nhà, chị Mai thấy hiệu quả rõ rệt; lúc này, chị mới mạnh dạn đề xuất với tổ giải pháp và ban lãnh đạo xí nghiệp về sáng kiến của mình. Lắng nghe, tiếp thu những đóng góp của chị Mai, sau khi xem xét, xí nghiệp đã quyết định sử dùng dầu Emerson thay thế dầu Xilicon từ năm 2009. Từ khi máy được bôi trơn bằng dầu Emerson, tình trạng máy kêu, sợi đứt, bụi bặm đã được giải quyết khá triệt để.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Mai khi đang làm việc trong phân xưởng |
Ý tưởng về những sợi màu… biết nói
Quá trình làm việc, chị Mai nhận thấy phế phẩm của xí nghiệp khá nhiều; một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là không tìm ra được bộ phận gây lỗi, ca gây lỗi và người gây lỗi để quy trách nhiệm, có biện pháp xử lý đúng, dẫn tới người làm, đôi khi biết phần của mình có phần sơ xuất nhưng cứ… kệ để sản phẩm chạy theo dây chuyền; đến khi thành sản phẩm rồi thì không đạt yêu cầu của khách hàng nên phải bỏ lại. Làm thế nào để mỗi người ý thức được hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong công việc? Theo chị Mai, cách tốt nhất là phải biết tận tường phần việc của từng người, từng tổ, từng ca, có như vậy mới tăng trách nhiệm của mỗi công nhân hơn nữa.
Trước đây, cả dây chuyền sử dụng một sợi màu giống nhau; để phân biệt, từng tổ đánh dấu công đoạn của mình bằng mực. Mực này theo dây chuyền sẽ mờ dần, bay dần, thậm chí mất hẳn nên không thể nhận biết được phần việc của từng tổ. Từ đây, sáng kiến “Cải tiến quy trình đánh dấu sản phẩm công đoạn” được đưa ra. Để thực hiện, chị Mai đề xuất tổ giải pháp việc mỗi tổ sẽ sử dụng một màu sợi khác nhau. Khi sản xuất, kể cả lúc đã ra thành sản phẩm rồi vẫn xác định được tổ nào, ca nào hoàn thành nhiệm vụ của mình đến đâu. Giải pháp chị Mai giúp kiểm soát được các kíp sản xuất; kiểm soát sản lượng và chất lượng sản phẩm của từng công nhân dệt; truy tìm được nguồn gốc sản phẩm; nâng cao ý thức trách nhiệm của công nhân đối với sản phẩm mình làm ra, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm. Thấy thiết thực, xí nghiệp đã đồng ý và đưa ý tưởng này vào áp dụng năm 2014. Từ đó, ý thức của công nhân tăng rõ rệt, số sản phẩm lỗi, phế phẩm giảm nhiều, đây là điều rất đáng mừng và có sự đóng góp quan trọng của chị Mai.
Sáng kiến tiết kiệm vật tư
Trong cuộc chuyện trò, chị Mai say sưa nói về sáng kiến nữa của mình với tên gọi: “Thay đổi chiều rộng sợi vải dệt tại công đoạn tạo sợi và phân bố lại sợi dọc trong máy dệt”. Vốn là một người tinh tế, ưa quan sát và suy ngẫm về những gì mình nhìn thấy, trong quá trình sản xuất, chị Mai nhận thấy bề rộng sợi và mật độ sợi chưa hợp lý dẫn đến hiện tượng vỏ bao thành phẩm bị bục, rách.
Ý thức rằng cần đưa ra giải pháp phù hợp để khắc phục tình trạng này, sau nhiều ngày tư duy, nghiền ngẫm, chị Mai xác định được nguyên nhân chính dẫn đến bục vỏ bao, rách mối dán nên đã đề xuất tổ giải pháp phương án tăng mật độ sợi ở giữa và mép vải; đồng thời ở những chỗ khác, sợi sắp xếp thưa dần. Song song với đó, bề mặt sợi cũng nên thay đổi; trước là 3mm, nay giảm xuống còn 2,85mm. Sáng kiến này sẽ sử dụng triệt để toàn bộ màng PP khi kéo sợi; giảm sản lượng sợi phải tái sinh, giảm giá thành sản phẩm; thay đổi cách phân bố sợi dọc theo một mạng lưới nhất định và đưa tổng lượng sợi dọc tại tất cả các máy dệt là như nhau; giảm thiểu tất cả các ảnh hưởng của các lỗi vải dệt lên chất lượng sản phẩm; tăng năng suất lao động cho công đoạn tạo sợi và công đoạn dệt, giảm định mức tiêu hao vật tư nhựa tạo sợi; giảm phế phẩm cho công đoạn tạo sợi; tiết kiệm nhựa dùng cho công đoạn này mà chất lượng vải dệt PP vẫn ổn định, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đề ra.
Thẩm định ý tưởng của chị Mai hoàn toàn có cơ sở, xí nghiệp đã tiến hành thử nghiệm và kết quả đem lại rất tốt; vừa tiết kiệm được sợi vải, tăng năng suất, tiết kiệm thời gian sản xuất, giảm giờ làm cho người lao động mà vẫn hoàn thành đúng thời hạn đơn đặt hàng của đối tác.
Tinh thần trách nhiệm của chị Ngọc Mai với công việc và những sáng kiến của chị không những được lãnh đạo xí nghiêp, công ty khen ngợi, chị em công nhân nữ nể phục mà các anh em công nhân nam cũng tỏ lòng hâm mộ. Làm đúng, đủ nhiệm vụ đã là điều tốt nhưng tư duy và nghiên cứu để làm sao đưa cả dây chuyền thay đổi, tăng năng suất lao động, tăng chất lượng sản phẩm là việc không dễ dàng, nhất là với một nữ công nhân đã có gia đình, phải chăm lo con cái như chị Nguyễn Thị Ngọc Mai.
Cuộc sống nối dài ra mãi, công việc của chị Mai vẫn là se những sợi nhựa PP trong dây chuyền để tạo ra vỏ bao xi măng Vicem Hoàng Thạch nhưng nhìn vào sợi nhiều sắc màu, làm việc trong bầu không khí trong lành, ít bụi, ít tiếng ồn, sản phẩm làm ra đạt chất lượng, chị Mai thêm yêu và gắn bó với công việc của mình hơn nữa với quan niệm: “Mỗi người mỗi nghiệp khác nhau; dù ở vị trí nào cũng hãy làm tốt vai trò và dù sáng tạo nhiều thế nào đi nữa, tôi cũng không quên mình là một người phụ nữ của gia đình”.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại