Thứ năm 02/05/2024 00:43

NSƯT Đức Hùng:

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Người ta vẫn thường nghĩ, Đức Hùng sướng nhỉ, nhìn lúc nào cũng bảnh bao vì toàn vận trên mình những lụa là, gấm vóc. Nhưng đằng sau sự thời thượng ấy chính là những chông gai, khó khăn mà đôi lúc suýt quật ngã anh. Nhờ có tình yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp mà Đức Hùng vượt qua tất thảy để xây dựng cho mình một thương hiệu thời trang áo dài nổi tiếng nhất nhì Việt Nam, đồng thời là nghệ sĩ tài ba của làng nghệ thuật múa rối.

Nhà thiết kế kiêm nghệ sĩ múa rối tài ba

NSƯT Đức Hùng, SN 1968 trong một gia đình khá giả tại Hà Nội. Vì bố mẹ sinh được 5 người con gái, chỉ duy nhất Đức Hùng là con trai nên anh được cả nhà cưng chiều hết mực. Thời là học sinh, Đức Hùng rất thích ngành y, muốn lớn lên sẽ trở thành bác sĩ nhưng ước mơ ấy không được bố mẹ đồng ý vì sợ anh vất vả. Nghĩ rằng làm nghệ sĩ, con trai sẽ có cuộc sống sung sướng nên bố mẹ hết lời khuyên anh thi vào trường nghệ thuật.

Năm 16 tuổi, Đức Hùng được chị gái dẫn đến trường Nghệ thuật Hà Nội để thi tuyển. Trước đó anh đã từng học năng khiếu kịch nên được mọi người khuyên thi vào chuyên ngành kịch nói để dễ bề phát huy tài năng. Tuy nhiên, khi được xem các nghệ sĩ biểu diễn múa rối nước, anh thay đổi luôn quyết định. Đức Hùng cũng không lý giải được tại sao anh lại mê múa rối nước đến thế.

Năm 1986, Đức Hùng tốt nghiệp ra trường và được phân công về Nhà hát múa rối Thăng Long. Có điều, vì nhà hát gặp nhiều khó khăn nên anh và nhiều bạn học khác bị cho nghỉ việc tạm thời. Có những lúc, Đức Hùng rơi vào trạng thái áp lực, không biết nên chờ nhà hát gọi đi làm tiếp hay là chuyển sang một công việc khác. Anh không thôi suy nghĩ: Phải chăng cánh cửa nghệ thuật đã “bít” hẳn với mình? Thế rồi, tạm gác lại những lo lắng, Đức Hùng bén duyên với thời trang.

Là con trai nhưng Đức Hùng rất khéo léo, nhất là môn may vá, thêu thùa. Ngày còn là sinh viên nghệ thuật, anh thường kiếm những mảnh vải vụn rồi chắp nối lại, biến tấu thành những chiếc áo, váy xinh xinh cho các bạn biểu diễn. Không ngờ sau này, thiết kế lại trở thành nghề giúp Đức Hùng nổi tiếng trước cả nghề múa rối mà anh ngày đêm theo đuổi.

Đức Hùng chính thức được biết đến khi là người thiết kế trang phục trong cuộc thi Hoa hậu báo Tiền Phong 1992. Khi ấy, anh thiết kế váy áo cho người đẹp Vi Thị Đông, cũng là Á hậu cuộc thi. Sau đó, Đức Hùng được nhiều người đẹp tin tưởng, trong đó có hoa hậu Thiên Nga đăng quang năm 1996 nhờ thiết kế chiếc váy “thiên nga” kiêu sa, lộng lẫy.

Có thể thiết kế nhiều loại trang phục nhưng Đức Hùng lại đắm đuối nhất với áo dài - biểu tượng thời trang của phụ nữ Việt. Dù có bao nhiêu nhà thiết kế (NTK) cách tân áo dài để hiện đại, trẻ trung và quyến rũ hơn thì Đức Hùng vẫn mãi chung thủy với áo dài truyền thống, tức là anh vẫn làm mới trang phục bằng các chi tiết, đường nét, màu sắc khác nhau nhưng vẫn giữ được sự tinh tế, nền nã và chuẩn mực vốn có. Đức Hùng quan niệm rằng, áo dài là sản phẩm nghệ thuật mang đậm hồn Việt nên dù xã hội có hiện đại cỡ nào cũng không nên cách tân thái quá bởi làm thế sẽ khiến chính người Việt cũng khó lòng nhận ra nét truyền thống trong trang phục của nước mình. Cần mẫn sáng tạo và hết lòng vì sự phát triển của áo dài, Đức Hùng trở thành NTK nổi tiếng nhất nhì Việt Nam trong lĩnh vực này. Nói đến áo dài Việt Nam là nói đến NTK Đức Hùng và ngược lại. Minh chứng cho sự thành công trong thời trang chính là hàng trăm show diễn lớn nhỏ về áo dài cả trong và ngoài nước. Đặc biệt và kỳ công nhất là show trình diễn 500 thiết kế áo dài ấn tượng chủ đề “Đất Rồng thiêng” nhân dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Đức Hùng tâm sự, mới đầu, anh định đưa 1.000 mẫu áo dài tương ứng với 1.000 năm Thăng Long lên sân khấu nhưng vì thời gian trình diễn có hạn, người mẫu lại thiếu nên chỉ biểu diễn được một nửa. Để có được show diễn hoành tráng này, Đức Hùng đã phải mất hơn 2 năm nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo. Trong đêm trình diễn, chân anh đau nhức đến nỗi phải tiêm thuốc giảm đau mới có thể góp mặt để hướng dẫn người mẫu. Anh cũng là NTK trang phục cho nhiều chương trình truyền hình như Sao mai điển hẹn, Táo quân,... đồng thời là MC và giám khảo của một số chương trình, cuộc thi, đặc biệt là các cuộc thi về nhan sắc.

Nổi tiếng với thời trang nhưng Đức Hùng vẫn giữ mối lương duyên đặc biệt với múa rối. Sau khoảng 7 năm “thất nghiệp”, Đức Hùng và các đồng nghiệp được gọi lại nhà hát nhưng chỉ có anh là quay trở lại bởi tình yêu với rối vẫn không hề thay đổi. Phần thưởng cho bao năm chờ đợi, chung thủy với nghề được đền đáp xứng đáng bằng tấm huy chương bạc đầu tiên trong sự nghiệp. Đó là vai Thỏ trong vở múa rối “Rùa và Thỏ”. Anh cho biết đã làm nghệ thuật thì nghề nào cũng vất vả. Múa rối cũng vậy, có những ngày, thời tiết lạnh thấu xương nhưng các nghệ sĩ múa rối nước vẫn phải ngâm mình dưới nước để biểu diễn, tất cả là vì tình yêu với nghề nên không một tiếng kêu than, trách móc.

Nhưng đúng là ít ai có thể đảm đương được cùng lúc hai công việc. Vì say mê múa rối nên có khoảng thời gian Đức Hùng “bỏ rơi” thời trang. Lúc nhận ra điều đó, anh đã định xin nghỉ việc để xốc lại việc kinh doanh nhưng được sự động viên của gia đình, đồng nghiệp, anh nỗ lực vượt qua, phát triển thời trang song song với đam mê múa rối. Quả là nghề không phụ người, Đức Hùng liên tiếp giành được những tấm huy chương cao quý tại các liên hoan múa rối trong nước và quốc tế. Năm 2012, anh được vinh danh NSƯT. Đây là phần thưởng xứng đáng ghi nhận sự kiên trì, bền bì và quyết tâm theo đuổi đam mê đến cùng của người nghệ sĩ.

Mới đây, Đức Hùng tham gia đóng phim truyền hình “Người phán xử” thuộc thể loại tâm lý tội phạm. Trong phim, Đức Hùng vào vai một nhân vật trong thế giới ngầm. Đây là vai diễn xuất hiện không nhiều nhưng lại có cảnh tra tấn khá đắt nên Đức Hùng có chút lo lắng. Tuy vậy, anh không sử dụng diễn viên đóng thế mà tự mình thực hiện các cảnh quay khó. Anh thừa nhận, nhờ lần đóng phim này, anh mới thấm thía nghề diễn viên vất vả hơn nghề thiết kế và múa rối của mình khá nhiều. Nhưng không phải vì thế mà anh “sợ”, nếu được mời đóng phim tiếp, anh sẽ nhận lời ngay.

nghệ sĩ Đức Hùng
NSƯT Đức Hùng trong buổi ra mắt phim “Người phán xử”. Ảnh tư liệu



Người cha nghiêm khắc

Đức Hùng tâm sự anh cưới vợ khá nhanh. Từ lúc quen cho đến cưới chỉ 3 tháng. Rất may là anh không nhầm vì bà xã rất yêu, hiểu và thông cảm cho công việc của anh. Ở nhà, anh là người cha nghiêm khắc, uốn nắn con cái rất kỹ càng. Anh cho biết, mình chịu ảnh hưởng cách dạy con cái từ bố mẹ. Ngay từ nhỏ, anh đã được mẹ dạy cách sống tự lập, phải chịu trách nhiệm về những gì mình làm. Bố Đức Hùng mất khi anh 16 tuổi, 3 năm sau thì mẹ cũng qua đời nhưng nhờ vào sự giáo dục nghiêm khắc từ nhỏ nên anh luôn sống chuẩn mực. Do vậy, anh luôn muốn con cái sống nề nếp, khuôn khổ để sau này lớn lên, nếu gặp phải sóng gió cũng bản lĩnh vượt qua. Nghiêm khác là vậy nhưng Đức Hùng sống rất tình cảm. Anh biết các con càng lớn sẽ càng có nhiều tâm sự, nếu bố mẹ không tâm lý sẽ càng tạo khoảng cách với con cái, thậm chí khiến chúng cô đơn ngay chính ngôi nhà của mình. Thế nên dù bận công việc đến mấy, anh vẫn sắp xếp khoảng thời gian nhất định để cả gia đình bên nhau, cùng trò chuyện để cởi mở lòng mình. Là người nổi tiếng nhưng Đức Hùng không muốn cho con tham gia những sự kiện của làng giải trí, bởi anh muốn chúng được lớn lên đúng với lứa tuổi, được hồn nhiên, vô tư như chúng bạn. Được hỏi anh có định cho các con theo nghệ thuật giống bố, Đức Hùng bảo sẽ tôn trọng quyết định của các con. Có một niềm vui nho nhỏ là hai con gái của anh đều vẽ rất đẹp. Không nói nhưng niềm vui xen lẫn tự hào lấp lánh trong đôi mắt của nhà thiết kế kiêm nghệ sĩ nổi tiếng này.

Hồng Giang - Thu Trang / PL&XH

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động